Theo chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao, đến cuối năm 2015 có 75,4% dân số tham gia BHYT. Tỷ lệ này sẽ tăng dần qua các năm, đến năm 2016 là 78%, 2017 là 79,8%, 2018 là 81,4%, 2019 là 82,5% và đến 2020 là 84,3%.
Một số địa phương được giao tỷ lệ bao phủ BHYT cao là Điện Biên 99%; Hòa Bình 99%; Tuyên Quang 98,6%; Lào Cai 98,6%; Hà Giang 98,2%; Thái Nguyên 98,2%; Sơn La 98%.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện để đạt chỉ tiêu được giao, phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia và được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT; huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người dân tham gia BHYT, trước mắt tập trung hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo; vận động và hỗ trợ để học sinh, sinh viên, hộ gia đình có mức sống trung bình mua BHYT, góp phần tăng tỷ lệ người tham gia BHYT; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHYT.
Đồng thời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội địa phương chủ động tổ chức thực hiện phát triển đối tượng và tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương trong tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT để đạt được chỉ tiêu tham gia BHYT tại địa phương.
Theo kết quả triển khai Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân đến hết năm 2014 đã đạt tỷ lệ bao phủ 71,6% dân số. Quỹ BHYT đã thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh đối với nhiều đối tượng như người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế và xã hội khó khăn… góp phần trực tiếp giảm tỷ lệ chi tiền túi của người dân khi đi khám chữa bệnh, tạo điều kiện cho người dân, nhất là các đối tượng yếu thế trong xã hội tiếp cận các dịch vụ y tế.
PV