Người con của núi rừng Tây Bắc

09-06-2013 08:00 | Thời sự
google news

Ông là một vị tướng mà trọn cuộc đời ông dành để cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc.

Ông là một vị tướng mà trọn cuộc đời ông dành để cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc. Ông được đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc yêu mến, kính trọng bởi đức hy sinh và sự tận tụy, hết lòng vì nhân dân. Sau khi nghỉ hưu, trở về với đời thường, người Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân ấy vẫn mộc mạc như cây rừng lá bản, đem sức lực, tâm huyết của mình để giúp đỡ nhiều hộ dân xóa đói giảm nghèo… 86 tuổi đời, 66 tuổi Ðảng, ông được bà con các dân tộc yêu mến tặng cho danh hiệu “Người con ưu tú của núi rừng Tây Bắc”. Ông là Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp, nguyên Cục trưởng Cục Chống phản động, Tổng cục An ninh, Bộ Công an.

Người con của núi rừng Tây Bắc 1
 30 năm gắn bó với núi rừng Tây Bắc, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp luôn được bà con các dân tộc yêu quý, kính trọng.
1. Mỗi ngày, trong căn nhà giản dị giữa khu vườn ngút ngàn màu xanh cây trái thuộc địa bàn xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, người cán bộ công an lão thành này thường dành ít phút để ghi lại những điều mình tâm đắc, hay những suy ngẫm về cuộc sống, về lý tưởng cách mạng và đạo lý làm người. Giản dị và khiêm cung, nhân dân trong vùng luôn yêu quý, kính trọng ông bởi ông là người góp phần mở ra một con đường mang lại sự bình yên và no ấm cho họ. Nhưng ít ai biết rằng, người Hội trưởng Hội làm vườn giàu kinh nghiệm ấy còn là một vị tướng, một Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân của ngành công an có nhiều chiến công gắn với những nẻo đường biên cương xa xôi của Tổ quốc.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp sinh năm 1928 trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Vũ Xá, xã Thất Hùng, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Dòng họ Nguyễn Trọng bao đời sinh cơ bên dòng sông Kinh Thầy hiền hòa đã hun đúc cho ông tinh thần vượt khó, lòng căm thù giặc sâu sắc và ý chí quyết tâm theo con đường cách mạng. Năm 15 tuổi, ông tham gia cách mạng, làm liên lạc cho đội tự vệ khu Trưng Trắc, Hải Phòng. Năm 1948, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và sau đó băng rừng, vượt núi về nhận công tác tại huyện Tuần Giáo - Lai Châu, bấy giờ thuộc Quân khu Tây Bắc, với cương vị Ủy viên Ban cán sự huyện. Nguyện trọn đời gắn bó với một miền biên cương còn nhiều gian khó, ông đã trải qua nhiều cương vị khác nhau như: Chính trị viên huyện đội, Chính trị viên Tiểu đoàn biên phòng Lai Châu, Huyện ủy viên, Trưởng Công an huyện Tuần Giáo, rồi Phó Trưởng phòng Bảo vệ chính trị Sở Công an khu Tây Bắc, Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Công an tỉnh Lai Châu... Năm 1988, ông được điều động về  Bộ Nội vụ, được phong hàm Thiếu tướng và giữ chức Cục trưởng Cục Chống phản động, đây là một trong những vị tướng đầu tiên của lực lượng An ninh nhân dân.

Năm 2009, người con của đồng đất Kinh Môn và cũng là người con của núi rừng Tây Bắc ấy đã làm rạng danh cho cả hai miền quê mà ông luôn yêu quý khi ông vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân cho những thành tích chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc của ông.

2. Cùng ông về thăm lại Tây Bắc xa xôi, có thể nói suốt nửa thế kỷ qua, vùng đất biên cương tràn ngập nắng gió ấy là nơi lưu giữ gần như trọn vẹn những trang đẹp nhất của cuộc đời Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp. Những ngày tháng gian khó mà thủy chung của tình quân dân, tình đồng đội, những tháng ngày sáng lên phẩm chất của người cộng sản Nguyễn Trọng Tháp đã và sẽ luôn được kể lại trong câu chuyện dưới mỗi nếp nhà sàn, trong bài học của các em thơ và cả trong những trang tiểu thuyết đậm chất anh hùng ca cách mạng.

Ngay từ những ngày đầu đặt chân đến Tuần Giáo, ông đã đến cơ sở gặp gỡ quần chúng, tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây và kiên trì học nói tiếng của dân tộc Mông, Thái, Dao... để tiếp xúc, vận động bà con được dễ dàng hơn. Khi đó kẻ địch thường xuyên tuyên truyền xuyên tạc chia rẽ người Kinh với các dân tộc, vì vậy, khi tiếp xúc với đồng bào, đồng chí Nguyễn Trọng Tháp rất thận trọng và quyết tâm dùng cử chỉ và thái độ của mình để làm cho họ hiểu được chủ trương chính sách của Đảng và tấm lòng của người cán bộ Việt Minh. Từ sự gắn bó ấy, đồng bào đã rất tin tưởng vào ông, cung cấp cho ông và tổ chức nhiều tin tức có giá trị, giúp phá được nhiều vụ án trên địa bàn.      

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bắt đầu công cuộc xây dựng XHCH và đẩy mạnh đấu tranh thống nhất đất nước. Sơn La và Lai Châu là địa bàn hoạt động trọng điểm về xâm nhập biệt kích, gián điệp của Mỹ Ngụy, nhằm phá hoại, ngăn cản sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Từ năm 1961 đến năm 1971, Mỹ - Ngụy đã tung nhiều toán gián điệp, biệt kích với hàng trăm tên cùng nhiều vũ khí, khí tài, điện đài, chất nổ... xuống Sơn La và Lai Châu. Ta đã tổ chức lập kế hoạch “trò chơi nghiệp vụ” nhằm câu nhử và bắt giữ tất cả các toán gián điệp biệt kích do địch thả xuống các tỉnh biên giới phía Bắc. Trong đó, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp trực tiếp tham gia 2 chuyên án nổi tiếng là “PY27” và “LH17”.

Ông còn trực tiếp chỉ đạo, đấu tranh phá hàng trăm vụ án phản động, xưng vua, nổi phỉ bạo loạn, lập đảng phái phản động âm mưu lật đổ chính quyền như triệt phá âm mưu thành lập tổ chức phản động “Đảng cộng sản Tây Bắc” ở Hồ Thầu, Phong Thổ, Lai Châu năm 1959, đấu tranh phá vụ án phản động tại Mường Bánh, Tuần Giáo, Lai Châu năm 1967, đấu tranh vụ xưng vua tại Xá Nhè, Tuần Giáo, Lai Châu năm 1968, phá 1 chuyên án bắt 13 tên phản động trước 2 giờ khi xảy ra chiến tranh biên giới năm 1979... góp phần giữ bình yên một vùng biên cương cực Tây Bắc.

Sau ngày đất nước thống nhất, trên cương vị Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu, đồng chí Nguyễn Trọng Tháp lại cùng đồng đội bước vào cuộc chiến đấu mới, đó là cuộc chiến diệt giặc dốt, giặc đói và những tệ nạn, hủ tục còn đè nặng lên cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp đặc biệt chú trọng tới việc đào tạo cán bộ là người dân tộc để xây dựng lực lượng công an tỉnh không những tinh thông nghiệp vụ mà còn phải thông thuộc địa bàn, gần dân, hiểu dân... Trong một thời gian ngắn, ông và đồng đội đã xây dựng và đào tạo được một đội ngũ cán bộ chiến sĩ công an người dân tộc: Mông, Hà Nhì, Thái... có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức để đảm nhận các nhiệm vụ được giao, thực sự là lực lượng quan trọng trong việc giữ vững an ninh chính trị ở khu vực đồng bào dân tộc sinh sống. Hiện nay, nhiều cán bộ chiến sĩ công an người dân tộc thiểu số được Thiếu tướng Tháp quan tâm đào tạo, dìu dắt đều đã trưởng thành và đảm nhiệm nhiều chức trách quan trọng của ngành công an nói chung và công an khu vực Tây Bắc nói riêng. Trung tướng Nông Văn Lưu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục an ninh II và Thiếu tướng Vi Văn Long - Cục trưởng Cục an ninh Tây Bắc vẫn thường nhắc đến ông như nhắc đến một người lãnh đạo, một người thầy cũ của mình với sự trân trọng và biết ơn sâu sắc.

3. Một đời lăn lộn với núi rừng, những tưởng sau khi nghỉ hưu, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp sẽ bình an tận hưởng những tháng ngày thanh nhàn bên người bạn đời bao năm đồng cam cộng khổ. Vậy mà sức đi, sức nghĩ và lòng yêu lao động trong ông vẫn thúc giục ông làm việc. Được người thân giới thiệu, ông đã đến khu đồi Mít thuộc xã An Sinh, huyện Đông Triều, Quảng Ninh để tìm hiểu và quyết định mua 3 héc-ta đất đồi hoang hóa để cải tạo, lập trang trại trồng cây ăn quả. Những ngày đầu thật biết bao vất vả. Điện, nước hoàn toàn không có, ông bà phải đi xa gần 1km dưới chân dốc khúc khuỷu để gánh từng gánh nước về dùng. Từ sáng sớm cho đến tối mịt, hai ông bà cùng con lại miệt mài lao động trên đồi. Chẳng bao lâu, khu đồi Mít cằn khô trước đây chỉ toàn cỏ dại đã được thay thế bằng màu xanh của những vườn cây vải thiều, na cao sản, bưởi Diễn...   

Ông đã bỏ thời gian nghiên cứu, đọc sách kỹ thuật, xem các chương trình truyền hình, hỏi kỹ thuật của các kỹ sư nông nghiệp... để tìm ra cách chăm sóc cây cho thành quả tốt nhất. Khi trồng cây có thu hoạch cao, ông không giấu nghề mà phổ biến kinh nghiệm cho bà con cả vùng. Năm 2002, ông cùng hơn 70 hộ làm vườn trong xã thành lập Hội người làm vườn “An Dân Việt”. Ông được mọi người tín nhiệm bầu làm Hội trưởng Hội làm vườn. Với vai trò của mình, ông gặp gỡ trao đổi với bà con kinh nghiệm trồng cây, phát triển chăn nuôi, thăm hỏi, động viên bà con khi ốm đau, bệnh tật. Đồng thời, ông còn cùng với các cán bộ hội đi tìm hiểu thị trường, nắm bắt thông tin, tìm đầu ra cho sản phẩm để chống tư thương ép giá...

 Không chỉ có vậy, dẫu tuổi đã cao nhưng Thiếu tướng Nguyễn Trọng Tháp vẫn luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm với phong trào bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn. Ông thường xuyên chủ động lui tới gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo xã và công an xã trao đổi kinh nghiệm, đồng thời hướng dẫn lực lượng công an xã trong công tác đản bảo an ninh trật tự. Gần 20 nắm gắn bó với Đông Triều thì cũng ngần ấy năm ông dốc hết tâm sức vào lao động thực sự, lao động cho mình và cho đời. 70 năm hoạt động cách mạng, 66 năm tuổi Đảng, 52 năm phục vụ trong ngành công an, những cống hiến của ông luôn được Đảng, Nhà nước và ngành công an ghi nhận với những danh hiệu cao quý như: Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất; Huân chương Chiến công, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất...  cùng  2 Huân chương It Xa La hạng 2 của Chính phủ Lào trao tặng...

Suốt đời học tập và làm theo lời Bác, ông tự hào và không hổ thẹn trước Đảng, trước đồng đội và nhân dân về những năm tháng mình đã cống hiến cho cách mạng. Dù đã bước trên những chặng cuối của cuộc đời nhưng tôi luôn có cảm giác vị tướng của lực lượng công an, người con anh hùng của hai miền quê Tây Bắc và Hải Dương vẫn chưa phút nào nguôi trăn trở...     

Bài và ảnh: Ngân An


Ý kiến của bạn