Co thắt phế quản do gắng sức

06-04-2015 14:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Tần suất mắc các cơn hen và co thắt phế quản do gắng sức ước tính ở vào khoảng 30 – 70% số các vận động viên chuyên nghiệp

Tần suất mắc các cơn hen và co thắt phế quản do gắng sức ước tính ở vào khoảng 30 – 70% số các vận động viên chuyên nghiệp và còn tùy theo môi trường vận động cũng như loại hình thể thao mà những vận động viên này tham gia tập luyện và thi đấu.

Thế nào là hen và co thắt phế quản do gắng sức?

Thuật ngữ “co thắt phế quản do gắng sức” nhằm mô tả một tình trạng co hẹp của các phế quản xảy ra sau khi gắng sức, một hiện tượng thường xuyên xảy ra ở một số vận động viên mà trước đó không có bệnh hen hoặc bất cứ một bệnh lý hô hấp nào khác. Đây thực chất cũng là một hình thức tăng đáp ứng kiểu co thắt của các phế quản đối với các tác nhân kích thích từ bên ngoài vào dẫn đến sự chít hẹp của đường dẫn khí với những đặc điểm giống như trong bệnh lý hen phế quản. Người ta cũng thấy hiện tượng co thắt phế quản do gắng sức xảy ra nhiều hơn ở nhóm những vận động viên phải gắng sức kéo dài (như chạy đường dài), ở những vận động viên chuyên về các môn thể thao mùa đông hoặc vận động viên bơi lội.

Hiện tượng co thắt phế quản do gắng sức xảy ra nhiều hơn ở nhóm những vận động viên phải duy trì thể lực cường độ cao, kéo dài.

Thử đi tìm nguyên nhân

Nguyên nhân của hiện tượng co thắt phế quản do gắng sức hiện vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ. Cả hai hiện tượng giảm nhiệt độ do thở nhanh và sự làm tái ấm trở lại của đường dẫn khí sau gắng sức đều có thể là nguyên nhân. Tuy nhiên, vấn đề lại nằm ở chỗ: thở nhanh khi gắng sức sẽ dẫn đến mất một lượng nước đáng kể ở niêm mạc đường dẫn khí, từ đó làm tăng áp lực thẩm thấu tại đây. Áp lực thẩm thấu tăng sẽ kích thích việc giải phóng các yếu tố trung gian của quá trình viêm như histamin, cysteinyl leukotrienes, prostaglandins từ các tế bào viêm dẫn đến phù nề và co thắt phế quản. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như sự tái cấu trúc lớp tế bào niêm mạc đường hô hấp ở các vận động viên, quá trình ức chế miễn dịch thoáng qua trong quá trình tập luyện (là yếu tố tăng khả năng nhiễm khuẩn, nhiễm virut đường hô hấp), việc tiếp xúc với hóa chất trong các bể bơi, với không khí khô và lạnh khi nhảy dù hoặc leo núi cũng dẫn đến thương tổn lớp niêm mạc phế quản và góp phần gây phù nề, viêm nhiễm, co thắt, chít hẹp đường dẫn khí.

Luyện tập với cường độ cao đòi hỏi gia tăng chức năng của hệ tim mạch và hô hấp. Cung lượng tim có thể tăng lên đến 200 lít máu/phút ở những vận động viên ở đẳng cấp cao. Nhịp thở cũng tăng lên nhằm tăng khả năng trao đổi oxy và CO2, tăng thải nhiệt cũng như hơi nước qua đường hô hấp. Khi gắng sức, thở qua đường miệng rất phổ biến nên các chất gây dị ứng như bụi bẩn, khí độc, phấn hoa… từ môi trường đi thẳng vào phổi mà không được giữ lại ở đường hô hấp trên như khi thở qua đường mũi. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi tỷ lệ viêm mũi họng dị ứng cũng như các bệnh lý có liên quan đến đường hô hấp khác cao hơn ở những vận động viên khi so sánh với những người cùng nhóm tuổi.

Phát hiện sớm cách nào?

Phát hiện sớm những vận động viên bị chứng hen và co thắt phế quản do gắng sức là rất quan trọng nhằm vào việc dự phòng cũng như xử trí sau này. Các yếu tố cần lưu ý bao gồm tiền sử bị hen và co thắt phế quản do gắng sức; hiện tại, khám thấy các triệu chứng khó thở kiểu hen sau gắng sức và làm các test về chức năng hô hấp. Khi chẩn đoán đã được xác định, những vận động viên này sẽ được áp dụng các biện pháp dự phòng và tập luyện thích hợp, tùy theo mức độ của cơn hen và tần suất các cơ co thắt xảy ra khi tập luyện.

Dự phòng được không?

Dự phòng cơn hen và co thắt phế quản do gắng sức ở các vận động viên bao gồm các biện pháp như tránh tập luyện và thi đấu ở những khu vực khí hậu quá khô và lạnh, những vùng không khí bị ô nhiễm; khởi động, làm ấm cơ thể kỹ càng trước khi vận động gắng sức, tìm kiếm nguyên nhân gây dị ứng cụ thể (như các hóa chất sát khuẩn trong bể bơi…) để chủ động phòng tránh; dùng các phương tiện bảo hộ giữ ấm cơ thể và giữ cho đường hô hấp được ẩm và ấm; không luyện tập quá sức khi thời tiết không thuận lợi hoặc khi cơ thể không được khỏe mạnh; khi đã được chẩn đoán là bị hen và co thắt phế quản do gắng sức, có thể dùng các thuốc dự phòng như corticoids hoặc thuốc giãn phế quản, kháng dị ứng… theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.

TS.BS. Vũ Đức Định

 

 

 


Ý kiến của bạn