Tụ cầu là một loại vi khuẩn gây rất nhiều bệnh cho người như viêm da, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não..., có những bệnh rất nguy hiểm gây tử vong, trong khi tụ cầu lại có khả năng kháng lại nhiều loại kháng sinh. Vì vậy, cần lựa chọn kháng sinh như thế nào để tiêu diệt tụ cầu có hiệu quả nhất.
Tụ cầu vàng chứa ngoại độc tố có thể chịu đựng trong môi trường trên 100 độ C
Đặc điểm của tụ cầu
Tụ cầu (staphyloccocus) gồm có loại có men coagulaza (men đông huyết tương) và loại không có men coagulaza. Vi khuẩn tụ cầu được phân chia thành 3 loại (tụ cầu vàng, tụ cầu da và tụ cầu hoại sinh). Trong đó thì tụ cầu vàng (S.aureus) là loại gây nhiều bệnh nhiễm khuẩn nhất và cũng kháng lại nhiều loại kháng sinh nhất, đặc biệt, chúng có khả năng kháng lại kháng sinh methicilin - một loại được cho là có tác dụng tốt đối với chúng. Trong các bệnh nhiễm khuẩn do tụ cầu gây ra thì bệnh nhiễm khuẩn huyết và bệnh viêm nội tâm mạc là những bệnh rất nặng.
Tụ cầu cũng có thể gây nên viêm phổi và áp-xe phổi cho mọi đối tượng nhưng trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh viêm phổi nhất và bệnh thường rất nặng. Viêm phổi do tụ cầu ở trẻ thường là bệnh thứ phát sau cúm, sởi hoặc gặp ở trẻ mắc bệnh mạn tính như hen phế quản, suy giảm miễn dịch (còi xương, suy dinh dưỡng)...
Triệu chứng phổ biến là sốt cao, mạch nhanh, thở nhanh, khó thở, ho, thậm chí suy hô hấp gây khó thở dữ dội hoặc bị sốc nhiễm khuẩn, nhiễm độc và nếu không điều trị kịp thời có thể hình thành ổ áp-xe ở phổi.
Nên dùng kháng sinh gì để tiêu diệt tụ cầu?
Trong chương trình “Nghiên cứu thử nghiệm tính nhạy cảm kháng sinh” (ASTS) của Bộ Y tế trong những năm vừa qua cho thấy tỷ lệ tụ cầu, nhất là tụ cầu vàng kháng lại một số kháng sinh khá cao, thậm chí rất cao với một số loại kháng sinh. Theo ASTS của Bộ Y tế thì tụ cầu vàng đã kháng lại methicilin lên tới 41,7%. Tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy, kết quả nghiên cứu tụ cầu kháng lại methicilin là 50%. Một nghiên cứu tương đối rộng ở 3 tỉnh (Đà Nẵng, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh) của Phạm Hồng Vân và Phạm Thái Bình cho thấy tụ cầu vàng đã kháng lại hầu hết các loại kháng sinh thông dụng (gentamycin là 42%, erythromycin là 63%, azithromycin là 68%, ciprofloxacin là 39%, cefuroxim là 38%, amoxicillin – clavulanic acid là 30% và chloramphenicol là 38%). Với methicilin là 47%. Tuy vậy, theo các tác giả thì có 2 loại kháng sinh vancomycin và linezolid tụ cầu vàng chưa thấy đề kháng (còn nhạy cảm 100%).
Rõ ràng là tụ cầu đã kháng lại nhiều kháng sinh thông dụng và cả kháng sinh thế hệ mới, trong khi chúng gây nhiều bệnh, thậm chí trọng bệnh. Vì vậy, để lựa chọn kháng sinh điều trị có hiệu quả cao thì cần nuôi cấy, phân lập chúng do khoa xét nghiệm vi sinh thực hiện, trên cơ sở đó sẽ thực hiện kỹ thuật kháng sinh đồ. Đây là một phương pháp rất có ích, giúp các bác sĩ điều trị lựa chọn kháng sinh mà vi khuẩn nhạy cảm nhất để điều trị. Theo các báo cáo thì qua xét nghiệm và kết quả kháng sinh đồ, có thể điều trị tụ cầu bằng kháng sinh methicilin hoặc cefalosphorin (thế hệ I, II, III hoặc IV) tùy theo mức độ của bệnh và có thể kết hợp với gentamicin. Đối với trẻ em bị viêm phổi do tụ cầu, khi chưa có kết quả kháng sinh đồ thì dùng ampicillin hoặc cloxacin kết hợp với gentamicin (Quyết định của Bộ Y tế số 10/QĐ-BYT ngày 09/01/2014), sau đó sẽ dựa vào kết quả vi sinh để chọn kháng sinh.
Với bệnh thể nặng (nhiễm khuẩn xương - khớp, viêm màng trong tim, viêm màng bụng, viêm phổi, nhiễm khuẩn da, mô mềm, hội chứng sốc nhiễm độc và dự phòng nhiễm khuẩn ngoại khoa), một số khuyến cáo nên dùng flucloxacilin. Nếu có nhiễm khuẩn huyết và các thể bệnh nặng khác, có thể dùng thuốc imipenem, gentamycin hoặc vencomicin. Tuy vậy, dùng kháng sinh gì để điều trị hoàn toàn do bác sĩ điều trị cân nhắc và ra chỉ định.
Bs. Bùi Mai Hương