Bé Nguyễn P.S. mới 2 tháng tuổi, quê ở Nghệ An. Theo gia đình, bé Sang chào đời khỏe mạnh khi được 38 tuần tuổi. Tuy nhiên, chỉ 7 ngày sau đó, bé xuất hiện một số biểu hiện bất thường: nôn nhiều sau bú, chậm đi ngoài phân su. Cháu được gia đình đưa vào Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Tại đây, các bác sĩ đã cho cháu sử dụng kháng sinh, nuôi dưỡng tĩnh mạch, thụt tháo hàng ngày kết hợp chiếu đèn, tuy nhiên tình trạng bệnh nhi không tiến triển. Cháu được các bác sĩ chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị chuyên sâu.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, qua thăm khám, chụp Xquang khung đại tràng, sinh thiết đại tràng, các bác sĩ ngoại khoa kết luận bé S. mắc phình đại tràng vô hạch. Phình đại tràng bẩm sinh là bệnh tổn thương đại tràng ảnh hưởng tới quá trình tống xuất phân gây táo bón. Nguyên tắc của điều trị bệnh này là cần phẫu thuật. Bé S. được chỉ định phẫu thuật 2 lần. Sau khi phẫu thuật lần thứ nhất, nhận thấy sức khỏe bệnh nhi đã đủ điều kiện chuyển về theo dõi tại địa phương trong khi chờ phẫu thuật lần 2, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiến hành hội chẩn từ xa với các đồng nghiệp Bệnh viện Sản Nhi trao đổi về tình trạng sức khỏe của bé, đồng thời cùng các đồng nghiệp lên kế hoạch chăm sóc nuôi dưỡng và điều trị cho cháu S. tại địa phương. Trước khi bàn giao cho các bác sĩ tuyến tỉnh, bé được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đặt một đường truyền tĩnh mạch lâu dài để nuôi dưỡng tĩnh mạch và hạn chế phải lấy lại ven nhiều lần.
Một buổi hội chẩn từ xa.
Trong quá trình cháu S. được chăm sóc tại bệnh viện tỉnh, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của bệnh nhi và trao đổi hỗ trợ chuyên môn cho các đồng nghiệp thì bất ngờ nhận được thông tin từ các đồng nghiệp Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An về sự cố đường truyền tĩnh mạch của cháu S. Ngay lập tức, một cuộc hội chẩn “nóng” được nối giữa Hà Nội với Vinh, trong lần hội chẩn này có sự tham gia của cha mẹ cháu S. Nhờ vậy, gia đình nắm bắt được diễn biến tình trạng sức khỏe của con mình, được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương giải thích cặn kẽ kế hoạch điều trị để yên tâm chữa bệnh cho bé tại địa phương, cùng với đó tăng cường điều dưỡng có kinh nghiệm từ Hà Nội vào... Là bệnh viện tuyến cao nhất về nhi khoa của toàn miền Bắc với 14-16 bệnh viện vệ tinh, những cuộc hội chẩn từ xa để hỗ trợ về lâm sàng cho các đồng nghiệp tuyến dưới đã trở nên quen thuộc với các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương.
Sau 2 năm đi vào hoạt động, hình thức hỗ trợ lâm sàng trực tuyến thực sự nối dài cánh tay cho các bác sĩ tại các bệnh viện tuyến Trung ương, giúp các nhà chuyên môn tiết kiệm được thời gian, công sức di chuyển trong quá trình hỗ trợ bệnh viện tuyến, tạo điều kiện để người dân yên tâm chữa bệnh tại địa phương. Từ đó, Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện được mục tiêu: giảm tải bệnh viện tuyến Trung ương, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Ở Hà Nội cấp cứu tận Điện Biên
Tại Bệnh viện Việt Đức, công tác cấp cứu qua hệ thống trực tuyến được áp dụng thường quy trong thời gian gần đây. Câu chuyện ngoạn mục nhất đó là trường hợp cứu sống cô giáo bị tai nạn ôtô khiến nội tạng lộ cả ra ngoài.
ThS. Lê Việt Khánh - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Việt Đức kể, nhận được tin từ Bệnh viện tỉnh Điện Biên báo về lúc 9h sáng ngày 6/3, ThS. Khánh lập tức tổ chức cuộc hội chẩn tại Trung tâm Chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Việt Đức với lãnh đạo và các bác sĩ phẫu thuật, gây mê của Bệnh viện tỉnh Điện Biên qua đường truyền Telemidicine.
ThS. Lê Việt Khánh và TS. Dương Trọng Hiền - Phó Trưởng khoa Phẫu thuật cấp cứu ổ bụng đã cùng xem các hình ảnh tổn thương của bệnh nhân truyền về và qua hệ thống y tế từ xa Telemedicine, các chuyên gia đã tư vấn cho các bác sĩ ở Bệnh viện tỉnh Điện Biên về tình trạng bệnh, khả năng thương tổn cũng như cách xử trí. Nhờ đó, cô giáo không may bị tai nạn đã được cứu sống.