Mảng tối và mảng sáng
Nhìn lại nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, chúng ta vẫn thấy sự xuất hiện những phong cách của một số trường phái kiến trúc lớn trên thế giới. Trong giai đoạn sau 75 và trước thời kì mở cửa 1986 là đa số các công trình xây dựng theo trường phái kiến trúc Công năng. Ngoài ra, có một số công trình biệt thự, nhà hàng xây dựng theo phong cách Art Deco có giá trị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Từ sau giai đoạn phát triển kinh tế những năm 1991-2000, trong xây dựng công sở và nhà ở dân dụng, ta thấy xuất hiện xu hướng giả cổ, lặp lại các chi tiết kiến trúc cổ điển Pháp. Theo giới chuyên môn, xu hướng giả cổ này không được đánh giá cao, thậm chí cần phê phán vì lãng phí tiền bạc của nhân dân, sao chép những mẫu đã trở thành quá khứ của nước ngoài, xa rời truyền thống và đánh mất bản sắc kiến trúc dân tộc.
Một xu hướng khác không thể không nhắc đến là xu hướng tìm tòi về nền kiến trúc dân tộc chịu ảnh hưởng của phong cách kiến trúc bản địa. Điều này cho thấy giới kiến trúc sư đã có sự tìm tòi, sáng tạo đáng ghi nhận. Cụ thể, một số kiến trúc sư Việt Nam khi sáng tác kiến trúc đã sử dụng các vật liệu đặc trưng như mây, tre, nứa hoặc các thủ pháp bố trí công trình theo hướng tránh gió bão, kết hợp cây xanh mang tính địa phương cao độ. Một số thành tựu nhất định trong hướng đi này có thể kể ra như Võ Trọng Nghĩa với cà phê Gió và Nước, Hoàng Thúc Hào với nhà văn hóa Suối Rè.
Dẫu sao, nền kiến trúc Việt Nam đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng từ các trào lưu kiến trúc lớn trên thế giới. Trong bối cảnh như vậy, vai trò của các kiến trúc sư Việt Nam mang ý nghĩa quyết định.
Một số kiến trúc sư Việt Nam khi sáng tác kiến trúc, đã sử dụng các vật liệu đặc trưng như mây, tre, nứa hoặc các thủ pháp bố trí công trình theo hướng tránh gió bão, kết hợp cây xanh mang tính địa phương cao độ.
Coi trọng nếp nhà
Mặc dù không được giảng dạy chính thức nhưng phong thủy vẫn là một trong những điều cơ bản quan trọng của kiến trúc tại Việt Nam. Thuật phong thủy nghiên cứu về sự hài hòa giữa con người và môi trường, theo đó, không gian là nơi lưu thông các luồng năng lượng âm - dương. Đây là vấn đề mà quy hoạch - kiến trúc phải đặt ra và giải quyết để khai thác, kiểm soát và tổ chức theo hướng tối ưu nguồn năng lượng tốt và giảm thiểu những tác động có hại. Thuật phong thủy quan tâm đến việc lựa chọn đất đai thuận lợi, cách bố trí sơ đồ quy hoạch một tòa nhà, các khu vực mỹ quan hoặc vị trí cửa ra vào, cửa sổ, cầu thang cũng như vị trí đồ đạc trong nhà… sao cho có lợi nhất đối với người sử dụng. Ngày nay, thuật phong thủy đang có mặt trong mọi lĩnh vực, mọi khía cạnh, mọi không gian và thực sự trở thành “văn hóa nghệ thuật” toàn cầu.
Bên cạnh yếu tố phong thủy, quan niệm về nếp nhà vẫn còn được lưu giữ và việc kế thừa di sản nhà ở luôn được người Việt quan tâm. Trong không gian hạn hẹp của đô thị (mật độ dân cư cao, diện tích đất có giới hạn), loại hình nhà phố đang chiếm ưu thế nhưng nhà ở dạng căn hộ - chung cư sẽ là xu hướng phát triển tất yếu. Do đó, việc khắc phục những tồn tại, bất cập trong nhà ở dạng căn hộ như chất lượng, hình thành ý thức và thói quen của người dân trong việc sử dụng các tiện nghi chung… và khai thác các đặc trưng của nhà phố để thiết kế, tạo lập không gian kiến trúc nội - ngoại thất của căn hộ chung cư, qua đó bố trí sắp xếp vị trí căn hộ phù hợp với nhu cầu của người sử dụng, khai thác tối đa hiệu quả công năng… Điều này sẽ giúp cho người dân đô thị Việt dần hình thành lối sống, nếp nhà phù hợp với điều kiện phát triển đô thị hiện tại.
Suy cho cùng, mỗi kiến trúc sư khi thiết kế, xây dựng căn hộ, nhà ở cần hiểu rõ nếp nhà và quan niệm về tiểu gia đình của người Việt, từ đó lựa chọn giải pháp thiết kế không gian kiến trúc phù hợp với lối sống và bối cảnh kinh tế xã hội Việt Nam hiện đại. Đó cũng là cách giữ gìn bản sắc đặc trưng của dân tộc Việt.