Ngay sau thông tin này, nhiều ý kiến lo ngại sẽ có tác động không được tính cực đến thị trường bất động sản tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Giao dịch bất động sản ở 3 khu vực trên đã trở thành tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư địa ốc cá nhân khi đất lên cơn sốt trong một thời gian dài. So với cùng kỳ năm ngoái, hiện giá đất trung bình tại các đặc khu tương lai đều tăng gấp đôi, giao dịch cũng diễn ra rất sôi động và chỉ chững lại sau khi bị chính quyền các địa phương có biện pháp quyết liệt siết chặt việc chuyển nhượng. Tuy nhiên giá đất vẫn không ngừng tăng. Nhưng cơn sốt đó rất có thể sẽ sớm thoái trào với thông tin mới nhất liên quan đến Luật Đặc khu chưa được Quốc hội thông qua.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, thị trường bất động sản tại tất cả các vùng quy hoạch đặc khu, chắc chắn thời gian tới giao dịch và giá cả đất đai ở các đặc khu sẽ có nhiều biến động, thanh khoản giao dịch bất động sản tại các khu vực này sẽ giảm, giá sẽ khựng lại, chắc chắn sẽ hết sốt ảo.
Thực tế thời gian gần đây, bất động sản các khu vực này cũng đã có dấu hiệu bớt nóng, khi chính quyền địa phương quyết định tạm dừng việc tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất,... Đến thời điểm này, với việc lùi thời hạn thông qua Luật Đặc khu, chắc hẳn sẽ gây tâm lý hoang mang cho không ít nhà đầu tư, đặc biệt đối với giới đầu cơ lướt sóng, những nhà đầu cơ nhỏ lẻ theo kiểu chụp giật, mua bán trao tay nhanh để kiếm lời. Dường như thiệt hại nếu có sẽ chỉ đối với các nhà đầu tư cá nhân toan tính ngắn hạn, các sàn giao dịch nhỏ ôm đất từ vay vốn ngân hàng. Bởi áp lực tâm lý sẽ khiến dòng tiền đầu cơ tạm dừng lại nghe ngóng nên cả giá và thanh khoản cũng sẽ sụt giảm trong một thời gian.
Tại phiên trả lời chất vấn Quốc hội ngày 4/6/2018, thừa nhận tình trạng đầu cơ đất đai ở các địa bàn dự kiến trở thành đặc khu đang diễn ra phức tạp, gây bức xúc cho xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề này liên quan đến tầm nhìn của người đầu tư và kỳ vọng vào sự phát triển của các đặc khu. Theo quy luật, khi nhìn thấy tiềm năng là người dân sẽ đổ xô vào đất đai, nhưng chưa có giải pháp để ngăn chặn trước tình trạng này. Vừa qua, đã có một số biện pháp mang tính chỉ thị hành chính của các địa phương để ngăn chặn, nhưng thực tế, người dân đã có nhiều giao dịch ngầm nên rất khó quản.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, vấn đề khá nghiêm trọng là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất rừng, đất đặc dụng thành đất xây dựng, hệ quả khó lường. Nếu các giao dịch trái pháp luật, thì khi đền bù, thu hồi đất, thiệt hại sẽ thuộc về người sở hữu sau cùng.
Nhận định về giải pháp quản lý đất đai tại các đặc khu tương lai, các nhà kinh tế cho rằng, bằng mọi cách, cần phải quản lý chặt để mọi người thấy rằng, việc đầu cơ lướt sóng là rất rủi ro. Ngoài ra, cần đưa ra cách thức để quản lý chặt hơn nữa việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất để các nhà đầu cơ không thể kích giá, thổi giá.
Bản thân người dân, khi muốn đầu tư kiếm lời từ thị trường bất động sản cũng cần có tầm nhìn lâu dài, tránh hùa theo tâm lý đám đông trong ngắn hạn. Bởi khi chúng ta tham gia các “cuộc chơi” có tính ăn xổi là độ rủi ro sẽ rất cao, trong khi tiềm lực kinh tế không đảm bảo, thì dù chỉ một biến động nhẹ, các cá nhân nhỏ lẻ cũng sẽ là đối tượng phải chịu các hậu quả tiêu cực.