Em bé nhỏ tuổi nhất được giữ lạnh và hy vọng hồi sinh

13-11-2015 14:00 | Đời sống
google news

SKĐS - Giữ lạnh các bộ phận hoặc thi thể con người từ lâu đã không chỉ là phương pháp phục vụ mục đích nghiên cứu của giới khoa học.

Giữ lạnh các bộ phận hoặc thi thể con người từ lâu đã không chỉ là phương pháp phục vụ mục đích nghiên cứu của giới khoa học. Để tiến hành các ca phẫu thuật cấy ghép phức tạp trong y học, đây là biện pháp duy nhất nhằm giữ cho các bộ phận không bị phân hủy và vẫn còn hữu dụng khi tách rời khỏi cơ thể sống. Từ những nghiên cứu về việc giữ lạnh cơ thể người, các nhà khoa học đã tin rằng đây sẽ là bước mở đầu cho việc hồi sinh người đã chết.

Hy vọng được hồi sinh

Trên thế giới, các nhà khoa học tại một số quốc gia có nền y học phát triển đã tiến hành việc giữ lạnh toàn bộ thi thể người sau khi chết. Mục đích của việc làm này không chỉ là để giữ nguyên trạng thái của người đó tại thời điểm cuộc sống bị dừng lại do bệnh tật, hay tai nạn, mà còn nhằm mục đích bảo quản thi thể, chờ đến khi khoa học phát triển đủ khả năng để hồi sinh lại người chết.

Em bé nhỏ tuổi nhất được giữ lạnh và hy vọng hồi sinh

Bé Matheryn bên cha những ngày tại Bệnh viện Bangkok.

Ý tưởng khoa học đó đã được giới khoa học khẳng định sau thành công của các cuộc thử nghiệm cứu sống trở lại một số trường hợp hy hữu nạn nhân của các trận lở tuyết đã bị chết cóng. Mặc dù đây vẫn còn là vấn đề rất mới mẻ đối với khoa học và sẽ cần không ít thời gian để khoa học có thể phát triển đến mức biến việc hồi sinh một người chết sống lại thành sự thực. Song, trên thế giới đã có những niềm tin vào điều kỳ diệu mà khoa học sẽ mang lại. Việc người thân trong gia đình một bé gái quyết định nhờ đến sự can thiệp của các biện pháp khoa học hiện đại nhằm giữ lạnh thi thể của con gái sau khi qua đời chờ đến ngày y học phát triển để hồi sinh hẳn là điều gây chấn động giới y học thế giới trong năm 2015.

Đầu năm 2015, bé gái 2 tuổi - Matheryn Naovaratpong đã trở thành em bé đầu tiên trên thế giới sau khi chết được giữ lạnh theo phương pháp khoa học hiện đại. Với hi vọng sự phát triển của y học sẽ có thể mang sự sống trở lại cho con gái mình vào một ngày nào đó, bố mẹ của Matheryn Naovaratpong đã quyết định liên hệ tới các tổ chức y tế trên khắp thế giới với mục đích tìm kiếm sự hỗ trợ của các tổ chức này trong việc giữ lạnh từng bộ phận thi thể cô con gái bé nhỏ của họ.

“Giống như các nhà khoa học, chúng tôi tin chắc 100% rằng điều kỳ diệu sẽ xảy ra vào một ngày nào đó, chúng tôi chỉ không biết là sẽ đến khi nào, có thể là 400 đến 500 năm, song chúng tôi mong trong vòng 30 năm tới, khoa học sẽ làm nên điều kỳ diệu”, ông Shahatorn Naovaratpong - bố của bé Matheryn nói về niềm tin và hi vọng của vợ chồng họ về việc y học hiện đại có thể mang lại sự hồi sinh cho đứa con bé bỏng của họ.

Công nghệ giữ lạnh

Gia đình Naovaratpong đã chọn Alcor - một tổ chức phi lợi nhuận tại bang Arizona (Mỹ) là đơn vị thực hiện sứ mệnh quan trọng sau khi con gái Matheryn của họ qua đời. Các nhà khoa học của Alcor đã tiến hành bảo quản tách biệt não của bé Matheryn và vận chuyển tới Mỹ để giữ lạnh ở nhiệt độ -1960C trong khu vực nghiên cứu và phòng giữ lạnh đặc biệt. Ngay khi bé Matheryn trút hơi thở cuối cùng, thi thể bé được chuyển tới bệnh viện để tiến hành việc đông lạnh cơ thể. Toàn bộ nước và chất lỏng trong cơ thể được đưa ra khỏi cơ thể và thay vào đó là các phân tử dạng chống đóng băng với chức năng cho phép thi thể chìm vào độ lạnh sâu (-1200C) mà không gây ra tình trạng hoại tử hay hủy hoại các mô tế bào bởi tác động của nhiệt độ lạnh.

Tổ chức Alcor đã tiến hành phương pháp đông lạnh thi thể của hơn 100 bệnh nhân, trong đó bé Matheryn là bệnh nhân thứ 134 và là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất trên thế giới trải qua phương pháp này. Phần não - bộ phận quan trọng nhất được bảo quản trong thiết bị đặc biệt đặt tại trụ sở của Trung tâm Nghiên cứu Alcor ở Mỹ, trong khi đó, phần thân thể của bé Matheryn sau khi được tiến hành phương pháp đông lạnh để giữ cơ thể ở -1960C, thi thể được bảo quản trong nitrogen hóa lỏng tại Trung tâm Nghiên cứu ung thư Thái Lan.

Cũng theo các nhà khoa học của Alcor - Mỹ: cái chết thực sự chỉ xảy ra khi cơ thể bị chết ngừng hoàn toàn mọi hoạt động và các hóa chất bắt đầu bị phân hủy tới mức mà các biện pháp khoa học cũng như các công nghệ của y học hiện đại không thể tái tạo hoặc khôi phục lại chúng. Trong trường hợp này, các thi thể được bảo quản được xem ở trạng thái cuộc sống nhân tạo, với máu được thay thế bởi chất bảo quản. Và vẫn đang ở trong tình trạng chờ để được khôi phục lại hoạt động bất kỳ lúc nào.

Lê Huy

(Theo bbc news, 10/2015)

 


Ý kiến của bạn