thiếu các sân chơi giải trí, nghệ thuật chuyên biệt. Vì thế, gần đây, chương trình Tiếng hát công nhân với mục đích giúp các công nhân giảm áp lực công việc, có cơ hội thể hiện tài năng, đam mê ca hát... khởi động được nhiều người ủng hộ và gửi gắm không ít kỳ vọng.
Hiếm hoi sân chơi giải trí bổ ích
Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lực lượng công nhân chiếm 11% dân số cả nước, đóng góp hơn 60% tổng sản phẩm xã hội nhưng đời sống tinh thần lại thiệt thòi khi thiếu các sân chơi giải trí nghệ thuật riêng biệt. Thực tế chứng minh, nhiều chương trình, gameshow truyền hình, sân chơi ca nhạc ở Việt Nam thời gian qua như Ơn giời cậu đây rồi, Làng hài mở hội, Cười xuyên Việt, Đấu trường tiếu lâm, Nhân tố bí ẩn, Song ca cùng bolero, Sing my Song, Khởi đầu ước mơ, Bài hát hay nhất, Hoán chuyển bất ngờ, Nhạc hội song ca, Mặt nạ ngôi sao, Ban nhạc quyền năng... chủ yếu là các nghệ sĩ đã thành danh hoặc các diễn viên, ca sĩ trẻ được đào tạo từ trường lớp tham gia là chính.
Tiếng hát công nhân – sân chơi giải trí vừa khởi động hứa hẹn tìm thêm được các giọng hát hay cho đời sống âm nhạc nước nhà nói chung và giới công nhân nói riêng.
Hiện nay, chương trình, sân chơi nghệ thuật dành riêng cho công nhân tại Việt Nam rất ít, nếu không muốn nói là không có. Nổi bật và được công chúng yêu thích những năm qua có chăng là Giờ thứ 9 - chương trình dành cho công nhân, người lao động do Liên đoàn Lao động, Đài Truyền hình và Cung Văn hóa Lao động TP.HCM tổ chức. Giờ thứ 9 là sân chơi giải trí khơi dậy tinh thần sáng tạo và thể hiện năng khiếu sáng tác âm nhạc, sáng tác thơ ca hò vè trong công nhân lao động. Đến với chương trình này, công nhân trực tiếp tổ chức thực hiện tự biên, tự diễn và tự sáng tác theo tinh thần “cây nhà lá vườn” với các nội dung như: tự giới thiệu về đơn vị, xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình lao động, làm việc bằng diễn kịch và thể hiện tài năng nghệ thuật.
Hòa vào Giờ thứ 9, người chơi trực tiếp cũng như khán giả cảm nhận rõ đây chính là phút giây các công nhân, người lao động được thư giãn thật sự, bởi họ được đắm chìm vào lời ca tiếng hát, được giao lưu gặp gỡ với những nghệ sĩ mà mình yêu thích, được thể hiện những kiến thức mà mình có được về pháp luật lao động, luật công đoàn, được chia sẻ kinh nghiệm sống. Mỗi chương trình Giờ thứ 9 không những phục vụ cho khoảng 1.000 - 2.000 công nhân tham dự trực tiếp mà còn được phát trên kênh sóng Đài Truyền hình TP.HCM nên có sức lan tỏa rộng. Theo dõi Giờ thứ 9, nhiều người đánh giá chương trình không chỉ dừng lại ở một sân chơi giải trí mà thông qua tài năng, năng khiếu của mỗi công nhân, họ sẽ trở thành lực lượng làm nòng cốt trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Hứa hẹn Tiếng hát công nhân
Gần đây, với mong muốn nâng cao đời sống tinh thần của người lao động thông qua một sân chơi giải trí chuyên nghiệp, một số công ty trong nước đã phối hợp tổ chức cuộc thi Tiếng hát công nhân. Theo NSƯT Quốc Hưng - thành viên Ban giám khảo Tiếng hát công nhân, hiện nay rất nhiều chương trình thi hát nhưng chưa có cuộc thi dành cho người công nhân. “Chúng tôi mong muốn qua chương trình có tính đặc thù này, người công nhân sẽ có thêm một sân chơi mới, có thêm nhiều giọng hát hay góp phần làm phong phú thêm đời sống âm nhạc nước nhà nói chung và giới công nhân nói riêng” - NSƯT Quốc Hưng nhấn mạnh.
Ban tổ chức chương trình Tiếng hát công nhân chia sẻ, đây là cuộc thi dành cho tất cả người lao động, công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất... đang làm việc, sinh sống tại các tỉnh, thành phía Nam có khả năng ca hát, đăng ký tự nguyện. Từ ngày 9 - 15/12, các thí sinh có thể đăng ký thi tuyển trực tiếp tại tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu hoặc qua website, thư điện tử của chương trình kèm theo một file ghi âm giọng hát được thu theo thể loại acapella (không nhạc đệm). Sau đó, Ban giám khảo gồm NSND Trần Hiếu, NSƯT Quốc Hưng, nhạc sĩ Giáng Son... chọn ra 45 thí sinh tiềm năng nhất để bước vào vòng bán kết, 45 thí sinh sẽ biểu diễn một ca khúc tự chọn trước ban giám khảo để thi tài với nhau. Những nghệ sĩ với vai trò “cầm cân nảy mực” sẽ nghe, nhận xét và chấm điểm trực tiếp để chọn ra 15 người xuất sắc vào tranh tài đêm chung kết. Trước khi đến với “trận so găng” cuối cùng vào 23/12 tại sân khấu ca nhạc The V Show (TP.HCM), 15 thí sinh sẽ tập luyện với cố vấn chương trình gồm nhiều nghệ sĩ giỏi chuyên môn để khắc phục những điểm yếu về ca hát cũng như kỹ năng biểu diễn. Cuối cùng, từ phần thể hiện của mỗi thí sinh, hội đồng giám khảo sẽ chấm điểm và chọn ra người có giọng hát tốt nhất để vinh danh, trao giải.
Nhiều người kỳ vọng, khi chương trình Tiếng hát công nhân khép lại, làng nhạc Việt sẽ có thêm các giọng ca đẹp, tài năng như ca sĩ Cẩm Vân, Lê Hành, Ngọc Bích, Ngọc Điệp... vốn xuất thân từ đời sống công nhân và sau này họ trở thành những ca sĩ tên tuổi, được khán giả mến mộ và yêu thích.