Hội chứng “áo choàng trắng” và sự cố không có trong sách vở

20-01-2016 15:14 | Phòng mạch online

SKĐS - Con người có sự đa dạng sinh học vốn có của nó nên nhiều khi trong hành nghề y, dược, mặc dù đã làm đúng quy trình, đúng bài bản...

Con người có sự đa dạng sinh học vốn có của nó nên nhiều khi trong hành nghề y, dược, mặc dù đã làm đúng quy trình, đúng bài bản... mà tai biến vẫn cứ xảy ra. Các quy luật và các nguyên lý trong sách vở không còn đúng khi áp dụng trên một số đối tượng người bệnh cụ thể.

Sự cố đầu giờ sáng

Mặc dù sự cố xảy ra đã lâu nhưng cho đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in trong đầu buổi sáng hôm ấy, ngày đầu tháng 3. Trời một chút ấm, một chút ẩm, lại thi thoảng có chút mưa rét khiến cho trong một ngày mà bạn cảm nhận rõ có sự xáo trộn thời tiết. Ngày ấy, tôi mới chỉ là một bác sĩ trẻ, được về y tế cơ sở để thêm kiến thức thực tế. Tỉnh công tác là tỉnh Hải Dương. Tôi vốn tính cẩn thận và chăm chỉ nên được bác trưởng khoa rất quý. Đi khám bệnh, bác hay lôi tôi đi. Đi điều trị, bác hay cho tôi bám càng và tôi luôn được tin tưởng.

Trong nghề y, mặc dù các thầy thuốc đã làm đúng quy trình, bài bản, song đôi khi nguy cơ tiềm ẩn từ phía người bệnh.

Trong nghề y, mặc dù các thầy thuốc đã làm đúng quy trình, bài bản, song đôi khi nguy cơ tiềm ẩn từ phía người bệnh.

Mới mở cửa phòng khám bệnh viện được ít thời gian, chừng mới 8h sáng, một nữ thanh niên bước vào. Chị này có một biểu hiện rất lạ. Mới vào đến phòng đã có cảm giác nhút nhát. Sốt cao, vì mặt chị nóng bừng. Tóc hơi rối, có lẽ do sốt bệnh nên cũng không quan tâm đến đầu tóc. Tôi nhớ mãi vì tôi còn rất trẻ, mặt non lắm nhưng chị lại gọi tôi bằng bác. Hơn thế nữa, chị lại có cảm giác rất hay rùng mình. Mỗi khi tôi chạm vào người chị để khám, chị đều nổi da gà. Chị bảo chị có máu buồn, nhưng tôi không tin chị nói thật vì không thấy chị ngọ nguậy mà chỉ thấy chị nổi da gà.

Sau 15 phút, khám xong. Hoàn thành hồ sơ y bạ, chị chỉ bị bệnh đơn giản là viêm họng cấp tính, còn các thể trạng khác hoàn toàn bình thường. Bác trưởng khoa chỉ định cho tiêm kháng sinh, dặn tôi phải thử phản ứng. Sau khi thử phản ứng 5 phút, tôi báo cáo bác trưởng khoa về kết quả, bác kiểm tra cẩn thận xác nhận phản ứng âm tính và ra chỉ lệnh tiêm. Đứng về phương diện sách giáo khoa thì đúng là không có phản ứng gì vì phản ứng tại chỗ tiêm rất nhỏ. Hoàn toàn đủ an toàn để tiêm. Nhưng ở bệnh nhân này có gì đó rất không ổn. Tôi cảm giác thế vì lần nào tôi chạm vào chị là chị lại sởn gai ốc lên. Chị bảo bình thường ở nhà, mỗi khi chị buồn cười đều thế.

Tiêm xong, lại không may có ngay ca cấp cứu. Bác trưởng khoa phải tức tốc đi ngay. Như mọi khi, bác lại lôi tôi đi. Nhưng tôi có cảm giác bất an và xin ở lại để theo dõi tình trạng của chị. Bác khẳng định là không sao vì đã thử phản ứng an toàn. Biết vậy nhưng tôi vẫn lo lắng và quyết định ở lại để theo dõi tình trạng người bệnh sau tiêm.

Sau khi tiêm chừng vài ba phút thì người chị tái xanh, chị kêu khó thở, hoa mắt, choáng váng và buồn nôn, còn da thì nổi da gà hàng loạt. Tôi nghĩ ngay tới tình trạng dị ứng thuốc (sốc thuốc). Mặc dù về mặt lý thuyết là rất an toàn rồi, tôi đã tiêm rất chậm, đã thử phản ứng an toàn rồi mới quyết định tiêm... vậy mà vẫn xảy ra biến chứng. Tôi vội đưa ngay chị tới phòng cấp cứu chuyên dụng kịp thời.

Bài học không quên

Sau lần đó, tôi cứ trăn trở mãi, mặc dù mình đã làm bài bản như sách viết, theo chỉ dẫn y tế thông thường nhưng vẫn có tai biến. Chúng tôi thường hay nói đùa với nhau là tai biến ngoài sách vở.

Điều đó cũng không có gì quá khó hiểu. Bởi thế giới con người có sự đa dạng sinh học vốn có của nó. Nhiều khi các quy luật và các nguyên lý không còn đúng khi áp dụng trên một số đối tượng người bệnh cụ thể. Mà trong trường hợp trên là một bài học đáng nhớ.

Nguyên nhân của tai biến ở trên là đã quá chủ quan với lý thuyết y học. Lý thuyết là nếu tiêm kháng sinh thì phải thử phản ứng. Nếu thử phản ứng mà an toàn thì tiêm sẽ an toàn. Chỉ cần pha thuốc, lắc nhẹ cho thuốc hòa tan hết và tiêm thật chậm là sẽ ổn. Song thực tế, có những người có cơ địa dị ứng hoặc có phản ứng quá mẫn muộn thì nó sẽ xảy ra sau đó một thời gian ngắn.

Chị bệnh nhân nọ là một người có phản ứng tâm lý sợ bác sĩ. Chị rơi vào hội chứng áo choàng trắng. Mỗi khi bác sĩ khám hoặc chạm vào người là chị rất sợ và lo lắng. Chính phản ứng tâm lý quá mức này đã gây ra phản ứng dị ứng quá mức đến muộn mà nhiều khi nó không phải là phản ứng dị ứng do thuốc.

Do vậy, dù đã thử phản ứng an toàn, đã tiêm chậm, những tưởng thế là xong. Nhưng thực ra, chị có nguy cơ tiềm tàng chỉ cần đến đúng mức độ thì sẽ xảy ra phản ứng. Nếu tôi cũng chủ quan và đi theo bác trưởng khoa thì sẽ không thể nào cấp cứu nổi. Vì làm sao phát hiện và cấp cứu kịp thời khi không có người theo dõi.

Bài học tôi rút ra, thiết nghĩ cũng là bài học chung cho mỗi chúng ta: Cần phải cẩn thận trên mỗi đối tượng người bệnh. Dù bạn có là bác sĩ lành nghề, bác sĩ giỏi hay bác sĩ giàu kinh nghiệm thì bạn vẫn không thể chủ quan mà hãy thận trọng, cụ thể, cẩn thận, tỉ mỉ trên từng người bệnh, nhất là khi người bệnh có những phản ứng dị thường kỳ lạ với việc khám và điều trị (ở đây là tiêm kháng sinh). Nếu bạn làm được như vậy sẽ hạn chế đến mức thấp nhất tai biến y khoa cho người bệnh. Hãy vui lòng nán lại với người bệnh khi nào người bệnh cảm thấy ổn thì hãy ra về, đó là tâm niệm nghề nghiệp đúng đắn cho mỗi chúng ta.

BS. Yên Lâm Phúc


Ý kiến của bạn