Hà Nội

“Làm lành” vết thương cho phụ nữ bị cưỡng hiếp

15-01-2015 14:48 | Giới tính
google news

SKĐS - Sự tổn thương về thể xác, tinh thần của nạn nhân sau khi bị cưỡng hiếp là rất lớn, ảnh hưởng rất nặng nề đến cuộc sống của họ trong tương lai.

Vì thế, việc đề phòng bị hại, chăm sóc cho người phụ nữ sau bị hại là rất quan trọng. Người phụ nữ cần biết những bài học chính để tự bảo vệ bản thân, cũng như cách tự chăm sóc sau khi bị cưỡng hiếp. Họ phải học các cách tự phòng vệ, cách tố cáo với chính quyền, báo với người thân để được bảo vệ và trừng trị thích đáng kẻ thủ ác.

Mục đích của bài báo này nhằm cung cấp thông tin những ích giúp người phụ nữ bị hại biết cách chăm sóc cho chính bản thân mình và cho người thân của họ biết cách chăm sóc xoa dịu, làm giảm những tổn thương về mặt tinh thần cho người bị hại.

Về phía nhân viên y tế tại bệnh viện

Trong giai đoạn rất nhạy cảm này, người nhân viên y tế cần quan tâm và nâng đỡ tích cực tinh thần người bị hại nhưng đặc biệt phải tôn trọng sự riêng tư, kín đáo cho người bị hại. Trong giai đoạn này người bị hại sẽ cảm thấy rất gớm ghiếc, khinh thường và xấu hổ với thân thể của chính mình. Vì vậy, người nhân viên y tế cần hết sức tâm lý, hiểu và cảm thông, nhẹ nhàng khi tiếp xúc nhưng tuyệt đối không được biểu lộ sự thương xót, thương hại với những người bị hại đặc biệt này. Theo dõi sát người bị hại, đánh giá và nhận biết để có thể kịp thời xử trí đối với những hành động không hay của nạn nhân.

Ảnh minh họa: internet

Ảnh minh họa: internet

Thăm khám người bị hại:

Bảo vệ các thông tin và làm nhân chứng cho người bị hại qua các bản tường trình. Tiến hành thu thập thông tin từ sự thăm khám cơ thể, chụp hình (nếu có thể) nhưng cần đảm bảo bí mật cho người bị hại. Chỉ lấy thông tin bệnh sử người bị hại một lần nếu người bị hại chưa khai báo cùng cảnh sát, nhân viên xã hội… Không nên buộc người bị hại phải kể đi kể lại nhiều lần sự việc cho nhiều nhóm đối tượng. Bản phúc trình bệnh sử này phải do chính người bị hại viết (nếu người bị hại biết chữ).

Hỏi rõ lại tình trạng người bị hại vì nếu người bị hại đã tắm rửa, súc miệng, thay quần áo, đi cầu, đi tiểu sau khi bị cưỡng hiếp thì có thể làm thay đổi các bằng chứng của việc cưỡng hiếp.

Phúc trình cụ thể thời gian nhập viện, thời gian khám, ngày giờ bị cưỡng hiếp.

Thu thập các bằng chứng của tổn thương bên ngoài thể chất trên người bị hại: tái, bầm, vết rách da, chất tiết, quần áo rách và vết máu trên quần áo người bị hại.

Phúc trình tình trạng cảm xúc của người bị hại.

Hỗ trợ người bị hại cởi bỏ quần áo cũ, cho vào túi riêng và ghi rõ tên, tuổi người bị hại và chuyển giao lại cho công an.

Thăm khám người bị hại từ vùng đầu đến chân để tìm vị trí tổn thương, đặc biệt ở vùng đầu, cổ, ngực, đùi, lưng và mông.

Nhận định những vết tinh dịch khô trên cơ thể hay quần áo người bị hại.

Khám xét dấu vân tay trên người, quần áo của người bị hại.

Hỗ trợ thăm khám vùng miệng người bị hại, lấy mẫu nước bọt, thực hiện y lệnh cấy lợi và răng.

Lập hồ sơ chấn thương bằng biểu đồ và hình ảnh.

Hỗ trợ thăm khám khung chậu và trực tràng:

Giải thích với nạn nhân nên đồng ý để nhân viên y tế tiến hành thủ tục khám vì rất cần thiết để thu thập bằng chứng về hành vi cưỡng hiếp.

- Khám khung chậu với que đè lưỡi gỗ, và tìm các dấu vết tinh dịch qua huỳnh quang.

- Ghi chú cẩn thận màu sắc, tính chất của các dịch, chất tiết trên người bị hại.

- Dùng nước làm ẩm vùng âm đạo khi thăm khám, tránh dùng chất nhờn hoặc chất bôi trơn vì những chất này có chứa các thành phần hóa học có thể ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra gây cản trở về pháp lý.

Hỗ trợ để bảo đảm lấy mẫu đúng và an toàn:

- Chọn mẫu có hay không có sự hiện diện, có hay không có sự di động của tinh trùng.

- Dùng que vô trùng phết chất tiết từ âm đạo, tìm nhóm máu kháng nguyên của tinh dịch, làm phản ứng kháng chất kết tủa của máu và tinh trùng.

- Lấy các mẫu cấy riêng biệt từ miệng, âm đạo và hậu môn.

- Cấy mẫu tìm vi trùng lậu, giang mai.

- Tiến hành phản ứng thử thai.

- Tìm chất lạ (lá cây, bụi, cỏ...) trên quần áo, trên da, vùng hậu môn, âm đạo người bị hại.

- Tìm mẫu tóc, lông và lưu lại.

- Khám trực tràng tìm dấu chấn thương, máu, tinh dịch.

Chú ý: ghi chú cẩn thận tên tuổi, ngày giờ, vùng lấy mẫu ở tất cả các mẫu lấy được trên người bệnh.

Điều trị những tổn thương kèm theo, cho phép người bị hại quyền chọn lựa biện pháp phòng ngừa bệnh lây lan qua đường tình dục.

- Thực hiện thuốc kháng sinh phòng ngừa bệnh lậu.

- Thực hiện y lệnh thuốc Doxicycline trong 10 ngày phòng ngừa bệnh giang mai.

Đo lường khả năng tránh thai của người bị hại, nên cân nhắc nếu người bị hại ở tuổi sinh đẻ, không sử dụng các biện pháp ngừa thai hay người bị hại đang trong chu kỳ kinh nguyệt.

- Thực hiện thuốc tránh thai sau khi thử test. Để nâng cao tác dụng thuốc nên thực hiện thuốc trong vòng 12 - 24 giờ nhưng không quá 72 giờ sau khi bị cưỡng hiếp.

Chăm sóc người bị hại: hỗ trợ thụt rửa sạch âm đạo, súc miệng và thay quần áo sạch.

Cung cấp các bước chăm sóc tiếp theo:

- Tiếp tục theo dõi người bị hại về các bệnh truyền nhiễm từ tình dục hay khả năng mang thai.

- Cung cấp cho người bị hại những thông tin về các chuyên gia tâm lý nếu họ cần tư vấn về những vấn đề tâm lý.

- Khuyến khích, động viên, giúp đỡ người bị hại ổn định tinh thần để trở về cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Về phía người bị hại

Cố gắng giữ nguyên chứng cứ: không thay quần áo, không tắm rửa, nếu có bụi cỏ trên người vẫn giữ nguyên vì những chứng cứ này rất quan trọng giúp cho cảnh sát, cơ quan luật pháp tìm ra thủ phạm.

Sau khi bị nạn người bị hại cần tìm đến cơ sở y tế gần nhất, trong thời gian ngắn nhất để được chăm sóc y tế. Cố gắng liên hệ ngay với gia đình hoặc người thân, không e sợ, ngại ngùng mà che giấu thông tin. Trong giai đoạn này nạn nhân cần thật sự bình tĩnh khai báo những thông tin cần thiết về thủ phạm. Cần hợp tác cùng nhân viên y tế trong việc thăm khám, thực hiện thuốc uống theo y lệnh vì đây chính là cách giúp nạn nhân phòng ngừa có thai ngoài ý muốn, các bệnh lây qua đường tình dục và tránh nguy cơ nhiễm trùng bộ phận sinh dục.

Nạn nhân có quyền không kể lại tình huống nhiều lần vì thế cách tốt nhất là nên ghi chép việc xảy ra vào giấy.

Gặp chuyên gia tâm lý theo yêu cầu là điều cần thiết nhằm giúp cho nạn nhân ổn định tâm lý. Trong giai đoạn này nạn nhân bị rối loạn cảm xúc nên có thể có những hành động nguy hại cho thân thể như tự hành hạ bản thân, uống rượu, sử dụng thuốc ngủ hay tệ hơn là tự vẫn.

Nạn nhân không nên tiếp xúc với nhiều người thăm hỏi mà nên ở cùng với người thân - người mà nạn nhân thương yêu nhất để tìm được sự yên tâm, che chở. Không được cho người bị hại ở một mình vì sự cô đơn sẽ làm gia tăng sự sợ hãi cho nạn nhân.

Về gia đình và người thân

Đây là lực lượng hỗ trợ chính không thể thiếu trong việc giúp nạn nhân ổn định tinh thần trong lúc này. Lắng nghe tích cực là biện pháp hay nhất. Nếu không thể lắng nghe tốt thì nên tạo môi trường yên tĩnh, riêng tư để ở bên cạnh họ, đó cũng là hành động chia sẻ, thấu hiểu. Tuyệt đối không tỏ thái độ giận dữ, trách móc, hoặc quá đau lòng và sợ hãi, không yêu cầu nạn nhân kể lại sự việc nhiều lần.

Tích cực hợp tác cùng nhân viên y tế trong khi thăm khám nạn nhân. Mỗi thủ thuật thăm khám cho nạn nhân cần phải có mặt của người thân họ. Cùng tham gia với nạn nhân thực hiện những y lệnh của thầy thuốc như: uống thuốc, khi phải cởi bỏ quần áo hay phơi bày những vùng cơ thề khi thăm khám là những hành động làm cho nạn nhân nhớ lại và sợ hãi nên người nhà cần hết sức thận trọng và nhẹ nhàng khi thực hiện. Việc vệ sinh thân thể cũng cần có sự giám sát của người thân vì nạn nhân rất ghê tởm thân thể mình nên đôi khi họ tự làm tổn thương chính cơ thể họ.

Gia đình phải cùng tham gia với nạn nhân trong buổi tham vấn với chuyên gia tâm lý, bởi vì người thân cũng sẽ là người đồng hành tâm lý cùng nạn nhân trong những khoảng thời gian sau đó.

Khi bị cưỡng hiếp, nạn nhân sẽ phải chịu đựng những tổn thương không chỉ về thể xác mà còn là một vết thương tinh thần nặng nề đeo bám đến suốt cả cuộc đời. Vì thế, việc đề phòng và điều trị sau bị hại là rất quan trọng, không chỉ cần có sự suy nghĩ, hành động tích cực của nạn nhân mà còn cần có sự hỗ trợ, quan tâm, giúp đỡ của gia đình, người thân và toàn xã hội.

ThS.ĐD. NGUYỄN THỊ NGỌC SƯƠNG

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

 


Ý kiến của bạn