Theo chỉ số đo lường hạnh phúc (Happy Planet Index) của Ðại học Yale, Hoa Kỳ và theo các nhà khoa học cũng như giới bảo vệ môi trường, Costa Rica dẫn đầu bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Ðây cũng được coi là khu bảo tồn sinh thái tốt nhất trên hành tinh của chúng ta.
Người dân Costa Rica hạnh phúc nhất hành tinh phải chăng vì chính phủ quốc gia nhỏ bé này từ năm 1948 đã dùng ngân sách quốc phòng để tài trợ cho các ngành y tế và giáo dục? Hay thành quả đó có được là nhờ chính sách an sinh xã hội mở mang không thua gì so với các nước tân tiến nhất ở Bắc Âu? Hay đấy cũng là kết quả của một sự gọi nôm na là “ăn đồng chia đủ” - nơi mà mọi người cũng được hưởng lợi những của cải làm ra?
Ngược dòng thời gian để hiểu hơn về phép lạ Costa Rica: Năm 1986, sau nhiều thập niên với chủ trương phá rừng để chăn nuôi và cải thiện đời sống cho người dân, Tổng thống Oscar Arias là người đầu tiên “ký hòa ước” với thiên nhiên: trong khoảnh khắc, gần 30 khu bảo tồn sinh thái đã liên tục nối đuôi nhau ra đời. Đồng thời, mỗi ngày, con em đều được giáo dục để hòa mình sống với môi trường thiên nhiên, coi đó là tài sản lớn nhất của cả một dân tộc. Costa Rica vĩnh viễn quay lưng lại với các hoạt động phá rừng.
Thành tựu rõ rệt nhất là 30 năm sau, trung bình mỗi năm lại có thêm 160 loài động và thực vật mới được tìm thấy trong kho tàng thiên nhiên vô giá này. Từ các loài cỏ cây, muông thú quý hiếm nhất đến những giống chim, báo… mà không một nơi nào trên trái đất này có được.
Chỉ bấy nhiêu cũng đủ để các khu rừng nhiệt đới hay các khu rừng tràm của Costa Rica thu hút các nhà đầu tư Canada, Mỹ và Nam Mỹ với mục đích sau cùng là biến các khu bảo tồn thành những địa điểm du lịch có một không hai trên thế giới, thành những phòng thí nghiệm phong phú nhất đối với các nhà nghiên cứu của thế giới.
Để mỗi mảnh đất, mỗi bìa rừng, mỗi ao hồ hay mỗi miệng núi lửa đều mãi mãi là những kho tàng bất tận thì Costa Rica đã hiểu thành ngữ “ăn cây nào rào cây nấy” hơn ai hết qua nhiều khâu từ giáo dục, đào tạo đến việc nâng cao đời sống cho người dân để họ vừa có ý thức, vừa không có nhu cầu săn bắt động vật quý hiếm, không khai thác bừa bãi bất kỳ một loài thảo mộc nào được coi là thần dược.
Costa Rica cũng không chạy theo đồng đô-la của các viện bào chế thuốc tây Âu Mỹ hay của các tập đoàn khai thác năng lượng phương Tây để bán rẻ tài sản thiên nhiên của mình. Nhờ vậy, mỗi năm 2 triệu du khách nước ngoài tìm đến với thiên đường nhỏ bé này và ngành du lịch sinh thái trở thành nguồn ngoại tệ lớn nhất của Costa Rica.
Quỳnh Diệp (Theo Daily mail)