Kết hợp các ngành khoa học “omics” trong y học chính xác: Chìa khóa trị bệnh ung thư trong tương lai?

09-11-2017 10:00 | Thông tin dược học

SKĐS - Trong những năm gần đây, y học chính xác (YHCX) trở thành xu hướng mới của y học hiện đại với chiến lược phòng ngừa và điều trị được điều chỉnh phù hợp với từng cá nhân để mang lại hiệu quả cao nhất.

Đặc biệt, sự kết hợp các ngành khoa học “omics” trong y học chính xác sẽ trở thành chìa khóa điều trị bệnh ung thư, nhất là các loại ung thư hiếm, ít người mắc nhưng rất nguy hiểm.

Ưu điểm của YHCX

YHCX hay y học cá thể hóa, bệnh nhân sẽ được làm một loạt các xét nghiệm di truyền ở cấp độ phân tử để xác định mức độ mắc bệnh cũng như mức độ đáp ứng của bệnh nhân đối với thuốc để được điều trị đúng thuốc, đúng liều, đúng thời điểm. Nếu phát hiện sớm, người bệnh được gợi ý thay đổi lối sống cho phù hợp và đề ra phương pháp điều trị hiệu quả. Nói rộng hơn, YHCX có thể được coi là công tác y tế chăm sóc phù hợp với các đặc điểm cá nhân, nhu cầu và sở thích của mỗi bệnh nhân trong tất cả các khâu bao gồm phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị và theo dõi.

Nghiên cứu đặc điểm riêng của từng cá nhân để có biện pháp điều trị thích hợp trong y học chính xác.

Nghiên cứu đặc điểm riêng của từng cá nhân để có biện pháp điều trị thích hợp trong y học chính xác.


YHCX đã có những bước đột phá trong điều trị ung thư với liệu pháp nhắm trúng đích bằng cách sử dụng những chẩn đoán phức tạp và tinh tế để đưa ra phác đồ điều trị chính xác, phù hợp với đặc điểm di truyền của từng người ở cấp độ phân tử. Tuy nhiên, hiện nay, có một vấn đề khác đang được đặt ra cho các nhà khoa học là nếu chỉ dựa vào các đột biến di truyền (thông qua hồ sơ gene) thì một số bệnh ung thư không được phát hiện vì các khối u còn có thể bị điều khiển bởi các yếu tố khác. Do đó, việc điều trị ung thư bằng y học chính xác trong tương lai, ngoài ảnh hưởng của các microbiome (được hiểu là toàn bộ hệ gene -genome của các vi sinh vật sống trong và trên cơ thể con người như các vi khuẩn, thực khuẩn thể, nấm, động vật nguyên sinh và virut... có ích và thiếu chúng thì chúng ta không thể tồn tại) còn cần có sự hiểu biết rộng hơn về sự thay đổi di truyền và biểu sinh (được xác định bởi các yếu tố như chế độ ăn, bệnh tật, lối sống) xảy ra trong một khối u. Chính vì vậy mà sự kết hợp các ngành khoa học “omics” bao gồm nghiên cứu gene và chức năng gene (genomics), nghiên cứu protein và chức năng protein (proteomics), nghiên cứu hóa chỉ tế bào (metabolomics) ở từng cá nhân được coi là chìa khóa để giải quyết tất cả các loại khối u.

Lợi ích khi kết hợp “omics” trong y học chính xác

GS. Michael P. Snyder - Giám đốc Trung tâm Genomics và Y học cá nhân tại Đại học Stanford, California, Mỹ cho biết, muốn có được thông tin chi tiết về trạng thái khỏe mạnh của một người và hiểu những thay đổi khi người đó chuyển sang trạng thái bệnh tật thì y học chính xác phải vượt ra ngoài bộ gene và tính đến cả tác động của môi trường, lối sống. Trong một bài trình bày tại hội nghị hàng năm của Hiệp hội Các nhà di truyền học Hoa Kỳ, tổ chức tại Orlando gần đây, GS. Snyder nêu bật cách ông sử dụng biện pháp này để nghiên cứu tác động của các chiến lược can thiệp sớm ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện thu thập dữ liệu “omics” trong 4 năm với 98 người tham gia, trong đó có 7 người không có dấu hiệu tiền đái tháo đường. Kết quả cho thấy tình trạng bệnh thay đổi đối với từng cá nhân bởi mỗi người có các cấu trúc phân tử khác nhau. Điều này một lần nữa chỉ ra rằng, y học thật sự cần thay đổi. Ngày nay với việc thu thập và phân tích những thông tin cơ bản liên quan đến gene di truyền và các ngành khoa học omics, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể xác định được biện pháp để bảo vệ cũng như ngăn ngừa bệnh tật cho từng cá nhân.

Tương lai của y học chính xác cần vượt qua trở ngại nào?

Hiện nay, nhờ vào sự ra đời của nhiều công nghệ sinh học mới, y học chính xác đang thay đổi cách chẩn đoán và điều trị ung thư cũng như biện pháp phòng ngừa các chứng bệnh mạn tính như đái tháo đường và các nhà khoa học tin tưởng rằng phương pháp này sẽ trở thành thường quy trong tương lai gần. Nhưng sự  thay đổi không phải lúc nào cũng dễ dàng và có những rào cản cần phải vượt qua. Các vấn đề khó khăn bao trùm là tiền bạc và thái độ của mỗi người đối với sức khoẻ của chính mình bởi xuất phát từ thực tế hiện nay, hệ thống y tế hay cả bảo hiểm không chi trả cho việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh mà chỉ dành cho việc chữa trị khi đã mắc bệnh. Chính vì vậy mà lợi ích của y học chính xác đã được nhìn thấy rõ nhưng để mọi tầng lớp trong xã hội đều được hưởng lợi thì còn cần nhiều thời gian.


Lê Mỹ Giang
Ý kiến của bạn