Có lẽ không ít người biết rằng, khi khám, kê đơn thuốc cho người bệnh, bác sĩ phải đắn đo, cân nhắc rất nhiều nếu phải kê từ hai loại thuốc trở lên. Bởi vì bác sĩ phải chắc chắn rằng hai, ba hoặc bốn thuốc ấy phải hỗ trợ cho nhau chứ không phải triệt tiêu làm mất tác dụng của nhau... đồng thời phải điều chỉnh liều lượng thuốc so với liều dùng đơn độc sao cho phù hợp.
Phối hợp thuốc là do bác sĩ chỉ định
Mới đây, có bạn đọc đã gửi thư hỏi băn khoăn về việc dùng đồng thời hai thuốc trở lên có bị ảnh hưởng giữa các thuốc với nhau hay không? Thư thứ nhất: “Em có xem một toa thuốc của một bác sĩ khoa nhi ở tuyến tỉnh điều trị viêm phổi cho trẻ 12 tuổi. Bác sĩ kê đơn dùng terpin codein, solmux broncho. Bác sĩ nói sử dụng phối hợp như vậy có hiệu quả hơn sử dụng riêng lẻ một thuốc. Điều này có đúng không?”. Và thư thứ hai: “Một đơn thuốc bác sĩ ghi nhiều thuốc phải chăng luôn có vấn đề tương tác thuốc? Cụ thể, đơn thuốc bác sĩ ghi 3 loại thuốc dùng cùng lúc “haloperidol amitryptilin myolastan” có nhằm đưa đến tác dụng tương tác thuốc hiệp đồng hay không?”.
Người bệnh không tự ý dùng nhiều thuốc cùng lúc. |
Trường hợp đơn thuốc thứ nhất hỏi dùng điều trị viêm phổi cho trẻ 12 tuổi (nếu đúng là viêm phổi, chắc chắn bác sĩ phải chỉ định kháng sinh mà có lẽ bạn đọc không nêu ra đây), bác sĩ kê toa terpin codein và solmux broncho. Hai thuốc này thuộc loại không có tương tác thuốc nhưng các thuốc vẫn có sự liên hệ, bổ sung cho nhau trong điều trị. Terpin codein chứa terpin là thuốc long đờm tức làm loãng đàm và codein là thuốc trị ho thuộc loại opioid (terpin codein là thuốc trị ho do chứa codein nên dùng ở người lớn nhưng trẻ 12 tuổi dùng được). Solmux broncho ở đây là hỗn dịch dùng cho trẻ chứa salbutamol (thuốc giãn phế quản) và carbocystein (thuốc làm loãng đờm). Sự phối hợp hai thuốc này dùng trị ho do co thắt phế quản, do hen hoặc viêm phế quản. Như vậy, hai thuốc chứa 4 dược chất vừa kể không làm thay đổi tác dụng lẫn nhau để gây ra tương tác thuốc nhưng sự phối hợp giúp trị được nhiều triệu chứng của rối loạn thuộc hệ hô hấp gây ho. Vì vậy, trên lâm sàng bác sĩ sử dụng phối hợp như vậy nhằm có hiệu quả hơn khi sử dụng một thuốc.
Trường hợp đơn thuốc thứ hai ghi 3 loại thuốc dùng cùng lúc “haloperidol amitryptilin myolastan” mà bạn đọc hỏi cũng thuộc loại không có tương tác thuốc. Haloperidol là thuốc trị rối loạn tâm thần bao gồm cả tâm thần phân liệt. Amitryptylin là thuốc trị rối loạn trầm cảm còn myolastan (tetrazepam) là thuốc an thần thuộc nhóm benzodiazepin thường được dùng giãn cơ nhưng trong trường hợp này có thể trị mất ngủ. Như vậy, đơn thuốc vừa kể dùng điều trị rối loạn đặc biệt mà biểu hiện của rối loạn này là trầm cảm, bị mất ngủ, kể cả các triệu chứng của bệnh loạn thần nói chung. Như vậy, ba thuốc không làm thay đổi tác dụng lẫn nhau để gây ra tương tác thuốc nhưng sự phối hợp giúp trị được nhiều triệu chứng của rối loạn thuộc hệ thần kinh.
Một trường hợp khác chỉ định cho bệnh nhân bị bệnh tăng huyết áp bác sĩ kê đơn uống cùng lúc 3 loại thuốc: “bisoprolol diltiazem hydroclorothiazid”. Trong đơn thuốc này, bác sĩ đã tận dụng tương tác thuốc có lợi, phối hợp 3 loại thuốc chẹn bêta, đối kháng calci và lợi tiểu để giảm liều dùng của từng thuốc nhưng lại có tác dụng hạ huyết áp tốt hơn.
Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ thuốc đang dùng
Trong một đơn thuốc, bác sĩ thường kê từ hai, ba thuốc trở lên để chữa cho người bệnh vì lý do bệnh nặng hoặc là bị nhiều loại bệnh, bắt buộc bác sĩ cho phối hợp nhiều thuốc để đủ sức hạ gục cơn bệnh. Nhưng khi chỉ định hai thuốc trở lên cho người bệnh, thầy thuốc bắt đầu phải suy tư, có sự cân nhắc thật kỹ, bởi vì phải đối phó với vấn đề có khi làm đau đầu giới chuyên môn là “tương tác thuốc”.
Mục đích của thầy thuốc khi chỉ định phối hợp nhiều loại thuốc là nhằm khai thác đặc điểm tương tác thuốc có lợi, tức là các thuốc phối hợp là đồng minh, làm tăng hiệu quả điều trị và giảm tác dụng phụ của thuốc với nhau. Nhưng nhiều khi do không hướng dẫn kỹ cách dùng thuốc hoặc có nhầm lẫn mà khi phối hợp thuốc vô tình tạo cảnh “hổ và cừu được nhốt chung trong một chuồng” là kẻ thù với nhau gây ra những bất lợi. Đó là hai thuốc dùng chung bằng đường uống, thuốc này cản trở sự hấp thu của thuốc kia làm lượng thuốc hấp thu bị giảm trầm trọng, không cho tác dụng điều trị hiệu quả. Ví dụ, thuốc kháng acid chữa loét dạ dày chứa Al (nhôm), Mg (magiê) như maalox, kremil-S... hoặc thuốc chứa than hoạt, kaolin trị tiêu chảy nếu dùng cùng thuốc trị tăng huyết áp, đái tháo đường sẽ cản trở hấp thu vào máu của thuốc, làm thuốc sau mất tác dụng. Vì vậy, khi phải dùng các thuốc này chung với nhau phải hướng dẫn kỹ bệnh nhân uống hai thuốc cách xa nhau ít nhất hai giờ.
Tuy nhiên, không phải tất cả các đơn thuốc ghi từ hai, ba thuốc trở lên đều nhằm phát huy tương tác thuốc. Trường hợp thường gặp là do người bệnh mắc nhiều bệnh cùng lúc và bác sĩ ghi đơn nhiều thuốc nhằm trị nhiều bệnh đó. Như người bệnh bị cùng lúc bệnh viêm xương khớp, nhức đầu, ho, mất ngủ, bác sĩ sẽ ghi ít nhất là 4 loại thuốc và các loại thuốc này có thể chẳng có gì tương tác thuốc với nhau.
Riêng với người dùng thuốc không nên tự ý dùng nhiều thuốc một lúc mà chưa rõ có tương tác thuốc bất lợi hay không. Khi đi khám hoặc tái khám người bệnh cần phải báo cho bác sĩ biết đã và đang dùng thuốc nào, thậm chí có dùng thuốc Đông y hay thực phẩm chức năng hay không. Được thông báo, bác sĩ sẽ cân nhắc trong chỉ định thuốc sẽ cho dùng thuốc phù hợp, an toàn, tránh những tương tác bất lợi do thuốc gây ra. Vì thuốc Tây y, Đông y, thực phẩm chức năng đều có thể gây tương tác bất lợi với thuốc mà bác sĩ sẽ cho dùng trong điều trị.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức