Sạm da tuy không nguy hiểm nhưng làm ảnh hưởng tới yếu tố thẩm mỹ, nhất là với phụ nữ. Chính các đám da sậm màu bất thường trên khuôn mặt là nỗi ám ảnh lớn nhất của họ. Nó khiến họ trở nên già trước tuổi, kém tươi mát, không còn tự tin trong cuộc sống...
Bình thường, chỗ da trên cơ thể có ánh sáng mặt trời chiếu vào nhiều sẽ sẫm màu một cách đồng đều. Trong chứng sạm da có sự xuất hiện những nốt hay mảng màu sẫm hơn xung quanh. Đó là tình trạng tăng nhiễm sắc tố. Sự khác nhau về màu da ở con người liên quan đến số lượng melanin, oxyhemoglobin, hemoglobin khử và caroten. Melanin là sắc tố chủ yếu tạo nên màu da, tóc và mắt. Nó cũng là lá chắn làm giảm tác hại của tia cực tím đối với da, ngăn ngừa các phản ứng viêm da do ánh nắng. Sạm da có thể toàn thân hay khu trú. Da có thể nhẵn hay xù xì, lan tỏa hay từng mảng, có màu nâu vàng (nám da), cà phê sữa hay đen, kèm ngứa hay có triệu chứng của các bệnh khác.
Bí quyết giảm tàn nhang
Trong số 3 nguyên nhân khiến da mặt bị sạm thì tàn nhang xếp vị trí hàng đầu. Tàn nhang là những vết sắc tố nhỏ màu nâu sáng hoặc nâu sẫm, hình tròn to bằng đầu đinh ghim, nằm riêng lẻ hoặc liên kết với nhau, bờ rõ, không đều, vị trí chủ yếu khu trú ở hai bên mũi và má. Những người da trắng, mỏng, mịn dễ bị tàn nhang hơn so với những người da sẫm màu, không kể tuổi tác. Cho đến nay người ta vẫn chưa tìm được nguyên nhân dẫn đến tàn nhang, chỉ biết rằng, tàn nhang có tính di truyền, không ảnh hưởng đến sức khỏe và vào mùa hè số lượng, cường độ của vết tàn nhang tăng lên rõ rệt.
Có thể dùng nước ép cà rốt rửa mặt trước khi đi ngủ để chữa tàn nhang, giúp da trắng hơn
Muốn giảm bớt tàn nhang, chỉ có cách là tránh để da tiếp xúc trực tiếp với tia nắng mặt trời, ăn nhiều trái cây và có thể áp dụng phương pháp sau: cà rốt tươi giã nát, ép lấy nước cốt; buổi tối trước khi đi ngủ, rửa sạch vùng da có tàn nhang, lấy nước ép cà rốt bôi đều lên; chờ cho khô rồi dùng khăn tay tẩm dầu thực vật xát nhẹ lên; sáng dậy rửa sạch mặt bằng nước ấm.
Cách đối phó với nám da
Nám da đứng ở vị trí số 2, thường gặp nhất ở phụ nữ trung niên, phụ nữ có thai (bắt đầu từ tháng thứ hai, thường sẽ hết sau khi sinh, tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp các vết nám này sẽ vĩnh viễn nằm trên mặt). Các vết nám da rất dễ nhận biết, đó là những vết thâm màu hơi vàng hoặc hơi nâu, có giới hạn rõ ràng, kích thước không nhất định, thường khu trú ở mặt, trán, má... và đối xứng qua hai bên mặt.
Nguyên nhân gây nám da có rất nhiều, đó là do thay đổi nội tiết tố (mang thai, mãn kinh...), mắc các bệnh phụ khoa mạn tính như viêm tử cung, viêm phần phụ, các bệnh về gan, giun sán, sốt rét... Đối với các trường hợp không sạm da do thay đổi nội tiết tố, thì khi các tuyến nội tiết ổn định bệnh sẽ hết. Còn nếu sạm da do nguyên nhân bệnh lý, cần phải điều trị dứt điểm căn bệnh đó rồi mới nghĩ đến điều trị sạm da.
Sạm da do nhiễm độc hóa chất
Nguyên nhân thứ 3, ít gặp hơn, nhưng lại có hại cho sức khỏe chính là sạm da nhiễm độc hóa chất. Các chất có thể gây độc rất đa dạng, từ phụ gia thực phẩm, các chất tẩy rửa, thuốc trị bệnh, đến dầu mỡ, than đá, chất màu tiếp xúc trong công nghiệp. Các chất đó thấm qua da hoặc vào cơ thể qua đường tiêu hóa, hô hấp làm tăng cảm ứng da đối với ánh sáng ở phần da hở khiến da vùng đó càng ngày càng sạm, có thể kèm theo giãn và teo da nhẹ, da hình lưới. Khi bị sạm da do nhiễm độc hóa chất bạn sẽ thấy cơ thể mệt mỏi, ăn không ngon, nhức đầu, thị lực giảm... Nếu đã xác định nguyên nhân gây sạm da là do bị nhiễm độc hóa chất, cần hạn chế tối đa sự tiếp xúc với các hóa chất, sau đó sẽ tìm phương pháp điều trị các thương tổn bên ngoài.
Điều trị việc sạm da không đơn giản, thường mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, vì vậy người bệnh cần kiên trì, chịu khó. Nhưng quan trọng nhất là tìm được đúng nguyên nhân gây bệnh, điều trị đúng phác đồ. Tốt nhất là người bệnh nên khám chuyên khoa da liễu tại các bệnh viện hoặc các trung tâm y tế có uy tín. Đừng làm theo những bài thuốc truyền miệng, kẻo tiền thì mất mà các vết nám trên da ngày càng rộng và sậm màu hơn.
BS. Vũ Mai Khanh