Gỡ “điểm nóng” cho y tế Gia Lai

25-08-2014 08:26 | Thời sự

SKĐS - Sau nhiều năm được đầu tư từ nhiều nguồn kinh phí, mạng lưới y tế Gia Lai đã phủ kín từ tỉnh đến huyện, xã, góp phần chăm sóc tốt hơn sức khỏe nhân dân.

Sau nhiều năm được đầu tư từ nhiều nguồn kinh phí, mạng lưới y tế Gia Lai đã phủ kín từ tỉnh đến huyện, xã, góp phần chăm sóc tốt hơn sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, qua chuyến đi thực tế kiểm tra hoạt động của một số trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện và các bệnh viện lớn cũng như buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến với lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai về công tác y tế tỉnh này đã cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc đặt ra và đang là trở ngại lớn cần giải quyết...

Nan giải bài toán thiếu nhân lực và cơ sở vật chất

Theo thống kê của ngành y tế Gia Lai, toàn ngành y tế có 4.387 cán bộ, nhân viên; trong đó, bác sĩ 710 người (256 bác sĩ có trình độ sau đại học), bác sĩ công tác tại tuyến xã là 123 người; có 291 dược sĩ (40 dược sĩ đại học); 100% số xã có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; 2.085 nhân viên y tế thôn bản. Tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân là 6,3; tỷ lệ giường bệnh/10.000 dân là 22,0; 75% số xã có bác sĩ, tổng số giường bệnh toàn tỉnh là 3.435 giường; trong đó, tuyến tỉnh có 1.310 giường, tuyến huyện có 1.085 giường, tuyến xã có 1.040 giường. Tuy nhiên, hiện tại nguồn nhân lực của ngành y tế vẫn còn hạn chế so với yêu cầu của hoạt động chăm sóc bảo vệ nâng cao sức khỏe nhân dân; đặc biệt là thiếu bác sĩ, dược sĩ đại học và cán bộ y tế chuyên khoa sâu như: ung bướu, tim mạch, sản nhi... vì thế số lượng bệnh nhân chuyển lên tuyến trên ở các chuyên ngành này còn nhiều. Bác sĩ Mai Xuân Hải - Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết: “Hiện tại tỉnh vẫn còn thiếu 230 bác sĩ, trong đó, tuyến tỉnh 65 bác sĩ, tuyến huyện - xã 165 bác sĩ. Mặc dù tỉnh và ngành có chính sách trong đào tạo, thu hút cán bộ, tuy nhiên số bác sĩ đến với tỉnh còn quá khiêm tốn”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra hoạt động ở Trạm y tế xã Glar, huyện Đăk Đoa.

Bệnh viện đa khoa tỉnh là tuyến điều trị cao nhất tại địa phương được biên chế 720 giường bệnh nhưng thực kê 1.036 giường và luôn trong tình trạng quá tải. Đặc biệt Khoa Sản thường xuyên chịu cảnh 2 sản phụ nằm chung giường. Bệnh viện hiện có 706 cán bộ (189 bác sĩ biên chế), nếu tính cả cán bộ hợp đồng là 1.049 người. Một vấn đề bức xúc nữa của ngành y tế Gia Lai là toàn tỉnh hiện mới chỉ có 101/222 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế theo tiêu chuẩn cũ và mới, chiếm 45,5% (trong đó xã đạt tiêu chí mới là 37 xã). Các trạm y tế cần nâng cấp là 15 và trạm cần sửa chữa là 51. Các trạm y tế đạt Chuẩn quốc gia theo tiêu chí cũ (64 trạm) hầu như đã xuống cấp về cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế. Nghịch lý ở đây là với số lượng người bệnh đến khám chữa bệnh tại trạm ngày càng ít và thực trạng đội ngũ cán bộ y tế ở xã hiện nay còn yếu thì khi trang bị máy siêu âm và máy đo điện tim vào hiệu quả sử dụng sẽ không cao.

Số tử vong mẹ và uốn ván sơ sinh cao nhất nước

Từ đầu năm đến nay, BVĐK tỉnh Gia Lai tiếp nhận điều trị cho 9 trường hợp uốn ván sơ sinh, trong đó có 7 trường hợp tử vong. Hầu hết là những trường hợp do bà mẹ mang thai không được tiêm phòng đầy đủ 2 mũi vaccin uốn ván nên khi con sinh ra bị mắc uốn ván dẫn đến tử vong. Theo thống kê, tình trạng tử vong bà mẹ và trẻ em sau khi sinh tại Gia Lai vẫn ở mức cao nhất nước (từ đầu năm đến nay Gia Lai có 5 bà mẹ tử vong sau khi sinh và tỷ lệ trẻ tử vong sau sinh là 30,6‰). Tỷ lệ số trẻ được tiêm chủng đầy đủ ở Gia Lai hiện còn rất thấp (đầu năm đến nay mới chỉ đạt 34,11%) và tỷ lệ số bà mẹ có thai được tiêm vaccin uốn ván ít nhất 2 mũi còn thấp (đến nay mới đạt 31,7%).

Bên cạnh đó, thống kê tại BVĐK tỉnh cũng cho thấy, tỷ lệ tử vong chung trong điều trị lên đến 1,06% (6 tháng đầu năm có 279 bệnh nhân tử vong). Con số này cao hơn cả nhiều bệnh viện Trung ương. Một điều đáng quan ngại nữa là cũng tại BVĐK tỉnh và trên địa bàn tỉnh nói chung tỷ lệ ca sinh mổ chiếm xấp xỉ 50% tổng số phụ nữ sinh con, đây là con số quá cao theo đánh giá của Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế, đó là chưa nói đến trách nhiệm của bác sĩ khi lạm dụng chỉ định sinh mổ, mà trên hết sẽ không loại trừ nguy cơ xảy ra tai biến hoặc ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em sau sinh, mà chỉ ở chuyên khoa sâu mới giải quyết được.

Gỡ khó cho y tế Gia Lai

Để giải bài toán nan giải cho y tế Gia Lai, trong chuyến công tác của Bộ Y tế với UBND tỉnh Gia Lai vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế phải có đề án phát triển nhân lực của ngành, trong đó tham mưu cho tỉnh có chính sách thu hút nhân lực đủ sức hấp dẫn để về công tác tại địa phương. Bên cạnh đó, ghi nhận qua chuyến đi thực tế tại một số trạm y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng gợi mở tỉnh nên thực hiện cơ chế tăng cường, luân phiên bác sĩ xuống xã có thời hạn từ 10 ngày đến 1 tháng để giải quyết vấn đề thiếu bác sĩ ở xã chứ không nhất thiết là trạm y tế nào cũng có bác sĩ biên chế. Vì thực chất có rất nhiều trạm y tế gần trung tâm huyện mỗi tháng chỉ khám bệnh cho khoảng 100 người; còn phụ nữ mang thai ở các xã này gần như không sinh con tại trạm mà ra trung tâm y tế. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trước mắt nên ưu tiên đầu tư đầy đủ trang thiết bị và nhân lực cho các trạm y tế xã ở xa trung tâm huyện, có đông bệnh nhân đến khám, điều trị. Còn các trạm y tế gần trung tâm, đường sá thuận lợi thì phải tính toán lại. Riêng đối với tình trạng quá tải ở BVĐK tỉnh, việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sớm đưa vào sử dụng Bệnh viện Sản Nhi là giải pháp cần thiết; đồng thời, Bộ Y tế ủng hộ lộ trình xây dựng Khoa Ung bướu và Khoa Tim mạch của bệnh viện đề ra để từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, bên cạnh ưu tiên kinh phí các dự án đầu tư 8 máy siêu âm màu cho 8 trung tâm y tế huyện còn thiếu theo đề xuất của tỉnh, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm thực hiện dự án để trang bị cho BVĐK tỉnh Gia Lai 1 máy chụp MRI. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý, công tác đào tạo chuyên khoa 1 của bệnh viện tỉnh phải chú trọng đến kiến thức, kỹ năng thực hành là chính, để mỗi bác sĩ chuyên khoa tốt nghiệp trở thành cán bộ chuyên môn đầu ngành ở cơ sở y tế. Bộ Y tế ủng hộ bệnh viện tỉnh đăng ký tham gia trong Dự án Bệnh viện vệ tinh và Đề án 1816. Đây cũng là cách để giúp nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho bác sĩ ở tỉnh và giảm chi phí điều trị cho người bệnh, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Về vấn đề tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em sau khi sinh ở Gia Lai ở mức cao nhất cả nước, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu ngành y tế tỉnh Gia Lai cần xem xét lại công tác y tế dự phòng. Bởi, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng ở Gia Lai hiện nay còn rất thấp, trong trường hợp cần thiết, cần phải mở điểm tiêm chủng ngay tại thôn làng, tránh tình trạng ở xa người dân không tới được để tiêm hoặc tuyên truyền không tới nơi...

Bài và ảnh:  Đức Phương

 


Ý kiến của bạn