TS Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, từ ngày 28/4 đến ngày 6/5, có khoảng 139 mẫu hải sản tươi sống, mẫu nước sử dụng và rau ăn tại các khu vực có hiện tượng cá chết thuộc 4 tỉnh miền trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế đã được xét nghiệm.
Các mẫu xét nghiệm này do Cục An toàn thực phẩm phối hợp với Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cử các đoàn trực tiếp đi lấy mẫu và xét nghiệm.
Trong số 139 mẫu đã xét nghiệm có 97 mẫu hải sản tươi sống, đều đạt chỉ số an toàn, 42 mẫu còn lại là các mẫu rau và nước sử dụng cũng đều nằm trong ngưỡng cho phép. Trong số các mẫu hải sản tươi sống được lấy xét nghiệm, hầu hết là hải sản đánh bắt xa bờ.
Ông Nguyễn Hùng Long cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ khi sự cố này xảy ra, Bộ Y tế đã cho thành lập 4 tổ công tác thường trực thuộc 4 tỉnh miền trung có xảy ra vụ việc gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, để kiểm tra các hoạt động giám sát việc sử dụng thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt là hải sản, nhằm ngăn ngừa việc sử dụng, kinh doanh hải sản chết không rõ nguyên nhân.
Cơ quan chức năng thường xuyên lấy mẫu hải sản ở các tỉnh miền trung để xét nghiệm Ảnh internet
Cũng theo ông Nguyễn Hùng Long, ngoài việc kiểm soát tại nguồn do Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm, hiện, mỗi ngày, chúng tôi vẫn lấy các mẫu thủy hải sản tươi sống 2 lần vào các thời điểm sáng và chiều, rồi gửi ra Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia để xét nghiệm xác định độc tố.
Kết quả xét nghiệm sẽ có ngay trong ngày hôm sau để kịp thời tuyên truyền cho người dân trong việc sử dụng thực phẩm, đồng thời báo cáo Chính phủ cùng các Bộ: Khoa học và công nghệ, Tài nguyên và môi trường, NN&PTNT
“Bên cạnh việc ngăn chặn tiêu thụ cá kém chất lượng, Bộ Công Thương còn chủ động kiểm soát giá cả hàng hoá khác trước tình trạng giá thủy, hải sản giảm, nhằm mục tiêu đảm bảo cuộc sống và quyền lợi cho người dân”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.