Không gian ấm áp cho những người yêu sách

19-10-2017 20:01 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Trang sách mở với cụm chữ PN màu tươi đỏ nâng đôi cánh bồ câu bé nhỏ, thuần khiết đã trở thành logo biểu trưng của Nhà xuất bản (NXB) Phụ nữ kể từ buổi ban đầu đến tận tháng 10 này - Kỷ niệm 60 năm thành lập.

Một chặng đường dài đã đi qua với nhiều kỷ niệm và thành tựu, các thế hệ của NXB Phụ nữ đã duy trì được một không gian ấm áp cho những người yêu sách. Trong biết bao khó nhọc của ngành xuất bản thời kinh tế thị trường, chúng tôi vẫn tin tưởng ở bạn đọc và văn hóa đọc của Việt Nam, tin tưởng vào tương lai của ngành xuất bản - đó là chia sẻ của bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc và Tổng biên tập NXB Phụ nữ trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống.

Tuổi trẻ của thế hệ 6X, 7X chúng tôi từng say đắm với rất nhiều ấn phẩm của NXB Phụ nữ. Như Gienny Ghéc hác, Chỉ còn lại tình yêu,  Tiếng chim hót trong bụi mận gai, rồi Tình sử Angielic… Về sau này có Linh sơn, Đàn hương hình… Còn nhớ người ta từng nói dịch giả Phạm Mạnh Hùng đã dịch một số lượng sách mà khi kê chồng lên nhau, nó cao vượt quá đầu anh, trong số đó rất nhiều cuốn anh đã tin cậy giao cho NXB Phụ nữ ấn hành. Văn học Việt Nam thì có Mùa lá rụng trong vườn, Trịnh Công Sơn rơi lệ ru người, Hồ Quý Ly... Phải nói rằng, NXB Phụ nữ là một cái tên đầy bản sắc trên thị trường sách, tạo được sự lưu luyến trong lòng bạn đọc. Bà có thể chia sẻ tình cảm của riêng mình với thương hiệu này?

Trước hết, phải xin cảm ơn chị với tư cách là một độc giả đã đọc và đã nhớ rất nhiều các tên sách nổi tiếng, gắn liền với thương hiệu NXB Phụ nữ một thời. Chỉ cần đọc lên những tên sách đó, dù không thuộc thế hệ những người làm ra chúng, tôi vẫn thấy một niềm tự hào về những gì NXB Phụ nữ đã ghi dấu ấn trong lòng độc giả. Chị cũng đã nói hộ tình cảm của tôi: Đầu tiên cũng là tình cảm của một độc giả đã đọc và yêu quý rất nhiều ấn phẩm của NXB Phụ nữ, nhất là sách văn học với nhiều các tác phẩm tinh hoa của nhân loại đã được NXB Phụ nữ dịch và giới thiệu với độc giả Việt Nam những năm đầu thời kỳ đổi mới! Đó không chỉ là những câu chuyện tình yêu say lòng bao thế hệ, mà đó còn là khát vọng tình yêu của người phụ nữ. Làm chủ số phận, đó là điều mà phụ nữ Đông hay Tây đều phải mạnh mẽ, chủ động để có được! Vì vậy mà các tác phẩm dịch của NXB Phụ nữ có được đông đảo bạn đọc là phụ nữ (và cả nam giới) đến vậy! Với tư cách là thế hệ tiếp quản di sản của thế hệ trước để lại, tôi còn đặc biệt tự hào vì ở giai đoạn sớm của Đổi mới, NXB Phụ nữ đã xuất bản hai cuốn sách đặc biệt: Mùa lá rụng trong vườn (tiểu thuyết của Ma Văn Kháng) - hiện đã được đưa vào sách giáo khoa và được đánh giá là tác phẩm mở đầu cho văn học thời kỳ Đổi mới của đất nước (từ 1986). Cuốn Hồ Quý Ly cũng là cuốn sách đặc biệt tiêu biểu cho giai đoạn này, đánh giá lại hàng loạt các nhân vật và sự kiện lịch sử, trong đó có Hồ Quý Ly vốn trước đó vẫn chỉ được đánh giá một chiều, do chưa nhìn thấy hết con người đa diện của nhân vật với những đóng góp quan trọng của ông trong lịch sử dân tộc.Giám đốc - Tổng biên tập Khúc Thị Hoa Phượng và hai tác giả Thái Thị Kim Lan, Nguyễn Bích Lan tại Lễ ra mắt sách Mẹ & câu chuyện giáo dục.

Giám đốc - Tổng biên tập Khúc Thị Hoa Phượng và hai tác giả Thái Thị Kim Lan, Nguyễn Bích Lan tại Lễ ra mắt sách Mẹ & câu chuyện giáo dục.

Chỉ có một số các nhà xuất bản đủ sức sống trong thị trường sách hiện nay, trong đó có Nhà Phụ Nữ. Nghĩa là in sách và bán sách được ra thị trường chứ không sống bằng bao cấp hay bán giấy phép. Xin chúc mừng bà và tập thể NXB. Bà có thể chia sẻ những nỗ lực mà NXB đã thực hiện trong thời gian qua?

Vâng, đúng là Nhà Phụ nữ là một trong số các Nhà đủ sức để sống trong thị trường sách hiện nay. Có được điều đó là nhờ NXB đã nỗ lực tuân thủ các nguyên tắc sống còn, đó là: 1- Nguyên tắc tự lực/tự chủ. Chúng tôi đã thực hiện cơ chế tự chủ ngay từ năm 1993, sau này theo Nghị định 43 và Nghị định 16 quy định cơ chế tự chủ cho các đơn vị nhà nước. NXB tự lo đầu vào, đầu ra, tự chủ về tài chính, hạch toán tự chủ và làm nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước. 2- Nguyên tắc đổi mới hay là chết: Quyết liệt đổi mới: thực hiện nghiêm túc Công ước Bern, Luật Bản quyền; đổi mới bộ máy tổ chức theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu để thích ứng với yêu cầu mới theo hướng hội nhập. 3- Chủ động xây dựng NXB theo hướng khép kín, đồng bộ và hiện đại hóa ba khâu: xuất bản - in - phát hành. Hiện nay NXB Phụ nữ chủ động hoàn toàn khâu phát hành và in ấn (với nhà in hiện đại và công suất khá lớn). 4- Đẩy mạnh truyền thông tương tác mang đến các giá trị thực sự cho cộng đồng trong việc giới thiệu sách hay và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam. Tiêu biểu là hai hội sách lớn do NXB Phụ nữ chủ trì Hội sách Mùa xuân (tháng 3) và Hội sách Mùa thu (tháng 10)). 5- Xây dựng một tập thể gắn bó với nghiệp xuất bản, gồm những người yêu sách, xác định gắn bó với nghề, sẵn sàng chia sẻ và lan tỏa các giá trị của sách với cộng đồng bạn đọc.

Điều gì khiến những người làm nghề xuất bản hiện nay nản nhất?

Điều khiến người làm nghề xuất bản đau đầu nhất chính là tệ nạn sách lậu/sao chép trái phép hoành hành ngang nhiên trên môi trường internet. Rất khó để kiểm soát và ngăn chặn bởi ý thức coi thường pháp luật của những người vi phạm. Pháp luật trừng phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe! Và điều đáng buồn nữa là một số bạn đọc vẫn chấp nhận dùng sách lậu, sách vi phạm bản quyền! Một cuốn sách bán chạy của NXB, chỉ vài hôm sau là có bản đánh máy hoặc bản scan nuột nà trên mạng. Đáng ra NXB có thể tái bản và in với số lượng lớn để phục vụ bạn đọc và để giảm giá thành sản phẩm, để thu chút lợi nhuận ít ỏi từ cuốn sách đó nhằm đầu tư cho các cuốn sách hay khác, thì đã bị ăn cướp trắng trợn. Cần có một khung pháp lý đủ rộng để quét tất cả các hành vi vi phạm bản quyền; đồng thời cần một chế tài phạt nặng, để đủ sức chặn đứng nạn vi phạm bản quyền làm điêu đứng các NXB làm ăn chân chính.

Với tên gọi Phụ nữ, có gợi ý gì cho Nhà mình để khai thác nguồn khách hàng tiềm năng ở trong và ngoài nước?

NXB Phụ nữ là cơ quan thông tin, tuyên tuyền, giáo dục của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, có trách nhiệm giới thiệu các quan điểm của Đảng, chủ trương chính sách của Nhà nước và các chương trình, hoạt động của Hội Phụ nữ,... đến tất cả các hội viên và phụ nữ trong nước và ở nước ngoài. Chúng tôi luôn xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc nâng cao dân trí, trong đó có việc mở rộng kiến thức và nâng cao năng lực cho phụ nữ, cộng đồng. Để khai thác nguồn khách hàng tiềm năng thì luôn chủ động nắm bắt nhu cầu của phụ nữ trong giai đoạn mới: nhu cầu cập nhật kiến thức, nhu cầu phát triển bản thân của phụ nữ và trẻ em gái, nhu cầu giáo dục gia đình, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, nuôi dạy con, nhu cầu học ngoại ngữ, nhu cầu khởi nghiệp của phụ nữ; cập nhật các khuynh hướng giáo dục tiên tiến để khắc phục sự chênh lệch, bất bình đẳng về giới... Tóm lại, để khai thác nguồn khách hàng tiềm năng cả trong và ngoài nước, NXB Phụ nữ cũng phải tự nâng mình lên.

Đội ngũ biên tập có thể coi như xương sống của một NXB nhưng hình như điều đó đã khác trong thực tế cách làm sách hiện nay?

Thực tế thì nay vẫn không khác. Mỗi biên tập viên giỏi đều là tài sản quý của NXB bởi họ chính là những người có “con mắt xanh” để phát hiện tác giả, tác phẩm tốt; bởi họ có ý tưởng để tổ chức đề tài hay và bởi họ chính là chất keo để gắn kết tác giả với NXB và bạn đọc. Biên tập viên của thời kinh tế thị trường còn phải chịu thêm áp lực từ tiến độ ra sách, doanh thu của đề tài, độ hot của bản thảo... Cá nhân tôi cho rằng có một điều không bao giờ thay đổi là: biên tập viên chính là hồn cốt của mỗi nhà xuất bản; làm nên thương hiệu và quyết định đến sự tồn tại của NXB trong cơ chế cạnh tranh như hiện nay.

Những người bán sách nói rằng, sách kỹ năng/khoa học thường thức... hiện bán chạy hơn những tác phẩm công phu, có chiều sâu... Bà có thấy như vậy không? Phải chăng chính vì thế mà mảng sách giáo dục sức khỏe - giới tính cũng được NXB Phụ nữ chú trọng trong những năm gần đây? Bà có thể phác thảo rõ hơn về mảng sách này của NXB và cho biết đối tượng đích của dòng sách này?

Đúng thế. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, bạn đọc thiếu cái gì, họ sẽ tự bổ sung cái đó. Thực tế hiện nay, giáo dục của Việt Nam thiếu giáo dục kỹ năng nên thị trường khát sách kỹ năng. Tuy nhiên, trên thực tế, những tác phẩm có chiều sâu vẫn có chỗ đứng riêng, có bạn đọc riêng của mình. Mảng sách khoa học, giáo dục và đời sống của NXB Phụ nữ chiếm doanh thu khá lớn trong tổng doanh thu. Đặc biệt, mảng sách giáo dục sức khỏe - giới tính được chúng tôi quan tâm đầu tư vì hiện nay ở Việt Nam đang có một lỗ hổng lớn trong giáo dục sức khỏe - giới tính ngay từ trong gia đình và nhà trường. Các bố mẹ không được dạy về giáo dục sức khỏe - giới tính, các thầy cô không có nhiều thời lượng cho các bài giảng về giáo dục sức khỏe - giới tính nên cộng đồng thực sự cần có tài liệu chia sẻ về vấn đề này.

Hiện nay mảng sách giáo dục sức khỏe - giới tính của NXB được tổ chức chủ yếu từ hai nguồn: Các tác giả trong nước và mua bản quyền của nước ngoài. Trong nước, NXB mời các chuyên gia là các bác sĩ, chuyên gia tư vấn sức khỏe - giới tính, các chuyên gia về nuôi dạy con để viết sách giáo dục sức khỏe - giới tính (Bác sĩ Lan Hải với cuốn Cẩm nang phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ em... và các chuyên gia tâm lý của một số trung tâm, các bệnh viện, các trường đại học... như PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa, Võ Thị Minh Huệ chuyên gia về tâm lý - giáo dục). Nguồn nước ngoài là các sách về mua bản quyền, giáo dục trực tiếp về giới tính và tâm sinh lý lứa tuổi (Bí mật con trai, Bí mật con gái, Con gái biết tuốt, Giải mã thế giới con trai, Em đang thành thiếu nữ,...). Đối tượng đích của dòng sách này chính là các bậc cha mẹ trẻ, các thầy cô giáo và chính là con em trong mỗi gia đình.


Võ Hồng Thu (thực hiện)
Ý kiến của bạn