Khi bệnh nhân tâm thần gây án...

30-11-2017 23:30 | Pháp luật

SKĐS - Gần đây liên tiếp xảy ra các vụ án giết người thương tâm gây bất bình trong dư luận xã hội, người bị hại thì chết một cách oan uổng, còn kẻ sát nhân lại chính là người thân trong gia đình.

Trong khi chờ kết luận chính thức của các cơ quan chức năng, dư luận không ít người cho rằng chỉ có mắc bệnh tâm thần thì kẻ giết người mới ra tay tàn độc đến vậy. Vấn đề đặt ra là cần quản lý tốt bệnh nhân tâm thần trong cộng đồng nhằm đảm bảo trật tự an sinh xã hội.

Vì sao bệnh nhân tâm thần thường hay gây án?

Bệnh nhân tâm thần có nguy cơ gây án hình sự cao hơn người thường gấp 3-4 lần. Các bệnh nhân tâm thần gây án hình sự rất đa dạng, nhưng hay gặp hơn cả ở nhóm bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc, tâm thần phân liệt, nghiện rượu, nghiện ma túy và nghiện game online.

Nghiên cứu gần đây của Nguyễn Thành Quang tại Viện Giám định pháp y Tâm thần Trung ương, Phân viện phía Nam (Biên Hòa, Đồng Nai) cho thấy, các bệnh nhân rối loạn tâm thần nêu trên thường gây ra các loại án sau: Cố ý gây thương tích; giết người; giết người rồi tự sát; phá hoại tài sản; lừa đảo; gây rối trật tự nơi công cộng.

Người bệnh tâm thần cần được quản lý tốt vì sự bình yên của cộng đồng.

Người bệnh tâm thần cần được quản lý tốt vì sự bình yên của cộng đồng.

Nạn nhân của các bệnh nhân tâm thần này thường là người thân trong gia đình, hàng xóm láng giềng, ít hơn là bạn bè đồng nghiệp và rất hiếm gặp là người không quen biết.

Yếu tố bệnh lý dẫn đến các hành vi phạm tội ở những bệnh nhân này là hoang tưởng bị truy hại, hoang tưởng tự cao, ảo thanh ra lệnh, ảo thanh bình phẩm xấu, chán nản bi quan, kích động vận động, ý thức hoàng hôn. Vì vậy các bệnh nhân này thường được miễn giảm ít nhiều trách nhiệm hình sự sau khi gây án.

Ngoài ra, một số yếu tố bên ngoài có thể thúc đẩy hành vi phạm tội của bệnh nhân như căng thẳng tâm lý, lạm dụng rượu và ma túy... khiến cho hành vi phạm tội của bệnh nhân diễn ra mãnh liệt, tức thời.

Điều đáng lưu ý ở đây là với một bệnh nhân tâm thần đã phạm tội thì họ sẽ phạm tội lần thứ hai, lần thứ ba nếu bệnh vẫn còn. Đáng buồn thay, các bệnh tâm thần nêu trên chỉ có thể điều trị ổn định chứ không thể khỏi hẳn, do đó bệnh sẽ tái phát khi ngừng điều trị, kéo theo là lặp lại hành vi phạm tội.

Câu hỏi đặt ra ở đây là làm sao quản lý và điều trị hết số bệnh nhân tâm thần để đề phòng hành vi phạm tội của họ?

Quản lý bệnh nhân tâm thần như thế nào?

Trước hết, chúng ta phải khẳng định quản lý và điều trị những bệnh nhân tâm thần là hết sức cần thiết, quản lý để điều trị, điều trị để hỗ trợ quản lý.

Như chúng ta đã biết, số bệnh nhân tâm thần có thể gây ra các hành vi phạm tội ở Việt Nam rất đông, khoảng 1 triệu bệnh nhân tâm thần phân liệt, 6 triệu bệnh nhân trầm cảm, 1 triệu người rối loạn cảm xúc lưỡng cực, số bệnh nhân nghiện rượu, ma túy và game online cũng rất lớn. Chúng ta sẽ lấy đâu nguồn lực mà quản lý họ? Để quản lý hết số bệnh nhân này, chúng ta phải quản lý họ ở cộng đồng, tại gia đình họ. Quản lý bệnh nhân tâm thần ở cộng đồng có nhiều điểm nhân văn, nhưng mặt khác nó buộc các thành viên gia đình phải có trách nhiệm trông nom và điều trị cho bệnh nhân. Nhiều ý kiến cho rằng nên quản lý bệnh nhân tâm thần ở các trại tâm thần, nhưng trại nào mà quản lý cho xuể hơn chục triệu người? Nói thẳng ra rằng gia đình mà không có trách nhiệm quản lý điều trị bệnh nhân thì ai quản lý hộ họ đây?

Nhiều ý kiến cho rằng, người dân không có chuyên môn thì làm sao mà quản lý và điều trị cho bệnh nhân tâm thần được? Vấn đề ở đây là phải có sự giúp sức của cơ quan y tế, cụ thể là các bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Như đã nói trên, tất cả các bệnh tâm thần đều phải uống thuốc (thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc bình thần, thuốc chỉnh khí sắc, thuốc kháng rượu, thuốc kháng heroin) trong nhiều năm mà rất nhiều người sẽ phải uống thuốc suốt đời. Khi đã điều trị ổn định, nguy cơ gây án của các bệnh nhân tâm thần là rất nhỏ, chỉ tương đương với người không có bệnh tâm thần. Hơn nữa, khi điều trị ổn định, bệnh nhân tâm thần còn tham gia lao động nuôi sống họ và gia đình họ.

Như vậy, công việc quản lý và điều trị bệnh nhân tâm thần của các thành viên trong gia đình sẽ không hề phức tạp. Các việc cụ thể cần làm là:

Đưa người có dấu hiệu bất thường về tâm thần đi khám. Không nên giấu bệnh nhân ở nhà hoặc tìm đến các thầy cúng, thầy bói vì họ chả làm được gì cho bệnh nhân mà chỉ khiến cho chúng ta tốn kém, hoang mang, bỏ lỡ cơ hội điều trị bệnh.

Bắt buộc bệnh nhân phải uống thuốc theo đúng đơn thuốc của bác sĩ tâm thần đã kê. Không được tự ý thêm bớt liều hoặc thêm bớt thuốc. Các thuốc chữa tâm thần ngày nay an toàn trong liều điều trị, không độc với gan, thận, cơ quan tạo máu... nên có thể yên tâm uống thuốc suốt đời. Không được để bệnh nhân tự uống thuốc vì khi bệnh ổn định họ thường có xu hướng giảm liều, ngừng thuốc nên bệnh lại tái phát.

Đưa bệnh nhân đi tái khám đúng hẹn. Việc tái khám giúp bác sĩ phát hiện các triệu chứng bất thường, qua đó điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp. Trong trường hợp bác sĩ không điều chỉnh thuốc thì đi tái khám đúng hẹn cũng giúp bệnh nhân nâng cao ý thức về bệnh của mình.

Học hỏi các dấu hiệu đe dọa tái phát để điều trị ngăn chặn tái phát kịp thời. Các dấu hiệu này thường rất dễ nhận biết như mất ngủ trầm trọng kéo dài 3 ngày, lo lắng quá mức kéo dài trên 3 ngày, cáu gắt vô cớ quá mức.

Không nên tự ý khám và điều trị cho mình bằng cách tìm hiểu các thông tin về bệnh và về thuốc qua mạng internet. Tìm hiểu về bệnh của mình và người nhà là tốt, nhưng các thông tin qua mạng internet chỉ để tham khảo chứ không thay thế được bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Đơn cử như bác sĩ thần kinh còn hầu như không hiểu gì về các bệnh tâm thần thì các bác sĩ chuyên khoa khác hoặc người dân càng không thể tự khám và tự chữa cho mình được.


PGS.TS. Bùi Quang Huy
Ý kiến của bạn