Đặt stent chữa tắc nghẽn đường mật cho bệnh nhân ung thư dạ dày

01-04-2018 08:19 | Camera bệnh viện

SKĐS - Theo các bác sĩ, tắc nghẽn đường mật rất dễ dẫn đến các rối loạn về tiêu hóa, về chức năng giải độc, gây tổn thương cho gan và các cơ quan lân cận.

Thông tin từ BVĐK Đức Giang cho biết, ngày 16/03, bệnh nhân Lê Văn D. (sinh năm 1947) tại Dương Hà – Gia Lâm đến BVĐK Đức Giang khám với các triệu chứng đau tức vùng thượng vị và hạ sườn phải kèm hiện tượng vàng da, bệnh nhân khai đã bị ung thư dạ dày từ trước. Ngay sau đó bác sĩ khám đã cho chỉ định làm các cận lâm sàng cần thiết và nhập viện.

Dựa vào các kết quả trên bệnh nhân được chẩn đoán tắc mật, u đường mật, K đường mật.

Được sự hỗ trợ của Thạc sĩ Lê Thanh Dũng – Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, chiều ngày 30/3 bác sĩ Ngô Vĩnh Hoài khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện đa khoa Đức Giang đã thực hiện thành công kỹ thuật "Nong đặt stent đường mật số hóa xóa nền" cho bệnh nhân D.

Theo chia sẻ của bác sĩ Ngô Vĩnh Hoài: “Đây cũng là một can thiệp tối thiểu nhưng có hiệu quả cao, ít biến chứng, thời gian phục hồi sau can thiệp nhanh. Giảm tắc nghẽn và giúp mật lưu thông tốt hơn ở khoảng 90% bệnh nhân sau khi đặt stent đường mật.

Trường hợp bệnh nhân D. bị vàng da tắc mật do sự chèn ép của khối u đầu tụy làm dịch mật chảy ngược vào trong máu gây tình trạng vàng da, ngứa gáy khó chịu cho bệnh nhân. Kỹ thuật đặt stent sẽ giúp giải quyết tình trạng tắc mật, làm mật thông trở lại với đường ruột giúp bệnh nhân ăn uống tốt hơn”.

Các bác sĩ tiến hành đặt stent chữa tắc nghẽn đường mật cho bệnh nhân.

Cũng theo các bác sĩ, tắc nghẽn đường mật xảy ra khi đường ống vận chuyển dịch mật từ gan xuống ruột non (tá tràng) bị chặn lại bởi sỏi, khối u, một chấn thương hoặc tình trạng viêm đường mật... Tình trạng này nhanh chóng dẫn đến các rối loạn về tiêu hóa, về chức năng giải độc, gây tổn thương cho gan và các cơ quan lân cận.

Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân có chỉ định đặt stent cần nhịn ăn uống ít nhất 6 giờ trước khi làm để bảo đảm dạ dày và tá tràng sạch không có thức ăn. Nên cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc mà người bệnh đang dùng. Bệnh nhân không được có tiền sử dị ứng với chất iode trong thuốc cản quang. Cần dùng kháng sinh trước khi thực hiện thủ thuật và tiếp tục thêm vài ngày sau đó.

Để đặt stent, phẫu thuật viên sẽ dùng một kim nhỏ chích thuốc cản quang qua da vào gan hoặc túi mật; chụp Xquang trong lúc chất cản quang di chuyển qua đường mật. Khi xuất hiện rõ chít hẹp đường mật, sẽ đặt một stent vào vị trí đó. Đặt một kim rỗng vào đường mật, sau đó luồn một dây hướng dẫn mỏng vào kim. Dây dẫn được hướng đến vị trí tắc nghẽn; stent được đẩy về phía trước theo dây dẫn và đặt vào vị trí tắc nghẽn trong đường mật.


Dương Hải
Ý kiến của bạn