Iran lâm vào bất ổn vì biểu tình

04-01-2018 14:58 | Quốc tế
google news

SKĐS - Làn sóng biểu tình phản đối đã lan ra khắp Iran chỉ sau vài ngày, có nhiều khả năng sẽ dâng lên trở thành một cơn sóng dữ ở quốc gia Hồi giáo này.

Bất mãn vì sự sa sút kinh tế, người Iran biểu tình

Các cuộc biểu tình khởi phát từ ngày 28/12 ở phía Bắc thành phố Mashhad – thành phố lớn thứ 2 ở Iran – để phản đối sự xuống dốc của nền kinh tế, nạn tham nhũng tràn lan, giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng phi mã, có hàng hóa đã tăng tới 40%.  Liên tiếp những ngày sau, từ ôn hòa, các cuộc biểu tình đã biến thành bạo lực, trở thành phong trào chống Chính phủ Iran lan ra khắp 40 thành phố.  Đã có đụng độ xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình, khiến hơn 20 người thiệt mạng, hàng trăm người bị bắt.

Các cuộc biểu tình ở Iran ngày càng lan rộng

Các cuộc biểu tình ở Iran ngày càng lan rộng

Lý do thực sự của phong trào biểu tình phản đối đang diễn ra ở Iran là gì? Theo tờ Washington Post cho biết, mới đây Tổng thống Iran Hassan Rouhani đưa ra kế hoạch cắt giảm trợ cấp cho người nghèo, tăng phí đăng ký xe ô tô, tăng giá nhiên liệu nhằm làm giảm nợ công , hạn chế sự phụ thuộc của nền kinh tế vào xuất khẩu dầu. Trong khi đó lời hứa của Tổng thống Hassan Rouhani hồi tháng 5 khi ông đắc cử rằng, sẽ phục hồi nền kinh tế Iran thì chưa thấy đâu.

Bên cạnh việc bất bình với kế hoạch ngân sách,  giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao, còn một câu hỏi mà người biểu tình Iran cũng muốn Chính phủ phải trả lời. Trong khi nền kinh tế suy yếu, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên lên tới 28,8%, người dân phải vật lộn trong  khó khăn  mà Iran vẫn chi hàng tỷ USD cho chính sách đối ngoại ở Trung Đông. Iran đã gửi tiền mặt, vũ khí, máy bay chiến đấu đến Syria, hỗ trợ tài chính cho người Palestine, Lebanon…

So với thời gian trước khi Thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký kết năm 2015, Iran sẽ giảm các chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên lợi ích thực sự mà thỏa thuận này đem lại không như kỳ vọng của người dân. Tăng trưởng kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào xuất khẩu dầu, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao.  Đáng lo ngại hơn,  số phận của Iran vẫn nằm  trong tay người Mỹ và các nước phương Tây.  Mới đây Tổng thống Mỹ D.Trump dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận Iran và cho biết sẽ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran. Nếu điều này xảy ra, nguy cơ nền kinh tế Iran sẽ lại quay lại vạch xuất phát trước năm 2015.

Lịch sử có lặp lại?

Đây là cuộc biểu tình chống Chính phủ lớn nhất sau các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn hồi năm 2009 ở Iran khiến quốc gia Hồi giáo này rơi vào khủng hoảng hàng tháng trời.  Nguyên nhân của những cuộc biểu tình kéo dài 8 tháng hồi năm 2009 là người dân phản đối Tổng thống Ahmadinejad tái đắc cử, họ cáo buộc bầu cử có gian lận. Để giải quyết các cuộc biểu tình cách đây 8 năm, lực lượng vệ binh cách mạng Iran đã phải ra tay dẹp bỏ .

Lịch sử có lặp lại? Các cuộc biểu tình có tiếp diễn? Liệu lực lượng vệ binh cách mạng Iran có phải một lần nữa can thiệp? … đó là những câu hỏi mà dư luận rất quan tâm.  Các nhà phân tích cho rằng, các cuộc biểu tình  hiện đang diễn ra ở Iran khác rất xa so với các cuộc biểu tình của năm 2009.  Người dân nổi dậy  phản đối các vấn đề kinh tế và chính trị sẽ khó ngăn chặn hơn.  Hơn nữa, cuộc biểu tình lần này không có bất cứ một lực lượng nào lãnh đạo, nhưng tốc độ lan truyền của nó  lớn hơn. Năm 2009, người biểu tình chủ yếu là tầng lớn trung lưu và dân thành thị thì nay, lực lượng tham gia biểu tình chủ yếu là những người trẻ tuổi, thuộc tầng lớp lao động khắp từ thành thị đến nông thôn.

Từ bên ngoài, nhiều nước phương Tây như Anh, Đức đã lên tiếng kêu gọi người dân kiềm chế,  Mỹ cho rằng đã đến lúc cần có sự thay đổi ở Iran. Về phần mình Iran cáo buộc Mỹ, Anh, Saudi Arabia là 3 nước đứng đằng sau các vụ bạo loạn trên, các thế lực từ nước ngoài đang kích động biểu tình. Nga nêu quan điểm, đây là công việc nội bộ của Iran, bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài là không thể chấp nhận được .

Mặc dù Iran đã trải qua không ít các cuộc biểu tình, nhưng để “giải bài toán” lần này Iran cần không chỉ là thời gian, mà còn là nỗ lực của Chính phủ và sự đoàn kết của người dân.


Hải Yến
Ý kiến của bạn