Hiện thế giới có khoảng 300 triệu người mắc bệnh hen và xu hướng ngày càng gia tăng, 20 vạn người bệnh hen tử vong hằng năm. Ở Việt Nam có 4 - 5% dân số mắc bệnh hen. Biến chứng hen phế quản cấp nặng có thể xảy ra rất cấp, đôi khi trong vòng vài phút. Đó là tình trạng nguy cấp có tiên lượng sinh tử trong thời gian ngắn. Vì vậy, thông tin về bệnh hen phế quản là rất cần thiết giúp phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Người hen phế quản cần tránh xa môi trường có khói thuốc. Ảnh: TM
Hen phế quản là một bệnh lý viêm mạn tính của phế quản trong đó có sự tham gia của nhiều tế bào và nhiều thành phần tế bào; viêm mạn tính gây nên một sự gia tăng phối hợp sự tăng đáp ứng phế quản dẫn đến những đợt tái diễn của ran rít, khó thở, bó sát lồng ngực và ho đặc biệt xảy ra ban đêm hay vào sáng sớm; những đợt này thường phối hợp với sự tắc nghẽn phế quản lan rộng nhưng thay đổi, sự tắc nghẽn này thường có tính hồi phục tự nhiên hay do điều trị.
Thủ phạm gây hen phế quản
Do nhiều yếu tố sau:
Hen phế quản dị ứng không nhiễm khuẩn: Dị ứng nguyên hô hấp thường là bụi nhà, các loại bọ nhà như dermatophagoides pxéronyssimus, bụi chăn đệm, các lông móng các loài gia súc như chó, mèo, chuột, thỏ...; phấn hoa, cây cỏ, hay nghề nghiệp trong các xưởng dệt; Dị ứng nguyên là thuốc aspirine, kháng viêm không steroide, pennicilline; trứng, một số phẩm nhuộm màu và chất giữ thực phẩm.
Hen phế quản dị ứng nhiễm khuẩn: Vi khuẩn thường gặp là Strepxococcus pyogenes, Strepxococcus pneumoniae, Staphylococcus aureus; virut: thường gặp là virut hợp bào hô hấp, Parainfluenza, cúm; nấm: như nấm Cladosporium hay Alternaria, các nấm mốc.
Hen phế quản không do dị ứng: Di truyền: tiền sử gia đình, liên quan đến kháng nguyên hòa hợp tổ chức HLA; Gắng sức: khi gắng sức và nhất là khi ngưng gắng sức; Thời tiết: không khí lạnh; Rối loạn nội tiết: trong thời kỳ trưởng thành, thời kỳ trước kinh nguyệt, lúc mang thai, thời kỳ mãn kinh; Yếu tố tâm lý: tâm trạng lo âu, mâu thuẫn cảm xúc, chấn thương tình cảm, tinh thần.
Cơn hen phế quản điển hình
Giai đoạn khởi phát: Cơn hen phế quản thường xuất hiện đột ngột vào ban đêm, nhất là nửa đêm về sáng; thời gian xuất hiện tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tiếp xúc dị ứng nguyên hô hấp, thức ăn, gắng sức, không khí lạnh, nhiễm virut đường hô hấp trên,... Các tiền triệu như ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, ho từng cơn, bồn chồn... nhưng không phải lúc nào cũng có.
Giai đoạn lên cơn: Cơn khó thở xảy ra, khó thở chậm, khó thở kỳ thở ra xuất hiện nhanh, trong cơn hen lồng ngực bệnh nhân căng ra, các cơ hô hấp phụ nổi rõ, có thể có tím ở đầu tay chân sau đó lan ra mặt và toàn thân. Nhịp thở chậm, tiếng thở rít kéo dài. Đứng xa có thể nghe tiếng rít hay khò khè của bệnh nhân. Nghe phổi có nhiều ran rít và ran ngáy. Cơn khó thở dài hay ngắn tùy theo từng bệnh.
Giai đoạn lui cơn: Sau vài phút hay vài giờ, cơn hen giảm dần, bệnh nhân ho khạc đờm rất khó khăn, đờm đặc quánh, có nhiều hạt nhỏ như hạt trai. Lúc này nghe phổi phát hiện được nhiều ran ẩm, một ít ran ngáy. Khạc đờm nhiều báo hiệu cơn hen đã hết.
Giai đoạn giữa các cơn: Giữa các cơn, các triệu chứng trên không còn. Lúc này khám lâm sàng bình thường. Tuy nhiên, nếu làm một số trắc nghiệm như gắng sức, dùng acétycholine, thì vẫn phát hiện tình trạng tăng phản ứng phế quản.
Chẩn đoán xác định
Tiền sử cá nhân về dị ứng: Như chàm, mày đay, có tiếp xúc với dị ứng nguyên trước đó, tiền sử gia đình về hen, dị ứng hoặc các yếu tố khác như gắng sức, lạnh...; Hội chứng hẹp tiểu phế quản do co thắt: Khó thở chậm, chủ yếu kỳ thở ra, phổi nghe nhiều ran rít, ran ngáy, phim phổi cho thấy hình ảnh khí phế thũng; tính chất cơn khó thở: cơn khó thở có tính chất hồi quy, đáp ứng tốt với thuốc giãn phế quản.
Điều trị có khó?
Mục đích điều trị cơn hen cấp là làm thế nào để các triệu chứng giảm nhanh và cải thiện chức năng hô hấp càng nhanh càng tốt, đồng thời giảm thiểu tối đa tác dụng phụ của thuốc. Đối với hen phế quản cấp nặng là một cấp cứu nội khoa, bắt buộc phải nhập viện gấp vào khoa hồi sức hô hấp. Nếu chẩn đoán là hội chứng đe dọa hen phế quản cấp nặng hay hen phế quản cấp nặng ở nhà thì phải đưa ngay bệnh nhân đến khoa hồi sức bằng xe cấp cứu có trang bị.
Phòng ngừa cơn hen phế quản tái phát cách nào?
Hiện nay, theo Tổ chức Phòng, chống hen toàn cầu (GINA) khuyến cáo nên dùng seretide trong điều trị duy trì kiểm soát cơn hen phế quản và người ta nhận thấy những bệnh nhân hen phế quản được điều trị bằng seretide rất ít bị xảy ra cơn hen phế quản nặng.
Ngoài ra, cần phòng tránh các yếu tố bất lợi của môi trường: tránh các hoạt động thể lực không cần thiết; tránh tiếp xúc bụi, khói nhất là khói thuốc lá và các chất kích thích khác; tránh tiếp xúc với những người bị nhiễm khuẩn hô hấp. Giữ môi trường trong lành.
Khi nào nghĩ đến bệnh hen?
Khi có một hay nhiều hơn trong 8 dấu hiệu sau đây, bệnh nhân nên đi khám chuyên khoa hô hấp, làm hô hấp ký có thử thuốc giãn phế quản để phát hiện sớm bệnh hen:
1. Có những cơn thở rít (nghe như tiếng huýt sáo với âm cao) khi thở ra hay những đợt thở rít khò khè tái đi tái lại.
2. Bị ho kéo dài và ho nặng hơn lúc đêm khuya hay lúc thức dậy.
3. Ðang đêm ngủ bị thức giấc vì ho hay khó thở.
4. Bị ho hay thở rít sau khi vận động thể lực (chạy nhảy, tập thể thao gắng sức).
5. Có vấn đề về hô hấp vào một mùa nào đó trong năm.
6. Bị ho thở rít hay nghe nặng ngực khi hít phải chất kích thích trong không khí (khói thuốc lá, khói nhang, khói than, nước hoa).
7. Bệnh nhân có những đợt cảm lạnh nhập vào phổi phải điều trị hơn 10 ngày mới khỏi.
8. Khi có những triệu chứng hô hấp thì phải dùng thuốc giãn phế quản bệnh.
BS. Phạm Quang Ánh