Dấu hiệu và cách chữa đau thần kinh liên sườn

09-05-2013 00:13 | Bệnh thường gặp
google news

Đau thần kinh liên sườn là bệnh hay gặp, do nhiều nguyên nhân gây nên như: chấn thương, vận động sai tư thế, cường độ quá mạnh, thoái hóa cột sống, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, đái tháo đường, viêm đa dây thần kinh... Nếu không tìm thấy nguyên nhân gọi là đau thần kinh liên sườn tiên phát.

Đau thần kinh liên sườn là bệnh hay gặp, do nhiều nguyên nhân gây nên như: chấn thương, vận động sai tư thế, cường độ quá mạnh, thoái hóa cột sống, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, đái tháo đường, viêm đa dây thần kinh... Nếu không tìm thấy nguyên nhân gọi là đau thần kinh liên sườn tiên phát.

Nhiều bệnh gây đau thần kinh liên sườn

Có nhiều nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn: do thoái hóa cột sống, thường gặp ở người cao tuổi; do lao cột sống hay ung thư cột sống: thường gặp ở những người tuổi trung niên, bệnh diễn biến nặng, khu trú tại vùng cột sống bị tổn thương; do bệnh lý tủy sống; do nhiễm khuẩn: hay gặp nhất là đau dây thần kinh liên sườn do zona, thường tiến triển qua 2 giai đoạn: giai đoạn cấp và giai đoạn di chứng; đau dây thần kinh liên sườn tiên phát: có thể do lạnh hoặc do vận động sai tư thế hoặc quá tầm; do các bệnh: đái tháo đường, nhiễm độc, viêm đa dây thần kinh...

Dấu hiệu và cách chữa đau thần kinh liên sườn 1

Các dấu hiệu phát hiện bệnh

Dấu hiệu để phát hiện bệnh đau thần kinh liên sườn phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân gây bệnh kể trên. Đau do thoái hóa cột sống: gặp ở người cao tuổi, tính chất đau ê ẩm, không cấp tính kèm theo đau âm ỉ cột sống ngực cả khi nghỉ và khi vận động, ấn vào điểm cạnh sống hai bên (cách giữa cột sống 2-3cm), bệnh nhân thấy tức nhẹ và dễ chịu. Đau do lao cột sống hay ung thư cột sống: gặp ở những người tuổi trung niên, bệnh diễn biến nặng, khu trú tại vùng cột sống bị tổn thương. Tính chất đau: đau chói cả hai bên sườn, có khi đau như đánh đai, như bó chặt lấy ngực hoặc bụng bệnh nhân. Ấn cột sống sẽ thấy điểm đau chói, bệnh nhân đau liên tục suốt ngày đêm, tăng khi thay đổi tư thế hoặc vận động. Bệnh nhân có các triệu chứng nặng như hội chứng nhiễm độc lao: sốt về chiều, mệt mỏi, sút cân...; có thể thấy biến dạng cột sống. Đau do bệnh lý tủy sống: triệu chứng đau dây thần kinh liên sườn là dấu hiệu sớm của u rễ thần kinh, u ngoại tủy. Tính chất đau: thường đau một bên, khu trú rõ, đau kiểu đánh đai ở một bên sườn. Khám cột sống không thấy đau rõ ràng. Đau do chấn thương cột sống: xảy ra sau khi bệnh nhân bị chấn thương, chẳng hạn bị ngã, bị đánh, bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động, vận động hoặc là động tác với cường độ quá mạnh. Đau do nhiễm khuẩn: hay gặp nhất là đau dây thần kinh liên sườn do zona, thường tiến triển qua 2 giai đoạn, giai đoạn cấp khởi phát bằng đau rát một mảng sườn, sau một vài ngày thấy đỏ da, xuất hiện các mụn nước với xu hướng lan rộng theo phạm vi phân bố của dây thần kinh liên sườn. Bệnh nhân thấy ngứa và đau rát như bỏng, rất khó chịu, bệnh nhân không dám để cho vùng tổn thương tiếp xúc với quần áo hay sờ mó vào da. Có thể có sốt, mệt mỏi, khoảng một tuần tổn thương khô, bong vảy, để lại sẹo. Giai đoạn di chứng: bệnh nhân thấy đau rát ở vùng tổn thương một thời gian, có khi kéo dài hàng tháng, nhất là ở người cao tuổi. Đau dây thần kinh liên sườn tiên phát: có thể do lạnh hoặc do vận động sai tư thế hoặc quá tầm. Bệnh nhân thấy đau ở vùng cạnh sống hoặc vùng liên sống - bả vai, có thể đau một hoặc hai bên, đau lan theo khoang liên sườn ra phía trước, đau âm ỉ cả ngày và đêm, đau khi hít thở sâu, thay đổi tư thế, ho, hắt hơi. Ấn vùng cạnh sống tương ứng với khe gian đốt bệnh nhân thấy đau tức, đôi khi lan theo đường đi của dây thần kinh liên sườn. Da vùng đau không có biểu hiện tổn thương. Đau do các bệnh: đái tháo đường, nhiễm độc, viêm đa dây thần kinh... Bệnh nhân có triệu chứng của các bệnh này trước, sau đó mới xuất hiện đau thần kinh liên sườn.

Triệu chứng đau dây thần kinh liên sườn thường được bệnh nhân mô tả là đau ngực, tức ngực, đau mạng sườn, là những cơn đau kéo dài hoặc xuất hiện từng đợt dọc theo dây thần kinh liên sườn. Bệnh nhân thường chỉ đau ở một bên, trái hoặc phải; đau từ trước ngực, lan theo mạng sườn ra phía sau ở cạnh cột sống. Có thể có điểm đau và tăng cảm giác ở vùng đau khi thầy thuốc khám thăm khám. Đau dây thần kinh liên sườn thường xuất hiện khi có các bệnh nhiễm khuẩn như cúm, lao, thấp khớp, các bệnh phổi, màng phổi, tim, gan hay tổn thương ở đốt sống lưng như lao, ung thư, thoái hóa, u tủy...

Đau dây thần kinh liên sườn là triệu chứng của nhiều bệnh, do đó cần phải theo một trình tự chẩn đoán: phát hiện sớm triệu chứng của các bệnh là nguyên nhân gây ra đau thần kinh liên sườn kết hợp với biểu hiện đau thần kinh liên sườn.

Điều trị và phòng bệnh

Việc điều trị bệnh đau dây thần kinh liên sườn trước hết cần điều trị các bệnh là nguyên nhân gây đau. Nếu là đau dây thần kinh liên sườn tiên phát, có thể điều trị như sau: dùng thuốc giảm đau paracetamol, diclofenac... Đối với bệnh zona gây ra đau liên sườn, nên cho bệnh nhân bôi kem acyclovir mỗi ngày 2-3 lần vào các mụn nước; dùng thuốc giảm đau, thuốc an thần. Loại thuốc điều trị đau thần kinh nhóm gabapentin, thường dùng liều nhỏ, tăng dần tới khi có tác dụng, nên uống thuốc trước khi đi ngủ hoặc nghỉ trưa, có thể phải dùng kéo dài vài tháng. Thuốc giãn cơ vân như myonal, mydocalm... chỉ dùng khi đau nhiều, cảm giác co rút vùng sườn tổn thương. Vitamin nhóm B như B1, B6, B12 là các vitamin có vai trò quan trọng trong chuyển hóa của tế bào nói chung, nhất là tế bào thần kinh và bao myelin. Phong bế cạnh sống.

Phòng bệnh: cần khám, phát hiện và điều trị tích cực các bệnh là nguyên nhân gây ra đau dây thần kinh liên sườn nói trên. Tránh vận động sai tư thế hoặc quá mạnh. Chú ý  phòng tránh tai nạn giao thông, tai nạn lao động và sinh hoạt.
 
BS. Ninh Thanh Tùng

Ý kiến của bạn