Khỏi bệnh tiểu đường nhờ cấy ghép tế bào gốc

21-09-2015 10:06 | Y học 360
google news

SKĐS - Một người phụ nữ mắc bệnh tiểu đường đã không cần sử dụng thuốc hàng ngày kể từ khỏi bệnh nhờ cấy ghép tế bào gốc.

Tiêm insulin hàng ngày giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Tuy nhiên, Wendy Peacock đã thoát khỏi phiền nhiễu này sau khi được ghép tế bào gốc.

Wendy Peacock lần đầu được chẩn đoán tiểu đường tuýp 1 vào năm 17 tuổi, theo tờ Miami Herald. Peacock, hiện 43 tuổi, được nhận tế bào gốc vào giữa tháng 8 tại Đại học Y khoa Miami-Miller bang Florida. Các bác sỹ gọi đây là một ca phẫu thuật đơn giản và Peacock đã phục hồi rất nhanh.

Sau ca phẫu thuật, cơ thể cô ấy bắt đầu sản sinh insulin một cách tự nhiên. Theo bác sĩ của Peacock, hiện nay cô đã hoàn toàn không bị lệ thuộc insulin. “Đó là những kết quả tuyệt vời nhất mà chúng tôi đã được thấy”, Tiến sỹ Camillo Ricordi, giám đốc Trung tâm Cấy ghép Tế bào tại Trung tâm Nghiên cứu Đái tháo đường bang Florida cho biết.

“Nếu những kết quả này được xác nhận, đồng nghĩa với sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới về cấy ghép”, Tiến sỹ Ricordi nói: "Nếu các bác sỹ khác nghiên cứu và đều xác nhận kết quả, quy trình này có thể được áp dụng cho các bệnh nhân đái tháo đường khác."

Khỏi bệnh tiểu đường nhờ cấy ghép tế bào gốc

TS. BS. Camillo Ricordi và người được cấy ghép tế bào gốc Wendy Peacock vào ngày 9/9/2015 (Carl Juste / MIAMI HERALD STAFF)

Peacock thổ lộ, cuộc sống của cô đã thay đổi đáng kinh ngạc sau cuộc phẫu thuật. Trước đó, cô không thể biết lúc nào mình bị hạ đường huyết đột ngột. Đường huyết quá thấp có thể gây bất tỉnh, hoặc thậm chí là chết.

“Như bất kỳ một bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 nào, bạn phải tuân thủ theo một quy tắc nghiêm ngặt trong cuộc sống hàng ngày”, Peacock giải thích. “Tôi có một danh sách cần kiểm tra hàng ngày trong đầu: lượng đường trong máu, thức ăn, .. và rồi, mọi việc ngưng lại và tôi thốt lên “ôi, từ giờ mình chẳng phải làm những thứ đó nữa”.

Đây có thể coi là thông tin y học tốt lành cho người dân Châu Á. Theo Sáng kiến (Initiative) Phòng chống Đái tháo đường Châu Á tại Đại học Harvard ở Massachusetts, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Châu Á đang phải đối mặt với nguy cơ gia tăng số người bị bệnh đái tháo đường tuýp 2 cao hơn so với Châu Âu.

Người Châu Á không có nhiều người quá cân và béo phì như người phương Tây, nhưng tỷ lệ người mắc đái tháo đường lại cao hơn. Cũng theo trang web của Initiative, hiện nay, 60% dân số mắc đái tháo đường của thế giới là người Châu Á.

Phạm Thảo (theo VOA)

 


Ý kiến của bạn