Hà Nội

Đối ngoại Việt Nam 2017: Một Việt Nam mới trên trường quốc tế

30-12-2017 07:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Thành công của Năm APEC Việt Nam 2017, nhiều chuyến thăm các đối tác quan trọng của các nhà lãnh đạo Việt Nam và việc lần thứ 2 một Tổng thống Mỹ thăm chính thức Việt Nam…đã đánh dấu một năm ấn tượng của ngoại giao Việt nam.

Thành công của ngoại giao đa phương

Trước hết, có thể nói rằng gần 250 sự kiện lớn nhỏ trong năm APEC Việt Nam và thành công của Tuần lễ cấp cao APEC 2017đã giúp 2 từ Việt nam trở nên thân quen với cộng đồng quốc tế. Những sự kiện, những hội nghị, những hoạt động quảng bá cho năm APEC Việt nam diễn ra tại Hà Nội, thành phố HCM, Đà Nẵng, Hội An, Quảng Bình, Hạ Long…không chỉ cho thấy những thành công của APEC mà còn là cơ hội quảng bá, giới thiệu hình ảnh một Việt nam mới đến với bạn bè quốc tế

Đối ngoại Việt Nam 2017: Một Việt Nam mới trên trường quốc tế

Hình ảnh Thủ tướng Canada Justin Trudeau đi dạo trên phố, Thủ tướng Australia Turbull nếm thử món ăn Đà Nẵng, những nhận xét tích cực của bạn bè quốc tế về Việt Nam đã giúp Việt nam trở thành một điểm đến hấp dẫn, thân thiện. Và với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”,những sáng kiến, hoạt động do Việt Nam đề xuất nhằm cụ thể hóa chủ đề của Năm APEC 2017 đã nhận được ủng hộ tích cực của các thành viên APEC. Những nội dung này phục vụ thiết thực cho nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong khu vực, đồng thời góp phần triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đến năm 2020 và xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động vì người dân, vì doanh nghiệp.

Việt Nam cũng đã thể hiện sự đóng góp tích cực, chủ động của mình cho định hình tương lai hợp tác đa phương của khu vực với việc tổ chức thành công Ðối thoại nhiều bên về tương lai APEC sau năm 2020. Những khuyến nghị của Ðối thoại đã đáp ứng kỳ vọng của các thành viên trong bối cảnh việc hoàn tất các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020 bước vào giai đoạn nước rút và Diễn đàn đang phấn đấu khẳng định vai trò lãnh đạo trong xử lý một số thách thức lớn của khu vực và toàn cầu.Tuần lễ Cấp cao APEC 2017còn mang lại nhiều nguồn lực thiết thực phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với tổng cộng 121 thỏa thuận hợp tác, hợp đồng được ký kết, trị giá gần 20 tỷ USD, gấp gần 10 lần tổng giá trị các thỏa thuận được ký kết vào năm 2006.Chính vì thế, nhìn lại năm 2017, không thể không nói tới nhưng dấu ấn của ngoại giao đa phương của Việt Nam.

Một năm nhiều dấu ấn

Năm 2017 cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đối ngoại Việt Nam. Chủ động tích cực nắm bắt cơ hội, Việt Nam đã và đang tiếp tục trở thành đối tác quan trọng, tin cậy của bạn bè quốc tế.

Năm 2017, Trung quốc tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cục diện chiến lược “4 toàn diện” đã cơ bản định hình. Cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc đã bước vào giai đoạn quyết liệt nhất. Công cuộc cải cách toàn diện, đặc biệt là các biện pháp cải cách trọng cung để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định xã hội tiếp tục được Trung Quốc ưu tiên trong năm qua.  Trong bối cảnh ấy, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc tháng 1/2017, đã góp phần đưa quan hệ Việt – Trung đi vào ổn định và tiếp tục phát triển sâu sắc hơn.

Tháng 6/2017 đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của đối ngoại Việt nam. Trong đó, thành công to lớn trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ và Nhật bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại,đã khẳng định uy tín và vị thế của Việt nam trên trường quốc tế.

Nếu như chuyến thăm Nhật bản là chuyến công tác “3 trong 1” của Thủ tướng, bao gồm thăm chính thức Nhật Bản; dự Hội nghị Tương lai Châu Á lần thứ 23 và dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam, thì chuyến thăm Hoa Kỳ của nhà lãnh đạo Việt nam lại có một ý nghĩa khác. Đây là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên thăm chính thức Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Donald Trump. Bối cảnh này có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa củng cố các kết quả hợp tác giữa hai nước được vun đắp trong nhiều năm qua, vừa tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Đánh giá kết quả chuyến thăm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, cho rằng, đây là chuyến thăm đạt kết quả tích cực toàn diện “Hai bên đã ra Tuyên bố chung, nhất trí thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Điều này đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước Việt nam-Hoa Kỳ, đóng góp quan trọng vào duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới, trên cơ sở tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”.

Tại Hoa Kỳ, Thủ tướng đã tiến hành 35 hoạt động khác nhau tại Thành phố NewYork và Thủ đô Washington. Trong đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Tổng thống Donald Trump; hội đàm với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và dự lễ kỉ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc. Còn trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật bản, chỉ trong 5 ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiến hành gần 50 hoạt động, trong đó có hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe; hội kiến Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản, gặp lãnh đạo các chính đảng Nhật Bản; tiếp nhiều lãnh đạo các địa phương, tổ chức kinh tế và lãnh đạo các tập đoàn lớn của Nhật Bản. Tại các buổi tiếp, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết sẽ cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  ”nắm chặt tay nhau” để thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Việt Nam- Nhật bản đã trao đổi 14 văn kiện ký kết, bao gồm các công hàm trao đổi cho 4 dự án vốn vay ODA trị giá hơn 100 tỷ Yên, tương đương 900 triệu USD. Với 2 chuyến thăm quan trọng này, Việt nam, Hoa Kỳ và Nhật bản khẳng định chia sẻ nhiều lợi ích chung cùng vun đắp cho hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.

Năm 2017, Việt Nam đã đón nhiều nhà lãnh đạo thế giới, nhiều vị nguyên thủ thăm chính thức Việt Nam. Đó là Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Chile Barcelet, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng CHDCND Lào, Thủ tướng Campuchia...và rất nhiều nhà lãnh đạo khác. Đáng chú ý, chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay trong năm đầu nhiệm kỳ;và việc Việt Nam cũng là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên đón tiếp 2 nhà lãnh đạo Hoa Kỳ trong 2 năm liên tiếp đã cho thấy Việt Nam là đối tác tin cậy, được coi trọng của Hoa Kỳ nói riêng của cộng đồng quốc tế nói chung. Đánh giá về ý nghĩa của những sự kiện này, The Washington Times nhận định rằng ”Việc Mỹ, từng là cựu thù, nay  trở thành đối tác thương mại gần gũi với Việt Nam, đã chứng minh tầm quan trọng của mối quan hệ song phương giữa hai nước. Hơn hai thập kỷ sau khi bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Mỹ ngày càng trở nên gần gũi hơn, trở thành đối tác quan trọng của nhau trên nhiều lĩnh vực”.

Một sự kiện quan trọng nữa trong năm 2017, là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị tương lai Châu Á lần thứ 23. Với chủ đề “Chủ nghĩa toàn cầu giữa ngã tư đường - Bước đi tiếp theo của Châu Á”, Hội nghị đã tập trung thảo luận về các xu thế, yếu tố ảnh hưởng lớn tới tương lai của châu Á như làn sóng chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tuý, quan hệ giữa các nước lớn và thay đổi trật tự thế giới, sự phát triển của ASEAN, Trung Quốc và khu vực Nam Á, tình hình an ninh của Châu Á… Đây là diễn đàn có uy tín và điểm đặc biệt là hội nghị năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là một trong những nhà lãnh đạo chính được mời phát biểu trong phiên khai mạc. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, cho biết, bài phát biểu của Thủ tướng được các đại biểu tham dự hội nghị, giới truyền thông Nhật Bản và quốc tế rất quan tâm và đánh giá cao: “Điều đặc biệt đại biểu tham dự rất quan tâm, đó là Thủ tướng đã chia sẻ về quá trình đổi mới phát triển kinh tế của Việt Nam luôn gắn với quá trình thúc đẩy hội nhập quốc tế và liên kết kinh tế. Bài học của Việt Nam hàng chục năm qua, cho thấy quá trình toàn cầu hóa, liên kết kinh tế có những yếu tố tích cực mà các quốc gia có thể tranh thủ, đồng thời giải quyết các mặt tiêu cực”.

Đối ngoại Việt Nam 2017

Năm 2017 cũng là năm ASEAN kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Đây không chỉ là dấu mốc quan trọng của ASEAN, mà còn là thời điểm quan trọng để thúc đẩy xây dựng cộng đồng, đoàn kết nội bộ, tăng cường kết nối, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh mới. Cùng với các thành viên của ASEAN, tại các hội nghị cấp cao ASEAN và lễ kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN tại Manila, Philippines, Việt nam đã đưa ra nhiều sáng kiến tích cực chủ động đưa ASEAN tiến bước.

Với tất cả các hoạt động ngoại giao trọng tâm, sôi nổi trong năm 2017, Việt Nam luôn thể hiện một thông điệp mạnh mẽ đó là  ” Việt Nam luônmong muốn làm bạn với tất cả các nước”.

Đánh giá về vai trò của Việt nam, dư luận quốc tế cho rằng Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trong khu vực ASEAN nói riêng và châu Á nói chung. Trong buổi tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Australia đầu tháng 12/2017, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đã khẳng định “Việt Nam có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Australia, bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ thực chất, hiệu quả và sâu sắc với Việt Nam trên các lĩnh vực tương lai”.

Đón 2018 nhiều thành công

Nếu như năm 2017, Việt Nam đón nhận 2 tin vúi: Đại sứ Việt Nam tại Indonesia, Đại sứ Hoàng Tuấn Anh được bầu vào cương vị Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách an ninh chính trị và  và nguyên Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka, kiêm nhiệm Maldives, Phan Kiều Thu đã trúng cử chức danh Tổng Thư ký thứ 7 của Kế hoạch Colombo, thì năm 2018 được trông đợi là năm bản lề chuẩn bị cho những sự kiện quan trọng của đối ngoại Việt nam những năm tiếp theo.

Việt Nam sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020, ứng cử vị trí Ủy viên không Thường trực HĐBA LHQ vào năm 2020-2021 và tham gia đàm phán nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Thành công của Năm APEC 2017 nói riêng và đối ngoại Việt Nam nói chung đã tạo khí thế mới cho hội nhập quốc tế, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Từ đó, phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, mở ra thời kỳ phát triển mới vẻ vang của đất nước.


Nhật Quang
Ý kiến của bạn