Mỹ cắt giảm ngân sách đóng góp: “Cú sốc” và “cú hích” với Liên Hợp Quốc

26-12-2017 17:30 | Quốc tế

SKĐS - Mỹ - thành viên đóng góp nhiều nhất cho ngân sách của Liên Hợp Quốc - cho biết sẽ cắt giảm số tiền đóng góp cho tổ chức này năm 2018 khoảng 285 triệu đô la. Thông báo của Mỹ không hề bất ngờ bởi từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần nhắc đến việc cắt giảm ngân sách ở những tổ chức mà lâu nay Mỹ đóng vai trò“đầu tàu”. Tuy vậy, quyết định của Mỹ đặt tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh trước nhiều thách thức mới.

Phái đoàn Mỹ tại Liên Hợp Quốc tuyên bố đã thảo luận và nhất trí cắt giảm 285 triệu USD trong số tiền đóng góp cho ngân sách Liên Hợp Quốc trong hai năm tài chính 2018-2019. Theo đó, việc cắt giảm chi phí đáng kể sẽ phù hợp hơn với các ưu tiên của Washington trên toàn cầu. Ngân sách của Liên hợp quốc được xây dựng trên cơ sở đóng góp của các quốc gia thành viên. Tỷ lệ đóng góp được thông qua tại Đại hội đồng Liên hợp quốc căn cứ vào chỉ số Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân trong giai đoạn 10 năm, thu nhập bình quân đầu người và nợ nước ngoài. Mỹ hiện là quốc gia đóng góp nhiều nhất cho ngân sách của Liên hợp quốc với tỷ lệ khoảng 22%, tương đương khoảng 3,3 tỷ USD mỗi năm.

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley cho rằng, việc Mỹ cắt giảm ngân sách viện trợ cho Liên hợp quốc là bước tiến lớn hướng đến một con đường đúng đắn. Ngoài ra, bà Haley còn ám chỉ rằng, Mỹ sẽ tiếp tục cắt giảm sâu hơn nguồn viện trợ ngân sách cho Liên hợp quốc trong những năm tới.

Như vậy là lại thêm một cam kết cứng rắn nữa của Tổng thống Donald Trump trở thành hiện thực. Ngay từ khi mới bước chân vào Nhà Trắng, ông Trăm đã phàn nàn rằng, mức đóng góp cho ngân sách Liên hợp quốc của Mỹ là không công bằng và muốn giảm đóng góp. Ông từng chỉ trích gay gắt Liên Hợp Quốc vì bộ máy cồng kềnh, “quan liêu và kém hiệu quả”.

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres lo ngại, “những thay đổi đột ngột có thể phá hỏng nỗ lực cải cách Liên hợp quốc”. (Ảnh: AP)

Tuyên bố này không có gì lạ khi với các tổ chức khác như Hiệp ước Bắc đại Tây dương (NATO) hay với các đồng minh thân thiết, vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ cũng yêu cầu “có đi có lại”, chứ không có chuyện Mỹ chi nhiều tiền hơn và phải đảm bảo an ninh, lợi ích cho các nước hay các tổ chức khác. Rõ ràng, việc xuất thân là một doanh nhân, Tổng thống Donald Trump đang chứng tỏ khả năng “sử dụng đồng tiền một cách có lợi nhất”. Việc đầu tư vào đâu, mang lại lợi ích gì cho nước Mỹ là ưu tiên hàng đầu của ông. Các nhà ngoại giao cho rằng, khoản tiền Mỹ cắt giảm từ việc đóng góp cho Liên Hợp quốc có thể chuyển sang các sứ mệnh chính trị ở Libya và Afghanistan cũng như duy trì văn phòng dịch vụ truyền thông ở Palestine.

Thực tế, từ lâu trong chính quyền Mỹ, một số quan điểm bảo thủ cũng cho rằng, nước Mỹ đóng góp nhiều cho Liên hợp quốc nhưng tổ chức này đã không bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ. Vì thế, sau khi chính quyền Trăm nhậm chức, luồng quan điểm này được tiếp thêm sức mạnh và sự ủng hộ. Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thực hiện các biện pháp để giảm bớt gánh nặng ngân sách của nước Mỹ, quyết định cắt giảm các khoản viện trợ cho Liên hợp quốc sẽ nhận được sự ủng hộ của nội bộ Mỹ.

Với Liên hợp quốc, đây chắc chắn là tin không tốt lành. Khi nguồn tài trợ lớn như vậy bị Mỹ rút lại, LHQ sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính, buộc tổ chức này phải cắt giảm đáng kể các khoản chi trên toàn thế giới. Có thể thấy, trong thời gian qua, nhiều tổ chức của Liên hợp quốc thường xuyên rơi vào tình trạng tài chính eo hẹp, không đủ để trang trải cho các hoạt động thiết yếu trong khi các cuộc xung đột dai dẳng khiến ngày càng nhiều người dân cần sự trợ giúp từ Liên hợp quốc. Đơn cử như Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) liên tục thông báo thiếu kinh phí để hỗ trợ trẻ em tại Xyri hay tại các khu vực xung đột ở Cộng hòa Trung Phi. Bên cạnh đó, việc Mỹ quyết định rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) từ năm 2019 đe dọa sẽ làm gián đoạn một số dự án quan trọng của tổ chức này.

Xem ra, việc Mỹ quyết định cắt giảm ngân sách cho Liên hợp quốc vừa là cú sốc nhưng cũng là “cú hích” buộc tổ chức đa phương lớn nhất này phải cải tổ, thay đổi để hoạt động một cách hiệu quả hơn, tránh phụ thuộc vào sự đóng góp của một thành viên nào.


Thanh Huyền
Ý kiến của bạn