Ngày 18/12, PGS.TS Nguyễn Văn Thạch, nguyên Viện trưởng viện Chấn thương chỉnh hình, Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống (BV Việt Đức) cho biết, ca bệnh đầu tiên thay đĩa đệm cột sống thắt lưng tại BV đã thành công. Đây cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam thành công kỹ thuật này.
Ca phẫu thuật đã diễn ra sáng ngày 18/12 và sau 2 tiếng ca mổ đã thành công. Trước đó, BV Việt Đức cũng đã thành công nhiều ca thay đĩa đệm nhân tạo đốt sống cổ, nhưng đây là lần đầu tiên thay đĩa đệm nhân tạo cột sống thắt lưng.
Trường hợp này là một bệnh nhân nữ, hơn 40 tuổi ở Ninh Bình. Bệnh nhân bị đau lưng cột sống từ năm 2000. Căn bệnh này hành hạ khiến bệnh nhân luôn đau đớn. Bệnh nhân cũng đã điều trị rất nhiều, nhưng chị này chủ yếu điều trị tây y, uống thuốc, tiêm trực tiếp vào đĩa đệm cột sống nhiều lần. Thậm chí có những đợt, bệnh nhân tiêm liên tục 12 ngày vào cột sống nhưng tình trạng bệnh ngày càng diễn biến nặng hơn. Căn bệnh thoát vị đĩa đệm khiến cho bệnh rất đau đớn, đau cả hai bên chân có lúc không đi lại được.
“Khi đến khoa Phẫu thuật cột sống (BV Việt Đức), bệnh nhân được chỉ định thay đĩa đệm cột sống bởi đĩa đệm của bệnh nhân đã hỏng hoàn toàn, mất chức năng khiến người bệnh rất đau đớn”, PGS Thạch nói.
Trước đó, từ năm 2013, ca thay đĩa đệm cột sống thắt lưng được thực hiện tại BV Việt Đức với sự hỗ trợ của chuyên gia người Pháp. Đến nay, sau 2 năm phẫu thuật, bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, hết đau đớn. Còn lần này, ca phẫu thuật được thực hiện hoàn toàn là các bác sĩ của BV Việt Đức và đã thành công.
PGS Thạch cho biết thêm, chỉ những ai bị căn bệnh thoát vị đĩa đệm mới hiểu nỗi đau đớn muốn “chết đi sống lại”, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh khủng khiếp. Nhất là với đĩa đệm cột sống thắt lưng là nơi phải gánh đỡ toàn bộ trọng lượng của cơ thể khiến người bệnh càng đau đớn hơn.
Các bác sĩ đang phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống thắt lưng cho bệnh nhân
Theo PGS Thạch, thay đĩa đệm cột sống thắt lưng là một kỹ thuật khó, do đĩa đệm cột sống thắt lưng phải chịu hoàn toàn tải trọng cơ thể lớn. Hơn nữa, khi can thiệp phải đi từ ổ bụng phải rất thận trọng để không làm tổn thương các tạng, “giải phóng” đường vào để lấy hết đĩa đệm đã bị hỏng rồi mới đặt được đĩa đệm nhân tạo.
“Kỹ thuật này khác hoàn toàn với miếng ghép đĩa đệm. Cột sống có đoạn cố định, có đoạn bán vận động, đoạn vận động. Miếng ghép là đóng cứng, cố định cột sống khiến người bệnh vận động khó. Chưa kể, nó còn gây “hội chứng người hàng xóm”, tức là sẽ làm hỏng đĩa đệm trên, dưới liền kề với miếng ghép đĩa đệm. Theo thống kê, sau 1 năm được ghép miếng đệm sẽ có 1,5 – 2% bệnh nhân bị hỏng đĩa đệm liền kề. Trong khi đó, đĩa đệm nhân tạo đảm bảo chức năng gần như đĩa đệm bình thường. Người bệnh hoàn toàn vận động như bình thường, nghiêng trái nghiêng phải, đàn hồi, cúi, ngửa người…”- PGS Nguyễn Văn Thạch cho biết
Chi phí cho một ca thay đĩa đệm cột sống thắt lưng mất khoảng 50 triệu đồng, chưa được BHYT thanh toán nhưng các bác sĩ vẫn quyết tâm triển khai kỹ thuật để người bệnh được hưởng lợi. Tuy nhiên do vấn đề chi phí nên tiêu chuẩn lựa chọn bệnh nhân rất kỹ. Chỉ những người đĩa đệm đã bị hỏng, mất chức năng, đệm xẹp gây đau đớn mới được chỉ định làm kỹ thuật này.
Được biết, chi phí phẫu thuật cột sống tại Việt Nam hiện vẫn ở mức rẻ nhất trên thế giới. Tại các quốc gia như Singapore, Hàn Quốc… một ca phẫu thuật tương tự chi phí đắt gấp 6 – 7 lần, Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ không cần phải thay lại.
PGS.TS Nguyễn Văn Thạch cho biết, hiện tỉ lệ thoát vị đĩa đệm tại Việt Nam rất lớn, chủ yếu là thoát vị đĩa đệm thắt lưng. Tuy nhiên hầu hết các bệnh nhân khi đến khám đều đã ở giai đoạn nặng do điều trị thuốc trong nhiều năm ròng.