Hà Nội

Henriette Bùi Quang Chiêu, nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam

20-02-2018 15:37 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trường ĐH Y Dược TP.HCM hiện tại ở đường Hồng Bàng được xây vào đầu thập niên 60, vậy tại sao năm nay kỷ niệm 70 năm thành lập? Đó là do tiền thân của trường, Y khoa Đại học Đường Saigon, được thành lập vào năm 1947 với trụ sở đầu tiên là một căn biệt thự tại số 28 đường Testard.

Nơi đây vốn là một bảo sanh viện của BS. Henriette Bùi Quang Chiêu (1906 - 2012), nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam, hiến tặng để lập trường. Nay tòa nhà vẫn còn nằm trong khuôn viên Bảo tàng chứng tích chiến tranh, số 28 Võ Văn Tần.

Điều đáng nói, dù đi đâu, làm gì, bà vẫn giữ nguyên tên của cha trong tên của mình Henriette Bùi Quang Chiêu như một lời nhắc nhở về quê cha đất tổ, dòng tộc của mình.

Những chấn động

Tuy nguyên quán ở trong Nam, Henriette Bùi Quang Chiêu sinh ra tại Hà Nội vào ngày 8/9/1906 và lớn lên tại Sài Gòn. Bà là con thứ của Nghị viên Bùi Quang Chiêu, một chính khách có tiếng ở Nam kỳ thời Pháp thuộc. Bà được đưa sang Pháp học vào lúc 15 tuổi, lấy tú tài và vào học Y tại ĐH Y khoa Paris năm 1926. Việc một phụ nữ, lại là một người Việt, vào học Y tại Paris là một sự kiện chấn động. Thời bấy giờ, đại học còn rất ít sinh viên nữ, và ngành y khoa lại càng hiếm hoi hơn. Sau 10 năm “tu luyện” nội trú tại các bệnh viện, bà chọn chuyên ngành sản phụ khoa. Bà trở thành bác sĩ nữ gốc Việt đầu tiên xuất thân từ ĐH Y khoa Paris. Lúc ấy bà vừa tròn 28 tuổi.

Và cuộc đời bà còn gây ra nhiều “chấn động” khác, do cá tính quá mạnh mẽ của bà. Đề tài bà chọn để tốt nghiệp lúc bấy giờ vốn là “Thụ tinh nhân tạo cho người hiếm muộn” nhưng vì quá mới so với thời đó nên bà được các giáo sư khuyên chọn một đề tài khác “cổ điển và an toàn hơn”. Bà đã tốt nghiệp xuất sắc và nhận được huy chương vinh danh của trường vào năm 1934.

Henriette Bùi Quang ChiêuBS. Henriette Bùi chụp tại Bordeaux, Pháp, năm 1923

Sự kiện bà hồi hương năm 1935 là một biến cố quan trọng, làm chấn động dư luận xã hội và truyền thông thời bấy giờ. Bà trở về Việt Nam theo lệnh của song thân để thực hiện một cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối nhất thời bấy giờ, lấy ông Vương Quang Nhường, Tiến sĩ Luật khoa đầu tiên của Việt Nam. Nhưng mối lương duyên nhanh chóng tan vỡ sau 2 năm vì ông không chịu được bà đi làm quá nhiều, bao đêm phải đột xuất ra khỏi nhà để cứu chữa cho người bệnh. Vụ ly hôn này cũng là một sự việc chấn động thời đó. Sau đó, bà tái giá với kỹ sư, đồng thời là bác sĩ Nguyễn Ngọc Bích, người con trai thứ 5 của Đức Giáo tông Hội thánh Cao Đài (Bến Tre) Nguyễn Ngọc Tương. Ông Nguyễn Ngọc Bích từng tốt nghiệp kỹ sư cầu cống từ trường nổi tiếng bậc nhất xứ Pháp “École Polytechnique,” vốn chỉ dành riêng cho sinh viên ưu tú nhất của nước Pháp và thế giới thời ấy. Ông Nguyễn Ngọc Bích thuộc thành phần yêu nước, đáp lời kêu gọi quê hương, gia nhập phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp.

Bác sĩ sản khoa Việt Nam đầu tiên

Nói về bà, Chánh phối sư Thượng Tấn Thanh - Trưởng ban Thường trực Hội thánh Cao Đài (Ban Chính đạo Bến Tre) chia sẻ, khi trở về Việt Nam năm 1935, là một bác sĩ chuyên về sản - nhi, bà nhậm chức Trưởng khoa Hộ sinh cho một bệnh viện sản ở Chợ Lớn, và là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên có trách nhiệm chăm lo hệ thống bệnh viện thuộc địa thời ấy. Với khí khái độc lập, bà bị các y bác sĩ người Pháp gây khó dễ. Cách cư xử của bà biểu hiện quan niệm bình đẳng, bình quyền giữa nam và nữ, cũng như bình quyền chủng tộc giữa người Việt và người Pháp. Trong quá trình làm việc, bà luôn luôn đấu tranh để đòi quyền lợi cho nhân viên người Việt, vốn bị lãnh lương chỉ bằng 1/10 so với bác sĩ người Pháp cùng cấp bất chấp bác sĩ giỏi đến đâu, công việc nhiều đến mức độ nào; hoặc cho bệnh nhân Việt bị phân biệt đối xử (nằm khu riêng, thuốc men không đầy đủ, chỉ để dành thuốc tốt cho bệnh nhân người Pháp). Bà cũng kiên quyết mặc áo dài Việt Nam đi làm, dù các bác sĩ Pháp bắt bà “phải mặc đầm thì mới nhận được sự tôn trọng của họ”. Trong nghề, bà để hết tâm huyết, công sức mở các lớp huấn luyện các bà mụ sản khoa.

Còn trong cuộc sống xã hội, BS Henriette Bùi Quang Chiêu hành xử rất “Tây”. Bà làm những việc gần như không thể chấp nhận được ở một người phụ nữ ngày ấy: bơi lội trong các hồ bơi tập thể, lái xe hơi. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên mua và lái xe hơi tại Sài Gòn thời bấy giờ, thậm chí còn bắt đầu học cả lái máy bay “để có thể bay đi cứu chữa cho các bệnh nhân ở xa”. Một phụ nữ đầy cá tính!

Như trên đã nói, căn biệt thự vốn là một bảo sanh viện, bà đã hiến tặng cho chính phủ để là nơi giảng dạy đầu tiên về y khoa tại Sài Gòn. Sau này, bà sang Nhật học về châm cứu với mong muốn “hỗ trợ những mặt mà Tây y còn yếu”, rồi trở về Pháp. Đến năm 1966, bà gia nhập một tổ chức từ thiện, trước khi tổ chức “Medecins Sans Frontiere” (Bác sĩ không biên giới) được thành lập, tận tụy vì bệnh nhân không phân biệt bạn, thù. Bà về lại Pháp vào năm 1971, mở phòng khám và mất tại Paris năm 2012, thọ 106 tuổi. BS. Henriette Bùi để lại cho hậu thế hình ảnh một bác sĩ mạnh mẽ, suốt đời làm việc không mệt mỏi cho người dân Việt còn nghèo khổ, cho nền y học Việt còn non trẻ. Tro cốt của bà một nửa để lại Pháp, một nửa chôn tại Bến Tre bên cạnh một người mà bà hằng yêu mến tại tòa Thánh Bến Tre.


Hương Cát
Ý kiến của bạn