người sau đó đã giành rất nhiều giải thưởng văn học danh giá, từ Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng ASEAN đến Giải thưởng Hồ Chí Minh có thể xem như vậy.
Trong phần “Đầy vơi năm tháng” của tập tùy bút Chén rượu gạn đáy vò, nhà văn Đỗ Chu viết: “Ở đời, người ta vui quá mà viết cũng có và rất có thể bởi chán quá mà viết cũng có. Tôi vốn là đứa lười học đã chớ lại còn không biết lo thân. Năm cuối trường trung học, thi cử đến nơi rồi, vậy mà không hiểu sao cứ thấy ngấy đến tận cổ cái cách dạy, cách học ở trường. Từ đó, dẫn đến chuyện cầm bút thử”.
Hẳn nhiên, ở kỳ thi tốt nghiệp năm đó (năm 1962), ông bị đánh trượt. Oái oăm ở chỗ, chính môn văn sở trường lại là nguyên nhân trực tiếp khiến Đỗ Chu phải lưu ban. Trong khi bạn bè cùng trang lứa, đứa thì thi đỗ vào Trường đại học Tổng hợp Văn, đứa lại đỗ Trường đại học Sư phạm, rồi dập dìu khăn gói lên Hà Nội trọ học. Xót con, mẹ ông dấm dẳng: “Tưởng là giỏi! Ăn cứt cho người ta!”. Ông điềm tĩnh trả lời mẹ: “Ở đời, không được như hạt tùng, thì bét ra cũng phải là một cái mắt tre!”. Đỗ Chu là vậy! Một cá tính mạnh ngay cả khi chưa đủ điều kiện để mạnh. Ông thà bị “đúp” lớp chứ nhất quyết không chịu nghe theo cái cách dạy, cách học văn kiểu sách vở, trường ốc, một lối dạy cho đến bây giờ xem ra vẫn còn có quá nhiều điều phải ngẫm ngợi. Thay vì dạy học sinh cảm thụ một tác phẩm văn chương, người ta lại quá chú trọng đến tiểu sử tác giả, hoàn cảnh ra đời tác phẩm và thủ pháp nghệ thuật. Nói như một học giả người Pháp, cách dạy này chả khác gì bắt học sinh chăm chăm nghiên cứu hệ thống giàn giáo, không cho chúng có cơ hội tìm hiểu vẻ đẹp kiến trúc, thẩm mỹ của ngôi nhà và quên mất rằng, khi ngôi nhà xây xong, những giàn giáo này cũng tự nhiên biến mất.
Nhà văn Đỗ Chu.
Trong lúc “chán đời” vì phải học lại, Đỗ Chu ngồi viết những trang văn đầu tay của đời mình trong một căn gác xép ọp ẹp, một ngọn đèn dầu leo lét và đàn muỗi đói bay loạn xạ. Thực ra, trước đó, từ năm học lớp 9 (hệ 10 năm) trường làng, ông đã cầm bút viết văn. Trang văn đầu tay của Đỗ Chu có tên Ao làng, ra đời sau một ngày ông cùng ông anh họ đằng ngoại đi lòng vòng quanh làng bắn chim bằng chạng ná nhưng chả được con nào. Trên đường về nhà, ngang qua cái ao đầu làng, Đỗ Chu nhìn ngắm, ngẫm ngợi rồi nảy ra ý định viết. Viết xong, ông đưa bản thảo chép tay cho ông Nguyễn Huy Ánh, người đang phụ trách tờ báo tường của Trường cấp 3 Hàn Thuyên (tỉnh Bắc Ninh, nơi Đỗ Chu đang theo học), với ý định sẽ được đăng tải. Nhưng ông Nguyễn Huy Ánh bảo: “Ủy mị, không dùng được!”.
Thôi thì hãy cứ bày ra đấy cho ngập bàn chứ cũng chưa dám tính đến việc gửi đi đâu. Một hôm, mẹ ông đang ngồi chần áo bông, thủng thẳng bảo: “Viết được cái gì thì cứ gửi lên chỗ các ông bộ đội!”. Nhân bảo như thần bảo, ông đánh liều gửi vài trang nôm na gọi là đoạn văn ngắn xem sao. Đoạn văn ngắn ấy chính là Ao làng, từng bị tờ báo tường của Trường cấp 3 Hàn Thuyên từ chối đăng. Một việc nữa, tìm cho mình một bút danh. Nhà văn ai chả có một vài bút danh. Đỗ Chu liền nghĩ đến Lỗ Tấn, người đất Thiệu Châu bên Tàu. “Ông ấy cũng họ Chu, Chu Thụ Nhân, tự Dự Tài. Bố là Bá Nghi. Mẹ là Lỗ Thị. Quý mẹ, ông mang bút danh Lỗ Tấn đấy thôi. Vậy, mẹ ta là họ Đỗ, cha họ Chu. Từ nay, ta thành Đỗ Chu. Cái tên Chu Bá Bình cất đi làm tên húy”, nhà văn Đỗ Chu cho biết.
Hiềm một nỗi, thời Hán bên ấy cũng có viên tri huyện Đỗ Chu. Ông này vâng lệnh vua phải đứng ra làm một chuyện hết sức đau lòng, là thiến ông Tư Mã Thiên vì tội bênh vực tướng Lý Lăng. Về sau, Tư Mã Thiên còn oán hận mãi.
Mất một vài ngày băn khoăn quanh việc chọn bút danh, sau hết quyết định vẫn phải là Đỗ Chu. “Chả sao cả! Ông Đỗ Chu ngày xưa bởi hám quan mới ra thế. Ta nay đâu có thích thú gì chốn quan trường. Vả lại, ta là người Việt Nam. Người Việt vốn mềm mỏng vừa phải, làm sao phải dẫn nhau đến nông nỗi ấy. Dẫu sao, đây cũng là một nhắc nhở họa văn tự không đùa”, Đỗ Chu nhủ thầm.
Bài văn gửi đi mươi hôm thì có hồi âm: “Tòa soạn đã nhận được Ao làng của anh, sẽ in vào tháng 12/1962, số Kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân. Liệu có thể, anh gửi thêm vài cái ngăn ngắn nữa không?”. Ký tên Nguyễn Minh Châu.
Chả là Nguyễn Minh Châu dạo đó đang ngồi trực văn ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ngay sau khi được tạp chí Văn nghệ Quân đội đăng, nhà văn Bùi Bình Thi, người phụ trách Chương trình Đọc truyện đêm khuya của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam thời bấy giờ, tên cũ của Đài Tiếng nói Việt Nam, đã sử dụng lại Ao làng của Đỗ Chu để đọc trên sóng phát thanh. Thời ấy, chỉ cần có tên xuất hiện trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam tức thì coi như cả nước biết tiếng. Hăng lên, Đỗ Chu viết liền một mạch Hương cỏ mật, Thung lũng cò và Mùa cá bột, rồi bèn cuộn luôn cả ba truyện gửi đi. Ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội không ai nghĩ những truyện ngắn này được viết bởi một cậu học sinh tỉnh lẻ mới 18 tuổi vừa bị “đúp” lớp. Một tháng sau, Đỗ Chu lại có thư, vẫn là nhà văn Nguyễn Minh Châu: “Bọn mình đã nhận được gói bản thảo, chuyền tay nhau đọc, thú lắm, sẽ lần lượt in hết, bắt đầu từ số tháng 2 Tết Âm lịch 1963. Tạp chí đang có cuộc thi truyện ngắn, bọn mình định chọn Hương cỏ mật đưa vào dự thi, chắc Đỗ Chu không phản đối”.
Mùa hạ 1963, thi tốt nghiệp phổ thông lần hai xong, Đỗ Chu nhập ngũ, vào Cục Chính trị Quân chủng Phòng không không quân. Cuối năm 1963 đầu năm 1964, truyện ngắn Hương cỏ mật giành giải nhất cuộc thi của tạp chí Văn nghệ Quân đội, một tạp chí văn chương đứng vào hàng đầu bảng lúc bấy giờ. Đỗ Chu lúc này đã là anh lính sáu tháng tuổi quân từ Trại Cờ phố Thắng về Hà Nội nhận giải. “Thế là nghiệp văn tìm tôi khi tôi còn là học sinh phổ thông”, nhà văn Đỗ Chu nói.
Theo ông Chu Bá Nam, em trai nhà văn Đỗ Chu, nguyên giảng viên Trường đại học Dược Hà Nội, kể lại giành giải nhất cuộc thi truyện ngắn ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội không lâu sau thì Đỗ Chu được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, khi mới 23 tuổi. Ông trở thành hiện tượng trên văn đàn Việt Nam. Sau đó, Đỗ Chu, trong tư cách nhà văn, đã về Trường đại học Tổng hợp Văn Hà Nội nói chuyện với các sinh viên Khoa Văn. Chủ đề của buổi tọa đàm lúc bấy giờ là “Truyện ngắn Việt Nam từ Nguyễn Khải đến Đỗ Chu” do Trường đại học Tổng hợp Hà Nội phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. “Thú vị ở chỗ, các bạn ngày nào thi đỗ đại học, trong khi ông thì bị rớt phổ thông, lại đang là những cô cậu sinh viên năm ba. Còn Đỗ Chu lúc này đã là một nhà văn bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa. “Cái mắt tre” mà Đỗ Chu nói trước đây nó là như thế!”, ông Chu Bá Nam nói với giọng tự hào.
Mười năm trong quân ngũ, từ năm 1963 đến năm 1974, Đỗ Chu được thả cỏ đi, sống và viết. Những trang văn thời kỳ này được ông viết trên hòm đạn, bệ pháo, góc đường băng quân sự, trong những căn hầm, những cái hang đá dọc Trường Sơn... Quanh Đỗ Chu, là các cô thanh niên xung phong, là những chiến sĩ ngày mai ra trận, rất nhiều gió bụi và cũng rất nhiều nỗi đau. Trong mười năm ấy, có một địa chỉ đã thành gần gụi đối với ông, đấy là tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ở rất nhiều cuộc trò chuyện, Đỗ Chu thường nói, có ba nơi mà ông phải chịu ơn dìu dắt, đó là Cục Chính trị Quân chủng Phòng không không quân (những năm ông bước vào đời), Tạp chí Văn nghệ Quân đội (nơi đã đón nhận những tác phẩm đầu tay của ông) và Hội Nhà văn Việt Nam (nơi sau này ông về làm việc).
Ngoài ba nơi đã có công dìu dắt, còn một nơi cũng không kém phần quan trọng trong đời văn Đỗ Chu. “Tôi phải cảm ơn Trường Hàn Thuyên đã cho “đúp” lớp thì bây giờ mới thành nhà văn!”, ông nửa đùa, nửa thật.
Từ trẻ trai đến tuổi ngoài bảy mươi, văn Đỗ Chu cứ tràn giào cảm xúc đẹp. Ông kết dính các nhân vật, sự kiện, vấn đề... trong tác phẩm với độc giả bằng nội lực thơ. Văn Đỗ Chu mê dụ người đọc cũng vì lẽ đó. Gần đây, ông lại cầm cọ vẽ và làm thơ. Có vẻ như Đỗ Chu đang muốn xóa nhòa ranh giới giữa thơ và truyện?
Trở lại mấy dòng về những trang văn đầu tay được Đỗ Chu làm từ một cái bàn hình vuông bốn chân thấp dáng dấp tựa như cái án thư cổ trong khoảng thời gian bị “đúp” lớp ấy, nhà văn Đỗ Chu bảo: “Nghĩ lại, nếu ba cái truyện ngắn viết thời học sinh, nhỡ mà bị các biên tập viên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội không thích, hay tình cờ bỏ qua, thì sao tôi có thể sớm trở thành nhà văn thế được? Ở chỗ này, cứ như trời định vậy!”.