Dấu hiệu nhận biết phình động mạch chủ ngực

09-12-2017 16:40 | Y học 360
google news

SKĐS - Ngày nay, phình động mạch chủ không còn là bệnh lý hiếm gặp, số bệnh nhân mắc phình động mạch chủ nhập viện ngày càng tăng.

Ngày nay, phình động mạch chủ không còn là bệnh lý hiếm gặp, số bệnh nhân mắc phình động mạch chủ nhập viện ngày càng tăng. Đây là bệnh lý giãn động mạch chủ vĩnh viễn và không phục hồi, khi đường kính ngang đo được lớn hơn hoặc bằng 1,5 lần so với đường kính phần còn lại của động mạch chủ. Phình động mạch chủ ngực chiếm khoảng 2-5% của tất cả phình mạch máu.

Phình động mạch chủ ngực. Đặt stent - graft trong phình động mạch chủ ngực.

Nguy cơ tử vong cao

Thông thường, phình động mạch chủ ngực được chia thành các dạng sau:

Phình động mạch chủ ngực đoạn động mạch chủ ngực, trong đó có thể phân chia thành hai loại theo hình dạng của nó: Dạng túi: mặt bên của động mạch chủ phồng lên và không đối xứng. Thường đây là giả phình động mạch chủ mà nguyên nhân do chấn thương hay do loét xuyên thấu động mạch chủ; Dạng hình thoi: đây là phình thật vì tổn thương cả 3 lớp của thành động mạch chủ. Giãn to bất thường một đoạn dài và liên quan đến toàn bộ chu vi của thành động mạch chủ.

Phình động mạch chủ ngực - bụng liên quan cả hai động mạch chủ ngực xuống và động mạch chủ bụng.

Tiến triển của bệnh liên quan đến một số yếu tố nguy cơ thường gặp bao gồm: xơ vữa động mạch, hút thuốc lá, nam giới và tăng huyết áp. Phình động mạch chủ ngực có tỉ lệ phát triển trung bình 0,42cm - 0,56cm/năm. Khi đường kính động mạch chủ ngực càng lớn thì nguy cơ gây vỡ phình càng tăng dẫn đến nguy cơ tử vong càng cao.

Phình động mạch chủ ngực trên phim chụp CT Scanner.

Dấu hiệu nhận biết bệnh

Thông thường, phình động mạch chủ ít có triệu chứng hoặc chỉ được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ hay khi chụp Xquang ngực thường quy. Ngoài ra, một số bệnh nhân có triệu chứng không điển hình như:

Đau: Thường đau mơ hồ, có thể đau ở cổ và hàm dưới hoặc đau giữa hai xương bả vai, hay đau lưng, đau vai trái. Khi có phình tách động mạch chủ thì xuất hiện đau đột ngột như xé vùng trước ngực hoặc sau lưng.

Hình phân loại phình ĐMC theo hình dạng.

Dấu hiệu chèn ép: Khi phình lớn có thể gây chèn ép các cấu trúc xung quanh hay tạng lân cận gây khàn tiếng (chèn ép thần kinh thanh quản) hoặc khó thở, khó nuốt do chèn vào khí quản, thực quản hoặc phù do chèn ép vào tĩnh mạch.

Vỡ phình động mạch chủ: Đây là biến chứng nặng và nguy hiểm, bệnh nhân thường tử vong trước khi nhập viện. Một số trường hợp may mắn vỡ chưa hoàn toàn cần phẫu thuật cấp cứu tối khẩn cấp. Khi chưa sốc và trụy tim mạch thì các triệu chứng thường gặp là: Đau ở ngực hoặc bụng, lưng. Tính chất đau thường đột ngột và đau nhiều; Mạch nhanh và huyết áp không đo được hoặc rất thấp. Da niêm mạch nhợt do mất máu; Làm chẩn đoán hình ảnh sẽ thấy dịch trong màng phổi hay sau phúc mạc.

Với trường hợp này, cần khẩn trương tiến hành phẫu thuật. Tuy nhiên, tiên lượng cũng rất khó khăn.

Mời độc giả đón đọc phần 2:"Đặt ống ghép nội mạch trong điều trị phòng động mạch chủ" vào lúc 8h ngày 14/9/2015





BS. Ngô Tuấn Anh (BV Trung ương Quân đội 108)
Ý kiến của bạn