Món ăn thuốc từ cà

SKĐS - Mâm cơm gia đình Việt Nam thường có món canh (luộc, xào), món mặn (thịt hay cá), nước chấm và món cà (dưa muối).

Cà muối kích thích tăng nước bọt, tăng hương vị trong bữa ăn. Bản thân các sản phẩm chuyển hóa của solanin là nhân tố tạo ra hormon có nhân steroid rất cần cho sự sống, nên “một quả cà lợi bằng 3 chén thuốc” với những người chán ăn và ngũ tạng hao tổn.

Quả cà chứa nước, protid, lipid, glucid; các chất khoáng: K, Mg, Ca, S, Na, Fe, Mn, Zn, Cu, I; các vitamin: caroten, B1, B2, P… Theo Đông y, quả cà vị hơi ngọt, tính mát; vào tỳ, vị, đại tràng. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hoại huyết, tiêu thũng, chỉ thống. Trị nhiệt độc mụn nhọt, lở ngứa, viêm loét da cơ, đại tiện xuất huyết. Trong dân gian thường dùng giã đắp ngoài.

Quả cà tím có lượng vitamin P cao, tăng cường sự dẻo dai của mạch máu và làm giảm lượng cholesterol. Theo các nhà khoa học Mỹ, ăn cà tím làm giảm cholesterol trong máu để ngăn ngừa bệnh tăng huyết áp, xơ cứng động mạch. Chất nhày có tác dụng giảm đau, làm kín vết loét ở dạ dày. Cà tím còn có tác dụng lợi tiểu, chống phù nề, đàm thấp nên hỗ trợ điều trị bệnh thận. Cà là tác nhân kích thích chuyển hóa cholesterol ở gan nên có tác dụng làm giảm nồng độ các men SGOT, SGPT và lợi niệu. Hằng ngày có thể ăn 3 - 7 quả bằng cách nấu, nướng, xào, muối.Cà pháo muối kích thích tăng nước bọt, tăng hương vị trong bữa ăn.

Cà pháo muối kích thích tăng nước bọt, tăng hương vị trong bữa ăn.

Một số bài thuốc chữa bệnh có cà

Chữa sưng tấy: Quả cà giã nát, thêm ít giấm hoặc chưng với rượu để đắp.

Chữa đại tiện ra máu, phụ nữ rong kinh: Quả cà già cả cuống, thái mỏng sao giòn, tán bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 8g, uống với giấm loãng.

Chữa đau răng, viêm lợi: Cà muối lâu năm đốt tồn tính; dùng bột than cà xát vào răng lợi.

Chữa chín mé đầu ngón chân, tay: Cà muối khoét 1 lỗ cho lọt ngón chân, tay bị chín mé, sau đó băng lại. Ngày làm 1 lần.

Giảm đau sưng do ong đốt: Cà 1 quả, lá lốt 3 lá. Giã nát, ép lấy nước bôi lên chỗ ong đốt.

Một số món ăn thuốc có cà

Cháo cà: Cà tía hoặc cà dái dê cùng nấu cháo với gạo tẻ, cho ăn liên tục trong 7 - 10 ngày. Dùng cho bệnh nhân viêm gan vàng da.

Cà xào tỏi: Cà bát 500g thái lát, ngâm qua nước để sẵn. Tỏi già 30g bóc vỏ giã nát. Đem cà bát xào trên chảo với dầu thực vật cho chín, thêm gừng tươi (đập dập), gia vị. Thường có thêm đậu phụ, thịt ba chỉ, lá lốt thái sợi cùng cho vào đảo đều, xào to lửa, sau cùng cho tỏi vào đảo nhanh. Món này rất tốt cho người viêm ruột xuất huyết, viêm loét da cơ, mụn nhọt.

Canh cà ghém: Cà ghém 250g nấu canh, có thể thêm thịt nạc, đậu phụ. Thích hợp cho người bị sốt, sốt rét cơn, u bướu, viêm tấy sưng nề.

Cà hấp: Cà tím 500g, gừng tươi 3 lát, tỏi bóc vỏ 3 củ. Cà bổ dọc thái lát, gừng và tỏi đập dập, thêm tương, muối, đường hấp chín ăn. Chữa viêm phế quản cấp, táo bón.

Kiêng kỵ: cà pháo làm dưa muối, có chất solanin - một alcaloid độc, có nhiều khi quả còn non xanh nên Hải Thượng Lãn Ông khuyên không ăn nhiều cà sống. Nên chọn quả già, hàm lượng chất solanin giảm; hơn nữa, khi muối, lượng acid lactic và acid acetic tăng trong quá trình lên men kết hợp với solanin thành muối dễ tan, làm giảm độc.


Lương y Thảo Nguyên
Ý kiến của bạn