Những ngày cuối tháng 5/2018, do bị ép tăng ca 74 giờ mỗi tháng và phải làm việc trong môi trường không được đảm bảo, 500 công nhân may tại cụm công nghiệp Tam Đàn (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) đã nghỉ việc để đòi quyền lợi. Nhiều công nhân cho biết, từ sau Tết Nguyên đán cho đến nay, họ bị ép tăng ca từ thứ 2 đến thứ 6, mỗi ngày thêm 3,5 giờ, kể cả chủ nhật, nhưng tiền trợ cấp hay tiền ngoài giờ quá thấp. Khi công nhân xin nghỉ tăng ca thì bị phía công ty gây khó khăn và dọa đuổi việc. Ngoài ra, các công nhân phải làm việc trong môi trường có mùi hôi thối, tiền ăn trưa chỉ 12 ngàn đồng/suất ăn, không đảm bảo chất lượng, dinh dưỡng…
Trước đó, đã có không ít vụ đình công của công nhân tại các khu công nghiệp diễn ra trên khắp cả nước. Khoảng cuối tháng 3/2018, gần 4.000 công nhân của Công ty TNHH Yamani Dynasty đóng tại cụm công nghiệp Nam Hồng (huyện Nam Trực, Nam Định) nghỉ việc tập thể, đứng tập trung trước sân nhà xưởng phản đối, yêu cầu lãnh đạo công ty cải thiện các chế độ, điều kiện lao động. Những kiến nghị mà công nhân yêu cầu gồm: nâng cao chất lượng bữa ăn; không tắt máy quẹt thẻ trước giờ quy định; trả tiền nghỉ phép năm cho người lao động không nghỉ phép; không tăng ca quá 300 giờ/năm; hỗ trợ tiền xăng xe, tiền thâm niên và trợ cấp nuôi con nhỏ cho công nhân; trả tiền cho người không ăn trưa tại công ty; nếu làm tăng ca đến 20h phải có bữa ăn phụ...
Vấn đề tăng giờ làm và không đảm bảo dinh dưỡng cho công nhân trong giờ làm việc là nội dung xuyên suốt hầu như các cuộc đình công của công nhân. Họ phải làm việc trong những điều kiện không đảm bảo sức khỏe, bữa ăn quá đạm bạc, thiếu dinh dưỡng, lại phải làm thêm quá nhiều giờ. Như vậy, sức lực của họ gần như bị vắt kiệt. Sau các cuộc đình công của công nhân, chủ doanh nghiệp đã có chút thay đổi về bữa ăn và giảm giờ làm, nhưng chuyện ép làm ngoài giờ vẫn diễn ra.
Về vấn đề bị ép làm tăng ca, ông Trần Văn Triều - Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết: Bộ luật Lao động quy định thời giờ làm việc bình thường của NLĐ không quá 8 giờ trong ngày và 48 giờ trong tuần. Người sử dụng lao động được sử dụng NLĐ làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện: được sự đồng ý của NLĐ; bảo đảm số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm (trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm). Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để NLĐ được nghỉ bù cho thời gian không được nghỉ.
Bộ luật Lao động đã có quy định rõ ràng về việc chủ sử dụng lao động chỉ được yêu cầu được NLĐ làm thêm giờ khi họ đồng ý. NLĐ cũng nên tìm hiểu và nắm rõ luật để tranh đấu đòi quyền lợi theo đúng quy định của pháp luật, thậm chí có thể kiện chủ doanh nghiệp ra tòa khi họ làm sai luật. Để NLĐ không đơn độc trong việc đấu tranh đòi quyền lợi, mong rằng chính quyền sở tại và ban ngành chức năng quan tâm bảo vệ quyền lợi cho người lao động để họ an tâm làm việc, duy trì cuộc sống, tạo ra của cải vật chất cho xã hội mà vẫn đảm bảo sức khỏe.