Hà Nội

HPG 2018: Cơ chế tài chính cho công tác Chăm sóc sức khỏe ban đầu

15-05-2018 17:51 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngày 15/5, tại Hà Nội diễn ra cuộc họp Nhóm Đối tác Y tế (HPG) đầu tiên của năm 2018 với chủ đề Cơ chế tài chính cho công tác Chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) hướng đến bao phủ chăm sóc sức khỏe (CSSK) toàn dân (UHC).

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn phát biểu khai mạc HPG đầu tiên của năm 2018 (ảnh: Nguyễn Nhiên)

Đây là cuộc họp đầu tiên trong chuỗi các cuộc họp HPG năm 2018, tập trung vào chủ đề tăng cường CSSKBĐ hướng đến bao phủ CSSK toàn dân. Bao phủ CSSK toàn dân cũng là chủ đề của ngày Sức khỏe thế giới 07/04/2018.

Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của PGS.TS. Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế; TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO; TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội và TS Keiko Inoue (WB).

Chăm sóc sức khỏe ban đầu-ưu tiên của ngành y tế

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết theo Tuyên bố Alma Ata, CSSKBĐ là nền tảng và là cấu phần quan trọng nhất của hệ thống y tế, và là chiến lược quan trọng để đạt sức khỏe cho mọi người dân. Trong những năm qua, các ưu tiên và chiến lược y tế đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên CSSKBĐ vẫn  giữ vai trò quan trọng trong hệ thống y tế của mọi quốc gia.

Bởi vậy, sau 40 năm, cộng đồng quốc tế tiếp tục cùng cam kết tăng cường CSSKBĐ hướng đến bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và hoàn thành các Mục tiêu phát triển bền vững 2030, dự kiến bản Tuyên bố chung mới sẽ được ký tại  Kazakhstan vào tháng 10 tới đây.

Các đối tác đồng chủ trì HPG (ảnh: Nguyễn Nhiên)

Tại Việt Nam, CSSKBĐ đã, đang và sẽ là ưu tiên của cả hệ thống chính trị nói chung và ngành y tế nói riêng. Nghị quyết 20-NQ/TW của BCH TW Đảng vừa ban hành vào tháng 10/2017,  đã xác định “Y tế dự phòng (YTDP) giữ vai trò then chốt, đổi mới y tế cơ sở (YTCS) và CSSKBĐ là nền tảng, nhằm đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân trong tình hình mới”. “Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016 có mục tiêu đổi mới tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng của dịch vụ CSSKBĐ theo hướng toàn diện, liên tục và lồng ghép bảo đảm công bằng, hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cơ chế tài chính hiệu quả- đòn bẩy cho hệ thống chăm sóc sức khỏe bền vững

“Tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) là ưu tiên của Chính phủ Việt Nam hướng đến bao phủ CSSK toàn dân, điều này đã được thể hiện trong Nghị quyết 20 NQ-TW về công tác bảo vệ, chăm sóc, và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”, trích lời TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam. So với các quốc gia khác, Việt Nam có hệ thống CSSKBĐ  tương đối phát triển. Tuy nhiên, một cơ chế tài chính hiệu quả cho công tác CSSKBĐ là cần thiết để xây dựng hệ thống CSSKBĐ bền vững.

TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam

TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam (ảnh: Nguyễn Nhiên)

Khi hệ thống y tế không có khả năng bảo vệ tài chính, người dân phải chi tiền túi và có nguy cơ dẫn đến đói nghèo. Theo  tài liệu quốc gia về phát triển bền vững và UHC được đưa ra vào ngày Sức khỏe Thế giới, tại Việt Nam, khoảng 19% gia đình dành hơn 10% thu nhập cho các dịch vụ y tế - một gánh nặng tài chính chưa hợp lý. Tài liệu quốc gia này sẽ giúp Chính phủ xác định các khoảng trống và ưu tiên nhằm tăng cường hệ thống và bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế cho mọi người dân, tại bất cứ đâu và bất cứ khi nào mà không phải chịu gánh nặng về tài chính.

Toàn cảnh cuộc họp

Trước những khó khăn và thách thức của cơ chế tài chính cho CSSKBĐ hướng đến UHC tại Việt Nam, cuộc họp HPG lần này xem xét thực trạng hệ thống CSSKBĐ tại Việt Nam, cung cấp các kinh nghiệm và bằng chứng quốc tế; và thảo luận các lựa chọn, bước đi tiếp theo nhằm tăng cường tài chính cho CSSKBĐ tại Việt Nam.

Toàn cảnh HPG

TS. Momoe Takeuchi, Trưởng Nhóm Phát triển Hệ thống y tế (WHO) chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về tài chính cho CSSKBĐ hướng tới chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC). Theo kinh nghiệm quốc tế, % BHYT chi cho CSSKBĐ: Đức (27-29%); Nhật (22-26%); Hàn Quốc (19% hiện nay, giai đoạn 1980: 34%).

TS Takeuchi nêu một số thách thức Việt Nam đang gặp phải như: tăng bao phủ BHYT nhưng không có hệ thống “gác cổng”, chăm sóc ban đầu phân bổ dưới 4% quỹ BHYT, thiếu nền tảng y tế điện tử để kết nối hệ thống tài chính và chi trả BHYT cho khám chữa bệnh cá nhân,....WHO khuyến nghị tăng phân bổ quỹ BHYT cho các cơ sở CSSKBĐ đạt 30% tổng quỹ BHYT, trong đó y tế tuyến xã tăng từ 4% mức hiện nay lên 20% (bao gồm cả phòng khám bác sỹ gia đình); bệnh viện huyện từ 26% lên 30% (10% cho CSSKBĐ).


Bích Vân
Ý kiến của bạn