Hà Nội

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV bước sang tuần làm việc thứ 3

06-11-2017 08:22 | Xã hội
google news

SKĐS - Thứ hai, ngày 6/11, Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe và thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao;

các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.

Trước đó, ngày 3/11, QH họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) và thảo luận về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án luật này. Nghe Bộ trưởng Bộ GTVT trình bày Báo cáo về Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam; QH đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV bước sang tuần làm việc thứ 3Bộ trưởng Bộ GTVT trình bày báo cáo về Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam.

Thảo luận về đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, nhiều ĐBQH hoàn toàn nhất trí như Điều 15 của dự thảo và như giải trình của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH. Bộ Tài chính là đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, vì việc thống nhất một cơ quan làm đầu mối quản lý vay nợ trong nước và ngoài nước là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chủ trì chịu trách nhiệm. Chính việc thống nhất một đầu mối sẽ khắc phục được tình trạng quản lý nợ công phân tán, chồng chéo, không cơ quan nào, cá nhân nào chịu trách nhiệm. Việc quy định thống nhất một đầu mối cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Dự kiến ngày 23/11 tới, QH sẽ biểu quyết thông qua dự án luật này.

Về Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, việc đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 là không thể trì hoãn vì những mục đích cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, phục vụ phát triển KT-XH, giải quyết những hạn chế mà các tuyến Quốc lộ 1 không thể khắc phục và đây cũng là lựa chọn khả thi trong bối cảnh đường sắt tốc độ cao chưa thể đầu tư sớm. Hơn nữa, việc đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 phù hợp với chủ trương của Đảng, QH và Chính phủ; phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển KT-XH của quốc gia nói chung và các địa phương nói riêng; phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải và quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc.

Căn cứ nhu cầu vận tải, quy hoạch được phê duyệt, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, khả năng nguồn lực, dự kiến lộ trình đầu tư các đoạn trên tuyến cao tốc Bắc - Nam được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn từ năm 2017-2020: đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2.

Về nguồn vốn nhà nước và phương án huy động nguồn vốn ngoài ngân sách, nguồn vốn nhà nước bố trí cho dự án, theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của QH đã bố trí 80.000 tỷ đồng cho dự án quan trọng quốc gia. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ đề nghị bố trí 55.000 tỷ đồng cho dự án này và 15.000 tỷ đồng còn lại sẽ trình QH phân bổ cho một số dự án quan trọng, cấp bách khác để duy trì năng lực tối thiểu của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có.

Báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư xây dựng dự án này, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên tắc phân bổ vốn đối với các dự án thành phần để bảo đảm tính công khai, minh bạch. Ngoài ra, trong bước nghiên cứu khả thi đề nghị Chính phủ bổ sung cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư theo Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị.


Trần Lâm
Ý kiến của bạn