Giữ gìn môi trường từ thói quen hàng ngày

25-06-2016 11:31 | Xã hội
google news

SKĐS - Hiện nay, vấn đề môi trường sống đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của toàn nhân loại. Trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta đang bị ô nhiễm trầm trọng vì những hoạt động khai thác

Hiện nay, vấn đề môi trường sống đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của toàn nhân loại. Trái đất,  ngôi nhà chung của chúng ta đang bị ô nhiễm trầm trọng vì những hoạt động khai thác, sản xuất với quy mô lớn của thời kỳ hiện đại hóa, công nghiệp hóa... Ô nhiễm môi trường và những tác hại của nó đối với cuộc sống con người ngày càng nặng nề, do đó việc bảo vệ môi trường là nhiệm vụ tất yếu của toàn nhân loại.

Từ “những điều trông thấy”...

Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã từng xem một đoạn video thương tâm về chú rùa tại Costa Rica bị mắc kẹt chiếc ống hút nhựa trong mũi. Hay hình ảnh chú chim nuốt trong bụng mình những mảnh rác do chính con người vứt bỏ. Những vật dụng chỉ dùng một lần làm bằng nhựa (plastic) sẽ nhanh chóng trở thành rác thải. Và vì nhựa rất bền vững trong môi trường nên chúng rất chậm phân hủy theo thời gian. Thói quen sử dụng bừa bãi của con người, đặc biệt là các khách du lịch khiến cho nhựa trở thành thảm họa môi trường.

Cần dạy các em nhỏ có ý thức bảo vệ môi trường.

Bạn hãy thử tưởng tượng một lượng lớn gia súc bị nuôi nhốt ở một không gian hẹp, sẽ thải ra một lượng phân cực kỳ nhiều, tạo thành các hồ chất thải. Chất thải ngấm qua đất đi vào nước ngầm, chảy ra sông. Khi chất thải chảy ra sông, hồ quá nhiều, lượng nitrat và phốtpho trong nước sẽ tăng, lấy hết ôxy trong nước, tạo ra trên sông những điểm gọi là “vùng chết” - nó giết chết mọi thứ, mọi loài dưới nước, hủy hoại nguồn sống. Ngoài xe hơi thì các tập đoàn nông trại gia súc là nhân tố quan trọng gây nên hiệu ứng nhà kính.

Không ít lần tôi được chứng kiến cảnh người thì phát tờ rơi, người thì nhận rồi tiện tay vứt bừa bãi trên đường. Những túi nôn trên xe khách được vứt qua cửa sổ một cách rất tự nhiên, hay câu chuyện nhà ta phải sạch thì rác đương nhiên sẽ được bỏ ra đường hay thả sang nhà hàng xóm. Sự thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp khi họ đặt nặng mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận nên thường bỏ qua hoặc làm cho có lệ các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định. Bên cạnh đó, chính sự chưa chặt chẽ trong việc quản lý bảo vệ môi trường của Nhà nước cũng đã tiếp tay cho các hành vi phá hoại môi trường. Sự thờ ơ vô cảm mà mỗi người vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm. Đừng nói rằng “đây không phải nhà tôi” nên tôi có quyền xả rác ra bất cứ đâu mà tôi muốn “ra đường, ra biển, ra mương, ra sông, hay sang cửa nhà hàng xóm”.

Tệ hại hơn, trên những con đường đẹp của Thủ đô lại vương vãi đầy đất cát do những xe tải chở ra từ các công trình xây dựng hoặc xác súc vật chết như chuột, mèo, thậm chí cả... chó con  được quăng ra đường. Xe cộ chạy qua chạy lại sẽ “xay nhỏ”, biến tất cả thành một thứ bụi vô hình, bay lên không trung và đương nhiên kèm theo vô vàn vi khuẩn gây bệnh, từ đó bầu không khí sẽ bị ô nhiễm.

Đến những hành động đơn giản

Mới đây, nhóm “Keep Hanoi Clean” do anh James Joseph Kendall - một giáo viên dạy tiếng Anh tại Việt Nam tay đeo găng, mặc quần nilon lội xuống mương nước bẩn tại cuối ngõ 381/55/4  phố Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội dọn rác. Bạn nghĩ sao về những hình ảnh đẹp này? Sự thiếu ý thức nghiêm trọng của nhiều người dân khiến họ nghĩ rằng việc vức rác bừa bãi là quá nhỏ bé không đủ để làm hại môi trường. Hoặc cho rằng việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của Nhà nước, của chính quyền, không phải là của mình, và rằng việc môi trường đã bị ô nhiễm thì có làm gì đi chăng nữa cũng không đáng kể, cũng không ảnh hưởng gì tới mình nhiều... Ô nhiễm môi trường nếu chỉ của một người, sự ảnh hưởng nhỏ, nhưng tập hợp nhiều người lại là lớn. Trách nhiệm bảo vệ môi trường đa phần lại là của người dân. Tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang đẩy trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta tới sự diệt vong. Trái đất, dù có tăng kích thước lên cả trăm lần cũng không thể chịu nổi những thứ rác rưởi độc hại đang hàng ngày ngấm dần vào cơ thể nó.

Nếu như mỗi người chỉ ăn chay một ngày mỗi tuần, điều đó sẽ tạo ra thay đổi cực kỳ lớn trên trái đất, thay đổi tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và giúp nhiều con thú không bị giết hại. Nếu ý thức về việc bảo vệ môi trường sống là bài học giá trị nhất mà một đứa trẻ nhận được thì cha mẹ phải là tấm gương sáng trong việc bảo vệ môi trường. Thay vì cho trẻ chơi điện tử, ipad, xem tivi, cha mẹ có thể dạy con nhận ra tầm quan trọng của việc đối xử tốt với động vật, dạy con biết cách trồng cây, hạn chế sử dụng túi nilon, các loại da, lông thú... tiết kiệm điện, nước, biết cách phân loại rác thải... sử dụng các phương tiện công cộng, mỗi hành động của cha mẹ là khuôn mẫu để cho con học tập. Mỗi chúng ta cần ý thức việc bảo vệ môi trường, từ đó mới mong tác động và lan tỏa đến thế hệ sau. Mọi sự giáo dục đều đem về con số 0 khi chính bạn không làm gương cho con trẻ. Và bây giờ, thà muộn còn hơn không, chúng ta hãy bắt đầu từ việc rất nhỏ như một lời kêu gọi được in trên thùng rác đặt nơi công cộng: “Nhả bã kẹo cao su vào giấy ăn thả vào thùng rác, năn nỉ đấy”!.


Nguyễn Phương Thảo (Bệnh viện E Trung ương)
Ý kiến của bạn