Liệu bác sĩ có “còn nước còn tát”...

07-10-2013 16:56 | Tin nóng y tế

LTS: Vụ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) bị kiện đòi bồi thường 740 triệu đồng cho bệnh nhân gần đây là một trong nhiều vụ việc đáng buồn bấy lâu trong ngành y tế và dường như hiện tượng này ngày càng dày đặc thêm.

LTS: Vụ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) bị kiện đòi bồi thường 740 triệu đồng cho bệnh nhân gần đây là một trong nhiều vụ việc đáng buồn bấy lâu trong ngành y tế và dường như hiện tượng này ngày càng dày đặc thêm. Nhà viết kịch Lê Quý Hiền - Giải thưởng Nhà nước về VHNT, người quan tâm tới y tế và đã có 4 vở diễn sân khấu về ngành y với những góc nhìn đa chiều đã bầy tỏ những suy tư về vấn đề này. Phát biểu của ông là ý kiến cá nhân, SK&ĐS xin giới thiệu cùng bạn đọc.
 
Chuyện bồi thường trong xã hội là bình thường khi các quan hệ dân sự được thỏa thuận khi phía quan hệ này gây thiệt hại cho phía kia. Thợ sửa chữa làm hỏng đồ dùng của khách hàng nhất định phải đền bù là tất nhiên. Thế nhưng việc chữa bệnh, cấp cứu không có thỏa thuận dân sự như bác sĩ đồng ý chữa bệnh với giá nào đó, chữa không xong thì... phải đền hoặc bệnh nhân này không thỏa thuận được thì tìm bác sĩ khác, bệnh viện khác! Công việc của thầy thuốc không phải là công việc của người thợ sửa chữa mà mang thiên chức cứu người nên không có sự lựa chọn những ca khó dễ, nặng nhẹ để chữa trị. Bệnh nhân nào đến bệnh viện, thầy thuốc cũng phải cứu chữa, nhất là trường hợp cấp cứu thì việc sơ cứu ban đầu cực kỳ quan trọng bởi bản chất của cấp cứu là cuộc chạy đua với thần chết.
 
Liệu bác sĩ có “còn nước còn tát”... 1
 Cấp cứu cho bệnh nhân bị nhiễm liên cầu lợn. Ảnh: TM
Quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân là quan hệ bệnh nhân tìm đến thầy thuốc và thầy thuốc phải cứu chữa mà không được từ chối. Không có thỏa thuận như một dạng hợp đồng sao lại có chuyện bồi thường? Ở khía cạnh khác, thầy thuốc nhận trách nhiệm trước Nhà nước và nhân dân, nếu lơ là nhiệm vụ, cứu chữa không tận tình thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội danh "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và yếu tố bồi thường chính là "khắc phục hậu quả" theo phán quyết của tòa án chứ người nhà bệnh nhân sao có thể định giá bồi thường.

Đây còn là vấn đề đạo đức xã hội khi hiện tượng "tự xử" đang ngày càng lây lan trong cuộc sống.Ngoài trường hợp thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nói trên, chắc chắn ai cũng biết không phải bất cứ trường hợp bệnh tật, cấp cứu nào vào đến bệnh viện cũng được cứu sống (nếu được như thế thì BV không cần có nhà đại thể, tang lễ). Ranh giới giữa "bó tay" trước bệnh tật vì nhiều lý do và "thiếu trách nhiệm" của thầy thuốc cần được cơ quan chức năng làm rõ. Phía gia đình bệnh nhân, mọi sự mất mát đều cần được thông cảm, song quan trọng hơn là sự mất mát đó là vì lý do gì. Đòi bồi thường trong nhiều trường hợp khi thầy thuốc tận tâm cứu chữa nhưng bất thành sẽ là chuyện bất nhẫn. Không loại trừ có trường hợp lợi dụng chính sự mất mát trong gia đình mình để gây sức ép với thầy thuốc nhằm mục đích trục lợi và điều này cần phải lên án.

Một thực tế trong bệnh viện hiện nay là sự quá tải, thầy thuốc phải cứu chữa rất nhiều bệnh nhân. Tâm lý bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thường coi trường hợp của mình là nghiêm trọng nhất. Nếu mỗi giường bệnh luôn túc trực một bóng áo trắng chắc sẽ yên lòng bệnh nhân nhưng chữ "nếu" này là không tưởng. Các thầy thuốc đứng trước nhiều bệnh nhân, nhất là trong phòng cấp cứu trong một thời điểm sau khi thăm khám sẽ biết phải xử lý trường hợp nào trước chứ không hẳn theo thứ tự "đến trước cấp cứu trước, đến sau cấp cứu sau".
 
Nhiều trường hợp bệnh nhân phải nằm để theo dõi và tất nhiên không thể có thầy thuốc luôn thường trực ở bên vì còn những bệnh nhân khác. Tâm lý lo lắng trước bệnh tật cùng với sự có lúc "trống vắng" thầy thuốc khiến không ít người nhà bệnh nhân nổi xung, gây những vụ hành hung trong bệnh viện như báo chí đã nêu. Nhiều khi máu thầy thuốc đã phải đổ ngay bên bệnh nhân mà họ tận tình cứu chữa mà vụ bác sĩ Phạm Đức Giầu ở BV đa khoa Thái Bình bị người nhà bệnh nhân đâm chết là một ví dụ. Tâm lý "phải sống", "phải cứu chữa được" khi BN đến BV nhưng gặp trường hợp bất khả kháng cũng dễ có những suy diễn như "nếu tận tình hơn", "vì không có phong bì" cùng những hiện tượng được lắp ghép đã khiến nhiều thầy thuốc tận tâm thành "tội đồ" và những đơn kiện vô lý cứ liên tiếp xuất hiện.
 
Trong đội ngũ thầy thuốc cũng như ở tất cả mọi ngành nghề khác cũng có những "con sâu" nhưng số đó không nhiều. Không có bác sĩ nào muốn bệnh nhân không khỏi bệnh hoặc tử vong. Đó là danh dự và uy tín trước hết là của cá nhân bác sĩ, sau mới đến BV. Có đơn kiện vì điều trị sai nhưng thân xác con người không phải là cái tivi có thể tháo tung ra để "bắt bệnh" xem hỏng chỗ nào.
 
Hôm nay không thấy thì để đấy, mai, mốt tìm tiếp! Có đơn kiện vì "nếu chuyển viện sớm hơn", vì "bác sĩ giữ lại", vì muôn vàn lý do khiến người nhà tử vong. Trước những mất mát, người nhà bệnh nhân không tỉnh táo, khách quan trút mọi tội lỗi lên đầu bác sĩ và kiện tụng thì thiệt hại lớn nhất lại là đông đảo bệnh nhân khác phải gánh chịu. Những trường hợp bác sĩ thiếu trách nhiệm thật sự cần phải bị nghiêm trị vì số phận của hàng ngàn bệnh nhân khác nhưng kiện không có cơ sở, suy diễn, vì những mục đích cá nhân, không vì sự tiến bộ của y tế nước nhà sẽ tạo ra nỗi hoảng sợ ở đội ngũ thầy thuốc trong công việc trị bệnh cứu người.
 
Khi thầy thuốc thấy đồng nghiệp bị oan, bị rắc rối từ những đơn kiện liệu có thể an tâm cứu người với quyết tâm "còn nước còn tát" hay tốt nhất là chối bỏ bằng cách chuyển tuyến trên? Ở Trung tâm y tế Sapa (Lào Cai) đã có BS. Trung rất tận tình cứu được nhiều người bệnh nhưng có trường hợp một sản phụ trào ngược nước ối nếu chuyển lên BV tỉnh chắc chắn tử vong trên đường. Bác sĩ đã giữ lại, quyết "còn nước còn tát" nhưng không qua khỏi đã bị truy tố. Cũng may, cơ quan bảo vệ pháp luật ở đây đã lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn, căn cứ từ bằng chứng, tài liệu khoa học để biết rằng "trào ngược nước ối" không thể qua khỏi và ra quyết định đình chỉ điều tra.

Chữa bệnh như cứu hỏa, nhưng để an toàn, để tránh phiền phức, gặp ca rắc rối, các thầy thuốc cứ "chuyển" là xong có khi các bác sĩ lại được "uy tín" chưa cứu chữa ai mà không khỏi! Ở tuyến trên, cũng để tránh phiền phức, khỏi lâm vào vòng kiện tụng, thầy thuốc cũng "tận tình" lắc đầu khuyên đưa bệnh nhân ra nước ngoài chắc cũng được chữ "lành"! Còn như cứu người nhưng gặp nạn, gặp rắc rối vì kiện tụng, vì bị "bắt đền" thì liệu ai còn dám cứu và như thế thì tình hình sẽ ra sao?

Cũng nên nói thẳng là một số BV cũng vô tình "khuyến khích" chuyện kiện khi đứng trước một vụ kiện có thể xảy ra. Thay vì không sợ kiện nếu thấy BV mình, thầy thuốc của mình làm hết lòng nhưng bệnh nhân không qua khỏi do bệnh nhân mắc bệnh quá nặng, có bệnh nhân rơi vào tỷ lệ tai biến cho phép đã ngại mất thì giờ "hầu kiện" trong khi công việc đang bộn bề, một số BV đã có phương án hỗ trợ cho gia đình bệnh nhân tuy tiền không phải lấy từ ngân sách mà do cán bộ viên chức đóng góp chia sẻ với gia đình người bệnh. Tưởng là có tình, nhưng gia đình BN lại suy "không có lỗi sao lại đền bù" và quyết tâm kiện cũng như đòi "bồi thường" nhiều hơn.

Chưa nói đến các thầy thuốc có liên quan tới các vụ kiện, đồng nghiệp không bị kiện cũng run tay trong việc cứu người khi chứng kiến những vụ kiện quanh mình. Bên cạnh việc nghiêm trị những "con sâu" trong bệnh viện thì việc bảo vệ thầy thuốc tận tụy, có trách nhiệm cũng là điều cần thiết lúc này. Bệnh nhân cần hiểu công việc thầy thuốc hơn nhưng thầy thuốc cũng cần phải có một hành lang pháp lý an toàn để họ có thể yên tâm làm nhiệm vụ trị bệnh cứu người.

Nhà viết kịch Lê Quý Hiền


Ý kiến của bạn