Dấu hiệu nhận biết thoái hóa khớp gối?

01-07-2015 08:00 | Y học 360

SKĐS - Để chẩn đoán thoái hóa khớp gối, thầy thuốc khai thác diễn biến của bệnh, thăm khám khớp gối và toàn thân, chỉ định một số xét nghiệm như công thức máu, chụp X-quang khớp gối…

Người bệnh có đau ở mặt trước hoặc trong khớp gối, lạo xạo khi gấp duỗi, cứng khớp buổi sáng kéo dài dưới 30 phút, hạn chế vận động do đau (gây khó khăn khi đi lại, lên xuống cầu thang).

Khám khớp gối có dấu hiệu ấn đau hoặc sưng, hoặc kèm hạn chế vận động gấp duỗi, khớp gối lỏng lẻo do yếu dãn dây chằng khớp gối...

Chụp X-quang có các dấu hiệu hẹp khe khớp, có gai ở thân xương và ở xương bánh chè, tăng đậm độ xương dưới sụn. Một số trường hợp có thêm hiện tượng vôi hóa ở gân khoeo sau gây khó khăn khi đứng lên - ngồi xuống.

Trường hợp khó, thầy thuốc có thể chỉ định nội soi khớp, chụp MRI, khảo sát toàn diện về sụn khớp, dây chằng khớp, ứ dịch trong khớp… giúp chẩn đoán chính xác tình trạng và mức độ của bệnh.

 

Lời khuyên của thầy thuốc

Người thoái hóa khớp gối cần hạn chế đứng lâu, đi bộ nhiều, trong đợt đau cấp tính cần được nghỉ nghơi. Những động tác thể dục phù hợp là bơi và đạp xe đạp, thời gian trung bình 30 phút/ngày. Cần có chế độ ăn uống giàu canxi và khoáng chất; kiểm soát cân nặng. Đây là những điều cần thiết giúp phòng ngừa, điều trị và chống tái phát ở những người bệnh thoái hóa khớp gối .

 

ThS.BS. ĐỖ TÂN KHOA

Trưởng khoa Khám bệnh BV. Y học cổ truyền TP.HCM

Mời xem tiếp bài 3: Điều trị thoái hoá khớp gối không dùng thuốc ngày 2/7/2010

 

 


Ý kiến của bạn