Bệnh viện (BV) Bạch Mai mới cho biết, bệnh viện vừa cứu sống và phục hồi gần như hoàn toàn cho bệnh nhân bị đột quỵ não, liệt nửa người ngay sau 30 phút điều trị bằng phương pháp mới. Đó là phương pháp phối hợp hai kỹ thuật: “Tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch” và kỹ thuật “Lấy huyết khối bằng dụng cụ qua đường động mạch”.
Bác sĩ Đào Việt Phương (khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai), người trực tiếp thực hiện ca cấp cứu này cho biết, bệnh nhân T. (38 tuổi, Hà Nội), có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh. Bất ngờ, bệnh nhân bị tê và liệt nửa cơ thể bên phải, nên được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu. Qua thăm khám cho thấy, bệnh nhân bị liệt hoàn toàn 1/2 cơ thể bên phải, chụp phim MSTC mạch não thấy tắc hoàn toàn đoạn tận động mạch cảnh trong trái. Các bác sĩ nhận định, bệnh nhân bị đột quỵ não do tắc mạch máu lớn, nếu không cấp cứu kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao, nếu có khỏi cũng để lại di chứng nặng nề.
Ảnh: BS. Lương Quốc Chính, BV Bạch Mai cung cấp.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định áp dụng phương pháp phối hợp “kỹ thuật tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch” và “kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ qua đường động mạch” để điều trị cho bệnh nhân. Một ê kíp cấp cứu đột quỵ não đã nhanh chóng được huy động, và chỉ sau hơn 30 phút, bệnh nhân T. đã được áp dụng biện pháp điều trị phối hợp này. Ngay sau cấp cứu, bệnh nhân bình phục gần như hoàn toàn, nửa người bị liệt đã cử động được.
Cơ hội mới cho bệnh nhân tắc mạch máu não
Theo TS.BS.Mai Duy Tôn, khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, kỹ thuật “Tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch” và kỹ thuật “Lấy huyết khối bằng dụng cụ qua đường động mạch” không phải hai phương pháp mới. Điểm mới ở đây là sự kết hợp hai phương pháp này để tận dụng ưu điểm cũng như hạn chế các tồn tại của hai phương pháp để đưa đến kết quả cuối cùng: bệnh nhân đã được cứu sống và hồi phục chỉ trong thời gian rất ngắn (vài tiếng) sau phẫu thuật.
Bác sĩ Tôn cho biết, kỹ thuật điều trị “Tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch” đã được áp dụng tại Bệnh viện Bạch Mai từ những năm trước và được Bộ Y tế đưa vào danh mục kỹ thuật cao trong chuyên ngành cấp cứu. Loại thuốc này chỉ dành cho những bệnh nhân bị tắc mạch máu não, xuất hiện các cục máu đông làm cho động mạch trong não bị tắc, giảm lưu thông máu, gây ra tổn thương vùng đại não. Khi thuốc tiêu sợi huyết được đưa vào bằng đường tĩnh mạch sẽ làm tan cục máu đông, khơi thông dòng máu và cung cấp máu trở lại cho các vùng não đang bị thiếu máu. Tuy nhiên, hạn chế lớn của phương pháp này là cửa sổ thời gian cho điều trị quá ngắn, thường áp dụng đối với những bệnh nhân đến sớm trong vòng 4,5 giờ sau khi bị đột quỵ và tỷ lệ mạch máu não bị tắc được thông trở lại chỉ đạt 30% sau khi áp dụng kỹ thuật.
Kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ qua đường động mạch có ưu điểm thông mạch máu não bị tắc với tỷ lệ cao hơn phương pháp tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch”; thời gian thông mạch máu não bị tắc nhanh và thời gian điều trị cửa sổ có thể kéo dài tới 6 giờ. Tuy nhiên khả năng phục hồi của bệnh nhân chưa cao.
Theo TS.BS. Lương Quốc Chính, hiện nay khoa Cấp cứu và khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Bạch Mai đang tiếp tục nghiên cứu và áp dụng biện pháp điều trị phối hợp này. Trong thời gian tới, biện pháp phối hợp này sẽ được áp dụng cho nhiều bệnh nhân, mở ra cơ hội sống cho bệnh nhân nhồi máu não cấp do tắc các mạch não lớn.
BS.Lương Quốc Chính cũng đưa ra khuyến cáo: Khi một người đang khỏe mạnh bình thường mà đột ngột xuất hiện 1 trong 5 biểu hiện như: đột ngột mất thị lực, đặc biệt là xuất hiện ở một bên mắt; đau đầu dữ dội thì chúng ta nên nghi ngờ bệnh nhân đó khả năng bị đột quỵ não cấp. Khi đó, gia đình cần nhanh chóng trong khoảng thời gian vàng nên đưa bệnh nhân vào cơ sở y tế gần nhất có chuyên môn sâu về điều trị đột quỵ.
Lưu ý, trên đường đi cấp cứu, nên đặt bệnh nhân nằm nghiêng sang một bên để phòng khi bệnh nhân nôn, tránh bị sặc ở phổi; tránh vận chuyển mạnh bệnh nhân; không nên cho bệnh nhân dùng bất cứ một loại thuốc gì vì đôi khi bệnh nhân có thể sặc và gây suy hô hấp cấp; không dùng các biện pháp dân gian để sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân như: đánh gió hoặc trích máu đầu ngón tay, ngón chân, hoặc là cho sử dụng một số loại thuốc Đông y không rõ nguồn gốc.
Thanh Loan