Hà Nội

Đào tạo chuyên khoa I cho 25 bác sĩ trẻ lên vùng cao phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân

22-02-2017 21:45 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngày 22/2, Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức khai giảng khóa đào tạo bác sỹ chuyên khoa I bao gồm 25 bác sỹ trẻ được lựa chọn theo các tiêu chuẩn đầu vào khắt khe sẽ theo học để tình nguyện lên vùng cao, vùng khó khăn chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Ngày 22/2, Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức khai giảng khóa đào tạo bác sỹ chuyên khoa I bao gồm 25 bác sỹ trẻ được lựa chọn theo các tiêu chuẩn đầu vào khắt khe sẽ theo học để tình nguyện lên vùng cao, vùng khó khăn chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Đây là một hoạt động trong khuôn khổ dự án thí điểm “Bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn” do Bộ Y tế phát động trong ba năm gần đây.

25 bác sỹ trẻ sẽ được đào tạo chuyên khoa cấp I ở 9 chuyên ngành khác nhau như: nội, ngoại, sản, nhi, hồi sức cấp cứu, gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm và truyền nhiễm tại trường Đại học Y Hà Nội trong 24 tháng trước khi được đưa về vùng khó khăn làm công tác tình nguyện. Trước khi trúng tuyển, họ đã được tuyển dụng làm viên chức ở các bệnh viện tuyến Trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức và một số bệnh viện đa khoa/ trung tâm  y tế (TTYT)  tại huyện khó khăn của tỉnh Điện Biên (TTYT huyện Mường Chà, Điện Biên Đông, Nậm Pồ, Mường Nhé, Tủa Chùa, Mường Ảng), Yên Bái (TTYT huyện Trạm Tấu), Cao Bằng (Bệnh viện Đa khoa huyện Thông Nông, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hạ Lang, Thạch An, Hà Quảng).

Sau khi hoàn  thành thời gian đào tạo, các bác sỹ trẻ sẽ công tác tại các huyện nghèo như đăng ký. Thời gian tối thiểu làm việc tại vùng khó khăn đối với bác sĩ nam là 3 năm, bác sĩ nữ là 2 năm. Riêng đối với các bác sỹ được các huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ công tác lâu dài tại Bệnh viện/TTYT huyện nghèo.

Bác sĩ trẻ lên vùng cao công tác đã và đang góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân

Chương trình đào tạo dành riêng cho các bác sĩ này do trường Đại học Y Hà Nội làm đầu mối biên soạn và đã được Bộ Y tế tổ chức thẩm định và phê duyệt. Chương trình đào tạo chú trọng đến thực hành tay nghề chiếm 70% đơn vị học trình. Các bác sĩ sẽ được đào tạo như bác sĩ nội trú, theo hướng “cầm tay chỉ việc”, bên cạnh đó trường còn  giao mỗi giảng viên trực tiếp hướng dẫn 1 học viên và có sự kiểm soát chặt chẽ kết quả đầu ra, bảo đảm khi ra trường họ có thể thực hiện tốt các kỹ thuật khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế tuyến huyện. Trong thời gian đào tạo các bác sĩ được hỗ trợ tiền học phí, hưởng lương theo quy định và các chế độ khác của dự án.

Phát biểu tại lễ khai giảng, PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng –Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế nhấn mạnh, dự án thí điểm bác sỹ trẻ tình nguyện là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa phương còn khó khăn.

Qua dự án, tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội.


Thái Bình
Ý kiến của bạn