Đối mặt với sự kỳ thị để sống có ích hơn...

19-03-2016 12:45 | Xã hội

SKĐS - Sau bao nhiêu giằng co, đấu tranh tư tưởng với chính mình và sự ngăn cản của gia đình... cuối cùng Tuân đã quyết định công khai danh tính.

Sau bao nhiêu giằng co, đấu tranh tư tưởng với chính mình và sự ngăn cản của gia đình... cuối cùng Tuân đã quyết định công khai danh tính. Và cũng kể từ cái ngày đó anh thấy mình được sống thoải mái, tự tin hơn... và tham gia vào nhiều hoạt động có ích cho cộng đồng.

Những khó khăn phải đối mặt

Nhớ lại cái ngày vừa phát hiện ra mình nhiễm HIV (năm 2005),  mặc dù đã chuẩn bị tâm lý để đón nhận tin này nhưng anh vẫn thấy sốc, vì chỉ có vài lần chích chung mà anh bị nhiễm HIV, nhưng cái lúc ấy cơn “thèm” nó lên cộng với sự cổ vũ của đám bạn khiến anh không đừng được. Ân hận thì cũng đã muộn rồi. Anh chỉ còn biết trách bản thân và nuối tiếc. Nhưng cái mà anh sợ nhất lúc này là sự kỳ thị phân biệt đối xử.

Tham gia hoạt động cộng đồng giúp người HIV tự tin hơn trong cuộc sống.

Rồi, cái điều anh sợ đã diễn ra ngay chính trong gia đình của mình. Anh được mẹ mua mới xô, chậu và các đồ dùng cá nhân để dùng riêng và tự giặt giũ lấy. Đến bữa anh cũng không được ăn cùng mâm mà phải ngồi ăn riêng một góc. Thương con sau này mẹ bảo anh ngồi chung mâm nhưng bát, đũa thì vẫn phải dùng riêng. Đến bát nước chấm mẹ Tuân cũng phải chia làm hai: một bát dành riêng cho Tuân, còn một bát cho cả nhà, sợ chấm chung sẽ làm lây HIV.

Rồi cái tin anh bị nhiễm HIV “ngấm ngầm” lan sang hàng xóm. Người nọ rỉ tai người kia, xì xào, bàn tán, rồi chỉ trỏ vào anh: Thằng ý nghiện đấy, Trông thế mà lại bị “si-đa”, si-đa rồi thì chết sớm... Tới các quán nước, hàng ăn anh đều bị từ chối hoặc miễn cưỡng bán hàng. Cái quán nước ngày nào anh vẫn ngồi đông đúc là vậy, giờ thấy anh vào mọi người chẳng ai bảo ai tự nhiên đứng dậy lảng đi hết.

Không chỉ có anh bị xa lánh mà người nhà của anh người ta cũng hạn chế tiếp xúc, trò chuyện. Chỉ còn có bà N. - người hàng xóm thân thiết của gia đình anh trước kia thi thoảng sang chơi. Rót chén trà, Tuân mời bà N. uống nước và lần này cũng như cách đây hai hôm trước đều được bà từ chối khéo.

Anh tâm sự, đó là một chuỗi ngày cô đơn, buồn tủi. Mọi người nhìn tôi bằng ánh mắt lạnh lẽo và sự thờ ơ, đã có những lời nói, hành động xúc phạm đến tôi và gia đình. Một thời gian dài tôi phải sống khép mình, tách rời khỏi các sinh hoạt của cộng đồng. Và đã có những lúc tôi có ý nghĩ muốn tự giải thoát bằng cách tự kết thúc cuộc đời mình...

Lấy lại chính mình...

Ấy là vào năm 2008, trong một buổi mít tinh và diễu hành của tỉnh, Tuân đã dũng cảm đứng công khai danh tính của mình trước cộng đồng. Rồi anh nói về nguyên nhân lây nhiễm HIV của bản thân, về sự hối hận muộn màng... Từ cuộc đời mình Tuân kêu gọi mọi người hãy tránh xa những hành vi nguy cơ cao. Những người nghiện chích ma tuý đừng bao giờ chích chung bơm kim tiêm như Tuân đã từng làm. Rồi giọng Tuân chùng xuống như muốn tìm sự cảm thông, chia sẻ của cộng đồng...

Anh tâm sự: có được sự dũng cảm này cũng là cả một quá trình giằng co, đấu tranh tư tưởng và sự động viên của gia đình. Vì anh biết, chưa công khai anh và gia đình còn gặp sự kỳ thị thì khi công khai cuộc sống của anh và gia đình sẽ trở nên khó khăn hơn gấp bội. Và, trước khi công khai anh đã dành thời gian tìm kiếm thông tin về HIV, tìm hiểu trên sách, báo, chịu khó nghe đài, xem tivi... Vì, anh cho rằng khi hiểu rõ về bệnh rồi thì ngay chính bản thân anh cũng không thấy sợ nữa. Có kiến thức anh còn tham gia vào các câu lạc bộ đi tư vấn, tuyên truyền trong cộng đồng để các bạn trẻ đừng sa chân vào con đường nghiện ngập, biết cách bảo vệ mình trước những nguy cơ lây nhiễm HIV.

Từ hôm công khai, lúc đầu cuộc sống của Tuân dường như trở nên khó khăn hơn nhưng điều quan trọng là anh không còn cảm giác lúc nào cũng phải nơm nớp lo sợ nữa. Anh muốn được sống và làm việc, được người thân trong gia đình động viên, anh càng nỗ lực hơn. “Tôi phải tìm hiểu, học hỏi nhiều kiến thức về lĩnh vực này hơn nữa. Có kiến thức mình mới đi tuyên truyền được bởi người dân quê tôi khi nói đến HIV/AIDS người ta còn sợ lắm. Hy vọng, khi có sự hiểu biết nhiều hơn thì cộng đồng cũng sẽ hiểu, thông cảm và gần gũi chúng tôi hơn”... Tuân tâm sự.

Rồi hàng xóm láng giềng thấy anh vẫn sống khỏe mạnh (vì anh tham gia điều trị, uống thuốc rất đều đặn) và tham gia hoạt động có ích cho cộng đồng, thậm chí còn giúp đỡ con em của họ nên đã có cái nhìn thiện cảm hơn, trò chuyện cởi mở hỏi anh kiến thức phòng tránh HIV nữa. Anh làm cộng tác viên cho Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS của tỉnh, cùng cán bộ của trung tâm đi đến các trường học tuyên truyền về HIV/AIDS. Vui nhất là cái lần Tuân đi tuyên truyền ở Trung tâm dạy nghề. Mấy hôm sau đó khi gặp Tuân trên đường, các bạn học sinh người Mông của trung tâm nhận ra anh đã tay bắt mặt mừng, mặc dù các bạn biết tôi là người có HIV. Cảm giác đó khiến tôi rất hạnh phúc và thực sự tôi đã tìm lại được chính mình.


Thu Hương
Ý kiến của bạn