Là một trong những tỉnh thực hiện Đề án thí điểm mô hình Bác sĩ gia đình (BSGĐ), trong giai đoạn 2013 - 2015, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện và xây dựng được 5 mô hình phòng khám BSGĐ trong hệ thống y tế thuộc Sở Y tế tại 3 vị trí địa lý đặc thù của địa phương đó là miền núi, đồng bằng và vùng ven biển. Kết quả cho thấy, mô hình BSGĐ đã bước đầu tạo được lòng tin trong cộng đồng, nhờ đó đã đem lại lợi ích thiết thực cho mỗi cá nhân, hộ gia đình.
Mô hình Bác sĩ gia đình đang ngày càng mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh.
Từ khi có BSGĐ tại địa phương, chị N.T.C. ở xã Phú Thanh, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế đã bớt vất vả hơn rất nhiều vì bây giờ đã có BSGĐ hỗ trợ các chị trong việc chăm sóc phục hồi chức năng cho ba chị. Chị C. cho biết, vì ba chị bị tai biến gây liệt nửa người nên vận động đi lại khó khăn, gia đình thường xuyên phải cắt cử người ở nhà chăm sóc. Nhưng từ khi có mô hình BSGĐ chị đăng ký dịch vụ này. Hàng ngày, các bác sĩ đến nhà xoa bóp, châm cứu, chiếu đèn hồng ngoại, tập luyện phục hồi chức năng giúp cho những người khuyết tật như cha chị có cuộc sống ổn định hơn, giúp hòa nhập hơn với cộng đồng. Được biết bên cạnh việc quản lý KCB CSSK tại nhà, phòng khám BSGĐ thực hiện công tác phục hồi chức năng cho 23 người bị khuyết tật về vận động tâm thần tại phòng khám BSGĐ.
Trong 5 phòng khám BSGĐ được thành lập tại tỉnh Thừa Thiên Huế, có 4 phòng khám BSGĐ lồng ghép với các trạm y tế và một phòng khám BSGĐ tư nhân. Hiện tại, tại 5 phòng khám gia đình của tỉnh Thừa Thiên Huế số người được quản lý sức khỏe là hơn 2.000 người, đáng lưu ý, trong số đó những người được khám phát hiện sớm bệnh tật phải chuyến tuyến nhờ khám sàng lọc là gần 500 người. Theo BSCKII Y học gia đình Hoàng Trọng Chiến, phụ trách chuyên môn Phòng khám BSGĐ Phú Hồ, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, mô hình BSGĐ đã đem lại lợi ích thiết thực cho mỗi cá nhân, gia đình. Tuy nhiên, phòng khám BSGĐ cũng còn một số những khó khăn bất cập cần phải tháo gỡ để hiệu quả hoạt động cao hơn. Vì chức năng khám chữa bệnh của phòng khám BSGĐ là lồng ghép với trạm y tế nên bị chồng chéo, chưa phân định cụ thể. Theo đó, bác sĩ trưởng trạm cũng là phụ trách BSGĐ, cùng lúc thực hiện hai chức năng trên một đối tượng thuộc hộ gia đình. Do đó, bác sĩ trưởng trạm y tế ở giai đoạn đầu phải tăng thêm khối lượng công việc. Vì vậy, để phòng khám BSGĐ hoạt động hiệu quả hơn cần phải có lộ trình phù hợp.
BS. Nguyễn Nam Hùng, Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên Huế cho biết, việc thực hiện chăm sóc toàn diện liên tục từng bệnh nhân và cả gia đình trong suốt thời kỳ ốm đau, giai đoạn phục hồi và trở lại bình thường có vai trò rất lớn trong chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho cá nhân và cộng đồng. Đối tượng được theo dõi trong quá trình lâu dài được tư vấn sát với thực tế tình hình sức khỏe, được hướng dẫn chuyển tuyến phù hợp, được cập nhật liên tục diễn biến sức khỏe, bệnh tật. Do vậy, mô hình bác sĩ gia đình là giải pháp rất hiệu quả để chăm sóc sức khỏe, phát hiện sớm bệnh lý và can thiệp kịp thời, giảm biến chứng và giảm chi phí khám chữa bệnh. Cũng theo BS. Hùng với kết quả bước đầu của Đề án xây dựng và phát triển mô hình BSGĐ, thời gian tới Sở Y tế sẽ củng cố hoàn thiện chức năng phòng khám BSGĐ. Chú trọng triển khai tốt nhiệm vụ khám chữa bệnh chuyên ngành y học gia đình theo hướng chăm sóc toàn diện, liên tục cho các cá nhân, gia đình và cộng đồng. Ngoài ra, thành lập thêm phòng khám BSGĐ, dự kiến năm 2016 sẽ có thêm 5 phòng khám BSGĐ nữa, các năm sau đó mỗi năm sẽ tăng từ 5-10 phòng khám BSGĐ...
Nguyễn Mỹ