Cứu sống bệnh nhân bị rắn hổ đất cắn

27-08-2017 20:50 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Ngày 24/8/2017, các BS Khoa Cấp cứu BVĐK Trung ương Cần Thơ vừa tiếp nhận bệnh nhân Võ Ngọc Đ. sinh năm 1972, địa chỉ Phụng Hiệp - Hậu Giang được Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy chuyển đến trong tình trạng lơ mơ, thở co kéo cơ hô hấp,

đồng tử 3mm hai bên phản xạ ánh sáng kém, yếu tứ chi, sưng nề bầm tím mu bàn tay phải. Trước đó khoảng 2 giờ, bệnh nhân bị rắn hổ đất cắn vào mu bàn tay phải sau đó sưng nề nhiều, khó thở nên gia đình nhanh chóng đưa đến bệnh viện.

Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ Khoa Cấp cứu nhanh chóng đặt nội khí quản bóp bóng đồng thời chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc thực hiện thông khí nhân tạo thâm nhập (thở máy) và điều trị với chẩn đoán: Suy hô hấp cấp do rắn hổ cắn.

Cứu sống bệnh nhân bị rắn hổ đất cắnCánh tay sưng nề của bệnh nhân Đ. khi nhập viện.

Qua điều trị tích cực tại bệnh viện, hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và được chuyển đến Khoa Ngoại Chấn thương - Chỉnh hình chăm sóc vết rắn cắn trên tay phải.

Theo BSCKI. Nguyễn Hữu Tài - Trưởng kíp trực Khoa Cấp cứu BVĐK Trung ương Cần Thơ - bác sĩ trực tiếp cấp cứu bệnh nhân cho biết: Rắn cắn thường gặp trong sinh hoạt hằng ngày của người dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ, bệnh nhân có thể tử vong tại chỗ nên cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Kết quả điều trị có thể hồi phục hoàn toàn, đôi khi để lại di chứng cụt chi do bị hoại tử từ vết rắn cắn phụ thuộc vào việc sơ cứu đúng cách hay không và thời gian di chuyển đến bệnh viện.

Sơ cứu rắn cắn đúng cách nhằm làm chậm hấp thu nọc rắn, bảo tồn tính mạng người bệnh và ngăn biến chứng trước khi đến bệnh viện. Bất động chi bị cắn bằng nẹp gỗ hay vải treo thấp hơn tim và hạn chế di chuyển chi bị cắn. Trấn an bệnh nhân tránh hốt hoảng, lo sợ.

Đối với vết cắn của rắn hổ: Băng ép bất động, băng thun quấn từ nơi bị cắn lên, vừa chặt đủ để lách ngón tay giữa các lớp băng quấn, cần bắt được mạch đập sau đó dùng thêm nẹp gỗ để cố định giống như cố định chi bị gãy.

Đối với vết cắn của rắn lục: Chỉ nên ép gạc tại nơi vết thương. Tránh garo, rạch, hút, chườm lạnh, đắp thuốc.

Sau khi sơ cứu, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.


V.A
Ý kiến của bạn