Khi tác phẩm mỹ thuật được đấu giá

30-12-2016 13:52 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Gặp không ít khó khăn, hạn chế khách quan và chủ quan, thị trường mỹ thuật Việt thời gian qua được đánh giá khá trầm lắng.

Gặp không ít khó khăn, hạn chế khách quan và chủ quan, thị trường mỹ thuật Việt thời gian qua được đánh giá khá trầm lắng. Việc khơi thông thị trường mỹ thuật nước nhà để phát triển tương xứng với tiềm năng luôn là bài toán khó, đã được giới làm nghề nhiều lần tìm giải pháp. Trong bối cảnh đó, năm 2016, các phiên đấu giá tác phẩm mỹ thuật ở nước ta đã diễn ra, tạo tiền đề để thị trường mỹ thuật Việt phát triển đúng nghĩa.

Khai thông bế tắc

Ngược dòng thời gian, thời điểm giữa năm 2016, 5 tác phẩm mỹ thuật trong phiên đấu giá do Công ty cổ phần bán đấu giá Lạc Việt thực hiện đã tạo được thành công vang dội. Chóe Tứ linh làm bằng chất liệu gốm của nghệ nhân Phạm Anh Đạo được bán với giá tiền tỷ, chiếc tủ thờ chất liệu gỗ gụ (niên đại cuối thế kỷ 19) do họa sĩ Lê Thiết Cương sở hữu đã được bán với giá 143 triệu đồng, tranh sơn dầu Bên dòng sông Đỏ (sáng tác năm 2016) của Đào Hải Phong đấu giá được 150 triệu đồng, tranh sơn dầu Hạnh phúc (sáng tác năm 2015) của Hoàng Phượng Vỹ bán được 65 triệu và tranh sơn dầu, acrylic Tiên nữ vùng cao (sáng tác năm 2014) của họa sĩ Quách Đông Phương với 95 triệu đồng.

Khi tác phẩm mỹ thuật được đấu giáBức tranh sơn dầu Hạnh phúc của họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ được bán đấu giá trong năm 2016.

Đáng mừng hơn nữa, trong năm 2016, một trung tâm đấu giá tác phẩm nghệ thuật đầu tiên ở Việt Nam đóng tại quận Cầu Giấy, Hà Nội đã đi vào hoạt động. Có diện tích gần 1.000m2, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật sắp được mang ra đấu giá, là nơi người dân có nhu cầu ký hợp đồng ủy quyền bán đấu giá hoặc tham quan triển lãm tài sản đấu giá, gặp gỡ, trao đổi về nghệ thuật. Tại trung tâm này còn tổ chức các phiên bản tài sản của tổ chức, cá nhân tự nguyện sử dụng hình thức bán đấu giá thay cho cách bán hàng thông thường, phổ biến trước đây. Mỗi phiên đấu giá có tối thiểu 5 tác phẩm nghệ thuật.

Dịp khai trương trung tâm đấu giá, các tác phẩm mỹ thuật gồm: đôi trâu tranh hùng (đồng khảm bạc, thế kỷ XX), cặp lọ Bát Tràng triều Nguyễn (gốm, thế kỷ XIX), châm thư tình huynh đệ (gỗ sơn thếp, đời nhà Nguyễn thế kỷ XIX), cặp chóe sứ Thanh triều (sứ, đời nhà Thanh, thế kỷ XIX), tranh sơn mài Tùng lộc Thành Lễ (thế kỷ XX) là 5 tác phẩm đầu tiên đã được đấu giá thành công. Mặc dù mức giá bán của cả 5 tác phẩm được đưa ra đấu giá đều không cao so với giá khởi điểm nhưng cũng đã khẳng định được những bước đi đầu tiên của hoạt động đấu giá tác phẩm nghệ thuật tại Việt Nam. Cứ thế, Trung tâm này mở ra các phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật, mỗi tác phẩm được chào bán với nhiều mức giá, từ vài triệu đến trên 100 triệu đồng. Từ hình thức và cách làm này, thị trường mỹ thuật Việt như tìm được hướng đi đúng đắn và phù hợp, tiệm cận với thế giới.

Cần thiết và nhiều ý nghĩa

Thực tế cho thấy,  nền mỹ thuật nước ta với đa dạng loại hình, chất liệu, thể loại nên có nhiều tiềm năng để hình thành, tồn tại một thị trường mỹ thuật mạnh trong khu vực cũng như thế giới, song từ trước tới nay, qua rất nhiều cuộc tọa đàm và hội thảo, giới trong nghề cho rằng ở Việt Nam chưa có thị trường mỹ thuật đúng nghĩa. Bởi vì lẽ đó, tất cả các phiên đấu giá tác phẩm mỹ thuật trong năm 2016 ở Việt Nam có một ý nghĩa đặc biệt.

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, việc đấu giá sẽ làm minh bạch hóa nguồn gốc tác phẩm, từ đó minh bạch hóa giá trị nghệ thuật đích thực của tác phẩm nghệ thuật, bảo vệ được các giá trị văn hóa đích thực của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhưng quan trọng hơn cả, các phiên đấu giá giúp kích thích sáng tạo nghệ thuật đích thực của các nghệ sĩ, từ đó tạo thêm cơ hội cho nghệ sĩ Việt vươn ra các sàn đấu giá quốc tế. Đấu giá tác phẩm mỹ thuật ở Việt Nam thời gian vừa qua đã không chỉ tôn vinh giá trị lao động, sự sáng tạo của tác giả, nghệ nhân cũng như các tác phẩm đỉnh cao mà còn mở lối cho việc phát triển thị trường mỹ thuật trong tương lai gần.

Trong khi đó, họa sĩ Phạm Huy Thông nhận định, việc tổ chức phiên đấu giá các tác phẩm nghệ thuật ở nước ta là bước đệm quan trọng trong việc mua bán tranh. Cần phải có những phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật được tổ chức trong tương lai, tạo ra cú hích để chúng ta có thị trường mỹ thuật đúng nghĩa như các nước phát triển trên thế giới cũng như trong khu vực. Quan trọng hơn, các phiên đấu giá được tổ chức bài bản sẽ đẩy lùi tình trạng tranh nhái, tranh chép đang đe dọa tính chuyên nghiệp của mỹ thuật Việt Nam. Giới làm nghề đánh giá, khi thị trường mỹ thuật ở nước ta được thiết lập thì tác phẩm nghệ thuật cũng trở thành một kênh đầu tư tài chính. Nếu những doanh nhân lớn bỏ tiền ra mua tranh thì giá tranh sẽ được đẩy lên và tạo được hiệu ứng thẩm mỹ cho xã hội.


Phạm Quỳnh
Ý kiến của bạn