Gặp lại bệnh nhân ghép tế bào gốc đầu tiên sau 7 năm sống khỏe mạnh

25-06-2015 10:19 | Thời sự
google news

SKĐS - Giờ đây sau 7 năm được ghép tế bào gốc đồng loại (người cho tế bào gốc là anh trai ruột của bệnh nhân), anh Lâm Tiến Bình hoàn toàn là một người khỏe mạnh bình thường như bao người khác.

Chúng tôi may mắn gặp lại anh Lâm Tiến Bình, một trong những bệnh nhân đầu tiên được ghép tế bào gốc đồng loại của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cách đây 7 năm về trước.

Nếu gặp anh ở ngoài đời chắc không ai có thể tin được anh đã từng là một bệnh nhân mắc căn bệnh Lơ xê mi kinh (rối loạn sinh tủy) và từng phải nằm điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương trong một thời gian dài. Giờ đây sau 7 năm được ghép tế bào gốc đồng loại (người cho tế bào gốc là anh trai ruột của bệnh nhân), anh Lâm Tiến Bình hoàn toàn là một người khỏe mạnh bình thường như bao người khác.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên chúc mừng anh Lâm Tiến Bình tại buổi lễ công bố 100 ca ghép tế bào gốc đầu tiên của Huyết học - Truyền máu Trung ương (2014).
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên chúc mừng anh Lâm Tiến Bình tại buổi lễ công bố 100 ca ghép tế bào gốc đầu tiên của Huyết học - Truyền máu Trung ương (2014).

Anh Bình cho biết, kể từ sau khi kết thúc ca ghép tế bào gốc tại Viện, anh chỉ phải dùng thuốc thêm 6 tháng sau đó theo chỉ định của bác sĩ. Và kể từ đó đến nay đã gần 7 năm trôi anh vẫn rất khỏe mạnh, sống một cuộc sống hạnh phúc bên gia đình và không phải điều trị thêm bất kỳ một loại thuốc nào.

Anh Bình đang công tác tại tỉnh Lạng Sơn, anh nói mình vô cùng hài lòng với công việc và gia đình nhỏ của mình. Con gái lớn của anh đã học lớp 5 và vợ chồng anh đang có kế hoạch để sinh thêm em bé trong thời gian tới. Nhìn thấy ánh mắt, nụ cười của anh Bình, chúng tôi hiểu được anh đang vô cùng hạnh phúc với cuộc sống hiện tại của mình.

Trước đó, anh biết mình mắc bệnh hồi tháng 8 năm 2008. Sau 3 tháng điều trị, anh được các bác sĩ của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chỉ định ghép tế bào gốc. Với anh, tế bào gốc cũng như phương pháp ghép tế bào gốc lúc bấy giờ là một khái niệm vô cùng mới mẻ và xa vời, thế nhưng được các bác sĩ điều trị tư vấn, động viên nên anh hết sức tin tưởng và đồng ý tiến hành ca ghép tế bào gốc, bởi lẽ theo anh, căn bệnh của mình nếu không tiến hành ghép tế bào gốc thì bệnh sẽ sớm chuyển sang giai đoạn khác còn nguy hiểm hơn nhiều.

Anh Lâm Tiến Bình kiểm tra sức khỏe định kỳ tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương sau 7 năm được ghép tế bào gốc đồng loại

Anh Lâm Tiến Bình kiểm tra sức khỏe định kỳ tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương sau 7 năm được ghép tế bào gốc đồng loại

Trong niềm vui và xúc động khi anh được quay lại thăm chính nơi mà mình đã từng nằm điều trị cách đây 7 năm về trước, anh Bình nói: "Trong cuộc sống, chúng ta luôn coi sức khỏe là tài sản vô giá mà ai cũng mong muốn có được, và khi chẳng may bị bệnh, dù bất cứ bệnh gì người bệnh đều mong muốn được chữa khỏi. Nhưng đối với chúng tôi những người mắc bệnh nan y (bệnh ung thư máu) thì việc biết tin mắc bệnh thôi cũng là điều không phải ai cũng vượt qua được, bởi đồng nghĩa với nó là việc phải đối đầu với cuộc chiến vô cùng khó khăn, khốc liệt cả về thể chất, tinh thần lẫn kinh tế và cơ hội để chữa trị thành công là điều không tưởng.

Tuy nhiên với sự phát triển của khoa học kỹ thuật với trình độ chuyên môn cao và tấm lòng y đức của tập thể y bác sỹ của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã làm lên điều kỳ diệu cho những bệnh nhân như chúng tôi – phép mầu nhiệm đó chính là phương pháp ghép tế bào gốc. Với tôi, sau gần 7 năm (kể từ năm 2008) được tiến hành ca ghép tế bào gốc, đến nay sức khỏe và cuộc sống của tôi đã trở lại bình thường. Cá nhân tôi thầm biết ơn tập thể Ban lãnh đạo Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, chính nơi đây là ngôi nhà đã sinh ra tôi lần thứ hai trên đời này”.

"Cuộc cách mạng" trong điều trị các bệnh máu

Từ năm 2006, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương bắt đầu triển khai phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu và đến giữa năm 2015, Viện đã thực hiện được 159 ca ghép, bao gồm ghép tế bào gốc tự thân và ghép tế bào gốc đồng loại từ người cho cùng huyết thống. Đặc biệt đã có 3 ca Viện tiến hành ghép tế bào gốc đồng loại không cùng huyết thống từ nguồn tế bào gốc máu dây rốn trong cộng đồng, trong đó 1 bệnh nhân đã ra viện và khỏe mạnh bình thường.

Anh Lâm Tiến Bình hiện sống rất khỏe mạnh và hạnh phúc.

Anh Lâm Tiến Bình hiện sống rất khỏe mạnh và hạnh phúc.

Có thể nói, ghép tế bào gốc tạo máu chữa các bệnh máu ác tính đang mở ra một kỷ nguyên mới đầy hy vọng cho người bệnh, đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác điều trị bệnh máu nói riêng và nhiều bệnh nan y khác.

Theo TS. Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng, Giám đốc Trung tâm tế bào gốc: "Hiện nay, chi phí cho mỗi hình thức ghép khác nhau, đối với ghép tế bào gốc tự thân mỗi ca ghép có tổng chi phí 200 triệu đồng, trừ chi phí bảo hiểm chia trả thì người bệnh phải tri trả khoảng 100 triệu đồng. Đối với ghép tế bào gốc đồng loại tổng chi phí khoảng 600 triệu đồng, người bệnh phải trả 200 đến 300 triệu đồng. Nhiều bệnh nhân từng điều trị ở Singapore nhưng chi phí quá đắt lại về Việt Nam thực hiện ghép tế bào gốc. Trong khi đó, kỹ thuật của Việt Nam không thua kém gì nước bạn".

Ghép tế bào gốc hiện nay đang thực sự trở thành “một cuộc cách mạng” trong điều trị các bệnh máu nói riêng và nhiều bệnh lý khác nói chung, với kỹ thuật mới này hi vọng sẽ có nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo có cơ hội được cứu sống.

Vương Tuấn

 

 


Ý kiến của bạn