Dùng thuốc gì để chữa táo bón cho trẻ?

12-06-2020 10:24 | Thông tin dược học

SKĐS - Con gái tôi năm nay 10 tuổi. Từ bé cháu thường xuyên bị táo bón. Xin hỏi bác sĩ tôi có thể dùng thuốc gì cho cháu khỏi táo bón? Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Nguyễn Lệ Nga (Bắc Giang)

Táo bón là sự giảm tần suất đi ngoài bình thường kèm theo khó đi và đau, phân thì rắn và quá to. Con chị đã 10 tuổi nếu trên 3 ngày mới đi một lần được cho là táo bón.

Để điều trị thì phải dựa vào nguyên nhân gây táo bón. Nguyên nhân thực thể như ở đại- trực tràng, thần kinh và một số bệnh lý toàn thân. Tất cả chỉ chiếm dưới 10% trong tổng thể các nguyên nhân gây táo bón ở trẻ em và cần được phân loại sớm, để có những biện pháp điều trị đặc hiệu tại bệnh viện, phòng tránh những biến chứng nặng nề như bệnh phình to đại tràng hay bệnh suy giáp trạng, bệnh viêm màng não …

Nguyên nhân chức năng gây táo bón ở trẻ hay gặp nhất, chiếm khoảng 90- 95% có thể khám theo dõi và điều trị ngoại trú được. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng này như: Chức năng ống tiêu hóa chưa hoàn thiện đó là việc hấp thu nước và điện giải ở ruột cuối cũng như động tác co bóp đẩy tống phân ra ngoài chưa ổn định ở trẻ em. Thứ hai là yếu tố tâm lý – giáo dục. Thứ ba là yếu tố dinh dưỡng: Trước khi nghĩ đến các nguyên nhân khác thì người mẹ cần xem lại chế độ cho dinh dưỡng của con mình đã đầy đủ và hợp lý chưa để điều chỉnh cho phù hợp như cho ăn quá nhiều chất đạm, ít chất xơ và quả chín, pha sữa quá đặc không đủ nước hoặc ăn chưa đủ nhu cầu hàng ngày …

Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau quả để tránh táo bón.

Trong điều trị táo bón chức năng, các thuốc thường dùng để điều trị duy trì là thuốc nhuận tràng thẩm thấu như lactulose hay sorbitol chia làm 2 lần/ngày. Thuốc nhuận tràng kích thích như bisacodyl chia làm 1-2 lần/ngày. Lưu ý cần dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Sau khi điều trị duy trì đạt được thành công, tức trẻ đi ngoài hơn hoặc bằng 3 lần/tuần, thì việc điều trị phải được duy trì ít nhất 6 tháng (một số trẻ thậm chí cần thời gian nhiều hơn) và sau đó giảm liều chậm. Không ngừng thuốc đột ngột.

Ngoài ra, mẹ cần chú ý: Cung cấp đủ nhu cầu nước hàng ngày cho trẻ. Cung cấp đủ thức ăn theo nhu cầu, chú ý thức ăn giàu chất xơ, vitamin và muối khoáng (rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên cám …). Cần khuyến khích trẻ đi ngoài hàng ngày vào khoảng thời gian cố định. Chú ý cho trẻ chạm chân lên một mặt phẳng khi ngồi đi ngoài. Không hối thúc trẻ.

Tốt nhất chị nên đưa con đến khám tại các chuyên khoa tiêu hóa nhi để tìm nguyên nhân và điều trị triệt để vì như thư chị nói con chị đã bị táo bón lâu rồi nên càng cần đi khám để tìm đúng nguyên nhân. Chúc chị thành công!


BS.Phạm Thị Thục
Ý kiến của bạn