Dung dị nghề “tạo gió”

11-12-2016 14:00 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Với cội nguồn bắt đầu từ làng quê sau lũy tre xanh, những chiếc quạt giấy đơn giản và dung dị luôn xuất hiện trong danh sách lịch sử nghệ thuật Việt Nam.

Với cội nguồn bắt đầu từ làng quê sau lũy tre xanh, những chiếc quạt giấy đơn giản và dung dị luôn xuất hiện trong danh sách lịch sử nghệ thuật Việt Nam. Không chỉ làm mát, làm quà tặng, trang trí mà quạt giấy còn là một phương tiện quảng bá mang lại hiệu quả cao cho nhiều doanh nghiệp lớn.

Nghề không phụ người

Cùng với nghề chằm nón truyền thống, mộc mỹ nghệ..., nghề làm quạt giấy thư pháp đang dần trở thành thương hiệu sản phẩm lưu niệm tại xã Thủy Thanh - thị xã Hương Thủy, giải quyết được việc làm cho lao động địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân nơi đây. Làm quạt giấy lưu niệm khác với làm quạt giấy thông thường, đòi hỏi người thợ phải tinh tế hơn, nghệ thuật hơn. Từ khâu chọn tre, pha mực đến chữ thư pháp trên quạt đều phải được lựa chọn, tính toán cẩn thận.

Cách Hương Thủy không xa, người xóm Chùa (đường Chi Lăng, phường Phú Hậu, TP. Huế) lúc nào cũng tất bật với công việc. Nghề làm quạt giấy ở Huế tưởng chừng như đã mai một và chỉ còn là kỷ niệm của người dân cố đô, thế nhưng, thời gian gần đây, ngôi làng làm quạt giữa trung tâm thành phố này lại nhộp nhịp hẳn lên bởi những đơn đặt hàng mua quạt giấy dồn về liên tục. Và như một lẽ tự nhiên, khi nhu cầu trở nên bức thiết, nhiều người đã bỏ nghề đang làm để quay về làm nghề truyền thống này.

Tương tự, Phương Ngạn - ngôi làng cổ của vùng đồng bằng vựa lúa Triệu Phong - tỉnh Quảng Trị. Làm quạt giấy là một nghề thủ công nổi tiếng ở Phương Ngạn và chính nghề này đã gắn bó với đời sống người dân nơi đây từ thế hệ này qua thế hệ khác và tồn tại mãi cho đến hôm nay. Thực tế đang chứng minh, nghề nghiệp không phụ lòng người, những chiếc quạt giấy được đổi lấy bát cơm tấm áo đang mang lại cuộc sống giản dị nhưng đủ đầy cho người làm ra nó.Những chiếc quạt giấy

Những chiếc quạt giấy đầy màu sắc văn hóa vẫn hiện diện trong đời sống hiện đại.

Thấp thoáng nguồn vui không ngừng cải tiến kỹ thuật

Dưới chân núi chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất, Hà Nội) có làng Chàng Sơn làm quạt giấy, quạt lụa, những sản phẩm bình dị nhưng đầy ắp hồn quê... Ở Chàng Sơn, người ta làm ra được nhiều loại quạt phục vụ cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Từ những quạt giấy bình thường, quạt biểu diễn đến những loại quạt tinh xảo hơn như quạt thư pháp, quạt trang trí có giá cả trăm triệu đồng. Nhưng tất cả đều được sản xuất công phu, tỉ mỉ từng công đoạn. Riêng đối với quạt trang trí thì còn một công đoạn vô cùng quan trọng là vẽ tranh, viết chữ. Những người có thể làm được loại quạt này ở Chàng Sơn không nhiều bởi muốn có một sản phẩm đẹp phải có hoa tay, sự nhiệt huyết và tâm hồn nghệ sĩ.

Giống như Chàng Sơn, Làng Vác, Kẻ Vác hay Canh Hoạch, xã Dân Hòa, Thanh Oai, là một làng quê có nhiều nghề thủ công truyền thống, trong đó nổi tiếng nhất là nghề làm quạt giấy. Quạt Vác bắt đầu xuất hiện từ nửa cuối thế kỷ 19.

Quạt Vác vốn bền đẹp, khi quạt có nhiều gió. Nan cứng không mọt, được phất bằng nước cậy tốt, dính, nhẹ, lại được phất bằng giấy dó thủ công rất mịn và dai nên xưa nay được nhiều người ưa thích. Trước kia, muốn làm quạt phải có một cái nan mẫu làm khuôn, ở đầu khuôn phải đóng sẵn một cái đinh con. Rồi khi làm theo, tất cả các nan đều phải đặt lên khuôn và làm đúng như vậy. Việc khoan lỗ cũng phải khoan riêng, mà lại xiên lỗ hai, ba nan một, sau mới chắp vào thành một cái quạt. Cách này rất đơn giản nhưng năng suất lại thấp. Về sau kỹ thuật làm quạt Vác nhiều lần cải tiến và trở nên tinh xảo, năng suất cao hơn nhiều.

Tiêu chuẩn để có một chiếc quạt đẹp, bền, có hồn, đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong đó, yếu tố đầu tiên chính là nguyên liệu đặc trưng cần và đủ cho một chiếc quạt là những thanh tre tạo dáng cho chiếc quạt ít bị mối mọt; giấy dó phải là giấy dó Bắc Ninh vì nó có độ bền cao và dai.

Dẫu vậy, một trong những khó khăn mà người làm nghề “tạo gió” đang gặp phải là đầu ra của sản phẩm, hầu hết sản phẩm làm ra hiện nay chỉ mới tiêu thụ ở trong tỉnh, nhập cho các quầy lưu niệm nhưng số lượng chưa nhiều. Ước muốn của người làm nghề hiện nay là được sự hỗ trợ của địa phương về vốn để mở rộng sản xuất, thông qua các kênh như hội nông dân, hội phụ nữ để phát triển và mở rộng làng nghề. Đồng thời kết hợp với những công ty du lịch mang sản phẩm của địa phương đến các tỉnh bạn, mở rộng thị trường tiêu thụ...


Nam Phương
Ý kiến của bạn