Có nên cắt trụi lá cây xanh trước mùa nắng nóng?

11-05-2024 13:54 | Xã hội

SKĐS - Theo chuyên gia, không nên cứ vào mùa mưa bão là tỉa cành trơ trụi, phải tỉa đúng kỹ thuật, hợp lý, đúng thời điểm. Cây đường phố phải trồng theo quy trình riêng, từ chọn loài cây, tuổi cây, kích thước hố đủ lớn.

Hà Nội: Hàng loạt cây xanh lâu năm trên phố Duy Tân bị cắt trụi ngọn, trồi gốcHà Nội: Hàng loạt cây xanh lâu năm trên phố Duy Tân bị cắt trụi ngọn, trồi gốc

SKĐS - Hàng loạt cây xanh lâu năm trên phố Duy Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị cắt trụi ngọn, chỉ còn trơ lại phần gốc và thân khiến người dân không khỏi tiếc nuối.

Hàng loạt cây xanh bị cắt trụi trước mùa nắng nóng

Sáng ngày 11/5, theo ghi nhận của phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, hàng cây phượng xanh mát trên đường Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã bị cắt trụi cành, trơ lại thân cây. Các nhân viên cây xanh thực hiện công việc cắt tỉa toàn bộ cành cây và thu gom sạch sẽ số cành cây này.

Kết quả, thay vì con đường có hàng cây phượng tỏa bóng mát thì đường Mễ Trì chỉ còn trơ lại các thân cây vừa được cắt tỉa, ngay trước mùa nắng nóng gay gắt bắt đầu.

Có nên cắt trụi lá cây xanh trước mùa nắng nóng?- Ảnh 2.

Hàng cây bị cắt tỉa lá trên đường Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội) sáng 11/5.

Trước đó, tại các ngõ 11, 76, 78 và 86 phố Duy Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội), hàng cây xanh lâu năm bị cắt, tỉa trụi nhánh, lá, chỉ còn trơ lại phần thân và gốc. Riêng tại ngõ 86, có gần 30 cây xanh đã bị cưa hết cành, lá, chỉ còn lại thân cây cao 3-5m.

Theo những người dân sống và làm việc ở khu vực này, các cây xanh này bị cắt tỉa khoảng 1 tháng trước. "Thời tiết nóng thế này rất cần cây xanh để giảm nhiệt trên đường và giảm bớt tia UV, nếu cần cắt tỉa trước mùa mưa bão thì cơ quan chức năng có thể làm sớm hoặc tỉa bớt cành như các tuyến phố khác, chứ cắt trụi hết thế này thì bao giờ cây mới cho bóng mát" - chị Mỹ Hạnh (37 tuổi, ở phố Duy Tân) chia sẻ.

Không chỉ Hà Nội, tại TPHCM, hàng loạt cây xanh rợp bóng mát trên quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn quận Bình Tân, TPHCM cũng bất ngờ bị cắt tỉa nhánh. Trong đó, có nhiều cây bị cắt trụi, chỉ còn phần gốc và nhánh.

Hiện nay, nội thành Hà Nội có hơn 1 triệu cây xanh. Theo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, việc cắt tỉa cây xanh dọc các tuyến phố những ngày qua là hoạt động bình thường trước mỗi mùa mưa bão. Theo đó, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cây xanh gãy, đổ trong mùa mưa bão, công ty triển khai cắt tỉa khoảng 90.000 - 100.000 cây trong năm 2024. Ngoài ra, công ty còn tăng cường kiểm tra, khảo sát để sớm phát hiện cây xanh nguy hiểm, đưa vào kế hoạch chặt hạ trước mùa mưa bão.

Có nên cắt trụi lá cây xanh trước mùa nắng nóng?- Ảnh 3.

Hàng cây xanh chỉ còn thưa thớt lá sau khi được cắt tỉa trên đường Mễ Trì.

Trong khi đó, Sở Xây dựng TP Hà Nội cho biết đã chủ động thực hiện kế hoạch cắt tỉa cây bóng mát, chặt hạ cây bị sâu mục hay chết khô có thể gây nguy hiểm cho người đi đường, hoàn tất trước mùa mưa bão. Tổng số cây bóng mát phải cắt tỉa khoảng 292.000, trong đó số cắt tỉa vén tán, nâng cao vòm lá là 230.000 cây và cắt tỉa làm thưa tán, thấp tán, hạ độ cao là 62.000 cây.

Thế nhưng, việc cắt cành, tỉa lá tới mức chỉ còn trơ lại thân cây thì có cần thiết? Nhiều người lo ngại việc "chăm sóc" như thế có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây xanh, thậm chí có nguy cơ làm chúng chết khô. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, năm 2024, do ảnh hưởng của hiện tượng ENSO, nhiều đợt nắng nóng đỉnh điểm có thể xảy ra ở nước ta. Trong những ngày hè nắng nóng gay gắt sắp tới, khi nhiệt độ ngoài trời có lúc vượt 40 độ C. Việc cắt trụi cây xanh có thể là tác nhân gia tăng nhiệt độ mặt đường, ảnh hưởng không nhỏ đến người dân khi tham gia giao thông.

Cây xanh phải được tỉa đúng kỹ thuật

PGS. Nguyễn Minh Thanh (Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội) không ủng hộ phương án cắt tỉa trơ trụi cây xanh. Không nên cứ vào mùa mưa bão là tỉa cành trơ trụi, phải tỉa đúng kỹ thuật, hợp lý, đúng thời điểm. Cây đường phố phải trồng theo quy trình riêng, từ chọn loài cây, tuổi cây, kích thước hố đủ lớn phù hợp đặc tính sinh thái loài.

Hiện nay mình trồng cây to quá, đất bên dưới không hợp nên khả năng phát triển rễ cây rất kém, khi cành phát triển to dẫn tới việc không cân đối dễ gãy đổ. Đây cũng là lý do phải tỉa cành cây hằng năm. Việc cắt tỉa cây xanh trụi lủi sẽ gây hại tới cây xanh.

Khi trồng lên được cành nào cắt đi cành đó thì ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng, phát triển của cây. Vì vậy, khi trồng cây đô thị phải chọn đúng loại cây. Ngoài tưới nước, bón phân theo định kỳ thì việc cắt tỉa cây xanh vô cùng quan trọng. Cây xanh đô thị nếu không được cắt tỉa hoặc cắt tỉa không đúng kỹ thuật sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng, mất an toàn.

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cũng cho rằng, việc cắt tỉa cây xanh nhằm hạn chế những ảnh hưởng trong mua bão là hết sức cần thiết. Và từ nhiều năm qua, Sở Xây dựng các tỉnh thành cũng đã ban hành nhiều văn bản, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm triển khai công tác cắt tỉa cây xanh bảo đảm yêu cầu an toàn, thẩm mỹ… nhưng phải duy trì bóng mát ở mức độ hợp lý theo quy định.

Lập kế hoạch và tuân thủ nghiêm túc tỷ lệ diện tích cắt tỉa tán cây xanh đã quy định; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng cắt trụi tán lá, không còn tác dụng che bóng mát, mất cảnh quan đô thị… Song những quy định trên hiện chưa được thực hiện nghiêm túc tại một số địa phương, gây bức xúc trong dư luận.

Theo các chuyên gia, việc duy tu cây xanh cần phải có khảo sát và có hướng cắt tỉa để thân cây, tán, rễ cây cân đối thì cây mới sinh trưởng tốt. Việc duy tu cây xanh cần phải có khảo sát và có hướng cắt tỉa để thân cây, tán, rễ cây cân đối thì cây mới sinh trưởng tốt.

Việc chặt bỏ, tỉa cành nhánh đều có lý do (như đề phòng mưa bão gãy đổ, phục vụ ngầm hóa lưới điện, mở rộng đường...) nhưng đáng tiếc là khó có thể thể bù đắp ngay không gian xanh bị mất đi. Tăng số lượng cây xanh, tăng mảng xanh đô thị cần thời gian tính bằng năm, thậm chí chục năm. Singapore làm nên thương hiệu đất nước xanh, sạch chính là phát triển mảng xanh.

Họ đang chuyển chiến lược môi trường từ "rừng trong phố" (phát triển mạnh mảng xanh giữa không gian hầu hết là cao ốc) sang "phố trong rừng" (xanh hóa toàn lãnh thổ thành quần thể rừng đa dạng sinh học). Bên cạnh đầu tư lớn xây dựng thêm công viên, họ chú trọng bảo tồn các cụm/khu rừng tự nhiên để giữ những lá phổi xanh và phát triển du lịch sinh thái. Do vậy, theo các chuyên gia, việc cắt trụi cây xanh, làm mất mảng xanh khi hè đến là điều chưa hợp lý.

Loạt cây xanh ở Hà Nội ngã đổ sau trận mưa lớnLoạt cây xanh ở Hà Nội ngã đổ sau trận mưa lớn

SKĐS - Cơn mưa lớn kèm gió giật mạnh đã khiến nhiều cây xanh trên các tuyến đường, phố tại Hà Nội ngã đổ, gây thiệt hại về tài sản của người dân.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 11/5: Từ tháng 6 đến hết năm 2024 có 5 - 7 cơn bão ảnh hưởng tới đất liền.


Tô Hội
Ý kiến của bạn