Hà Nội

Không để biến động cuối năm các lĩnh vực tiền tệ, hàng hóa, giá cả

04-12-2017 08:05 | Xã hội
google news

SKĐS - Chiều 01/12, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng, đã diễn ra buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017. Nhiều vấn đề nóng đã được Người phát ngôn Chính phủ và các Bộ, ngành giải đáp.

Xử lý nghiêm các vụ việc bạo hành trẻ mầm non

Tại buổi họp,Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017, tập trung thảo luận về ba nhóm vấn đề lớn: Một là tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 và 11 tháng; hai là phương hướng, nhiệm vụ, các trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2018, cụ thể là xây dựng Nghị quyết 01 năm 2018; và ba là Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 cùng một số nội dung hoàn thiện, xây dựng thể chế. Trong đó, tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao; khu vực dịch vụ phục hồi mạnh. Nhiều lĩnh vực tiếp tục lập những kỷ lục mới, như lượng khách du lịch quốc tế, vốn đầu tư nước ngoài, kim ngạch xuất khẩu, số doanh nghiệp thành lập mới đều tiếp tục tăng mạnh.

Không để biến động cuối năm các lĩnh vực tiền tệ, hàng hóa, giá cả

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả được, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Thiệt hại do thiên tai, nhất là do bão số 12, số 14 tuy đã được hạn chế nhưng vẫn rất lớn. Giải ngân vốn đầu tư công chậm. Sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn. Còn nhiều vấn đề xã hội bức xúc, đặc biệt như vừa qua chúng ta đều biết đã xảy ra nhiều vụ bạo lực với trẻ em, nhất là cấp mẫu giáo, gây bức xúc rất lớn, đây là điều không thể chấp nhận được.

Về nhiệm vụ thời gian tới, trong tháng cuối năm và dịp Tết cổ truyền, Chính phủ yêu cầu cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; nỗ lực phấn đấu đạt được kết quả tốt hơn, toàn diện hơn so với số liệu ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội. Đồng thời không để biến động lớn trong tháng cuối năm và dịp Tết trên các lĩnh vực tiền tệ, thị trường hàng hóa, giá cả…

Đặc biệt, cần hết sức lưu ý giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc. Không để xảy ra nạn bạo hành trẻ em, đề nghị phát huy vai trò của chính quyền cơ sở, đồng thời cả xã hội phải vào cuộc, cơ sở giáo dục, cơ quan chức năng, gia đình, báo chí cùng kiểm tra, giám sát, thực hiện. Các thành viên Chính phủ thống nhất cho rằng cùng với việc xử lý nghiêm các vụ việc, thì cần có giải pháp căn cơ, gốc rễ cho tình trạng bạo hành trẻ mầm non, như phải xây dựng hệ thống các trường mầm non công lập hiện rất thiếu tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, từ đó hạn chế các trường hợp gửi trẻ tại các cơ sở không đạt yêu cầu. Cùng với đó là vấn đề đạo đức, hành xử của các giáo viên mầm non…

Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân vùng bị thiên tai, tuyệt đối không để nhân dân bị đói, không có chỗ ở; không để hỗ trợ đi sai địa chỉ, sai mục đích. Một vấn đề bức xúc khác, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT sớm có báo cáo tổng thể về các trạm BOT, đặc biệt là trạm BOT Cai Lậy – vấn đề rất nóng trên báo chí hiện nay và rất được người dân quan tâm.

Chính phủ cũng thảo luận tại phiên họp là phương hướng, nhiệm vụ, các trọng tâm chỉ đạo, điều hành năm 2018, cụ thể là xây dựng Nghị quyết 01 năm 2018. Nghị quyết 01 là văn bản chủ đạo, quan trọng nhất trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ và cả hệ thống hành chính nhà nước trong năm 2018. Chính phủ đã bàn về 4 dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập; về y tế và dân số; bàn nội dung sửa đổi, bổ sung một loạt các Luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, đầu tư kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành và quy hoạch… Đây đều là những nội dung rất lớn, rất quan trọng.

Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải đánh giá toàn diện các dự án BOT, trong đó có dự án BOT Cai Lậy

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải đánh giá toàn diện các dự án BOT, trong đó có dự án BOT Cai Lậy, liệu có khách quan không? Tại sao chúng ta không giao cho Thanh tra Chính phủ hoặc Kiểm toán Nhà nước?, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT tiến hành rà soát tất cả các dự án BOT và Bộ phải có trách nhiệm thực hiện. Hiện Bộ đã tiếp 107 đoàn làm việc của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ ngành, đoàn giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và có sự tham gia đầy đủ các thành phần trong đó có cả Kiểm toán Nhà nước. Tất cả đã được tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan, trong đó có đánh giá những mặt được và chưa được để có hướng khắc phục.

Trả lời câu hỏi phóng viên về việc, Bộ Công Thương có đưa ra Nghị định tăng giá điện bán lẻ lên 6,08%. Tuy nhiên, trong báo cáo đưa ra thì sản xuất điện có thể lỗ 600 tỷ đồng nhưng lãi của hoạt động sản xuất điện vẫn hơn 2.600 tỷ đồng? Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian vừa qua, từ tháng 3/2015 đến nay, nghĩa là 2 năm 9 tháng, giá điện không có sự điều chỉnh, trong khi đầu vào của những thứ làm ra điện tăng rất nhiều, đặc biệt là than và nhiều yếu tố khác. Theo đánh giá trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ sáng nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nói rất kỹ về vấn đề này. Tại sao phải tăng giá điện và tăng vào thời điểm nào? Theo đánh giá, ngành điện trong thời gian vừa qua đã có những cố gắng nhất định. Ví dụ, theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới, chỉ số tiết kiệm điện năng năm 2016 chúng ta đứng thứ 96 các quốc gia và vùng lãnh thổ, đến 2017 đã đứng thứ 64. Như vậy đã tăng được 32 bậc trong vòng một năm.

Đối với biến động của việc tăng giá này đã có sự tính toán hết sức kỹ lưỡng của Chính phủ cũng như Bộ Công Thương và EVN.


TSCT
Ý kiến của bạn