Chuyện lẩn thẩn của một lão già lẩn thẩn

18-07-2016 08:21 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Không lẩn thẩn mà lại như thế? Cứ luẩn quẩn với những chuyện cũ. Đã thế, việc lại xảy ra từ tám hoánh. Có khi người trong truyện cũng đã quên rồi. Thế mà lão cứ nhớ. Bây giờ lại lôi ra kể. Thế không phải là lẩn thẩn ư?

Số là có bạn đọc trong một cuộc giao lưu đã hỏi tôi: “Cháu thấy chú rất vui tính. Đến đâu, cháu cũng thấy chú làm cho mọi người cười. Người như thế chẳng bao giờ biết buồn. Cũng là người mà sao chú sướng thế?”.

Ối chao ôi! Hóa ra lão già này là người sung sướng ư? Này cô bé thiên thần ơi! Người hay cười chưa chắc đã vui. Có khi người ta cười vì không thể khóc được đấy.

Rồi đến lúc tôi sẽ kể những chuyện không thể khóc được. Còn bây giờ, tôi kể một chuyện chẳng biết nên cười hay nên khóc?

Đấy là chuyện xảy ra có dễ chừng gần ba chục năm rồi. Lần ấy bọn tôi lên công tác Cao Bằng, có ghé qua Bắc Kạn. Đất nước trong công cuộc đổi mới, những phép lạ diễn ra hàng ngày, nhưng Bắc Kạn vẫn niêm phong mình trong hơi văn Nguyên Ngọc những năm 60 của... thế kỷ trước.

com lamGạo nếp nương với nước cho vào ống nứa, rồi bít lại, đốt trên bếp than hồng chính là món cơm lam ngon nức tiếng của đồng bào vùng sơn cước.

Vẫn những con đường mòn chênh vênh vắt ngang triền núi mờ sương. Những mái nhà sàn tầm tã mưa nắng lấp ló sau vạt lau xám bạc. Lần ấy, xe bọn tôi bị hỏng. Trong lúc cậu lái xe đang hí hoáy thay lốp, chúng tôi tạt vào một cái quán bên đường. Quán không mái che. Cũng không thấy người bán. Một cái ghế băng dài dành cho khách ngồi. Sau ghế băng, lại một cái ghế nữa bày lổng chổng mấy khúc cơm lam, rồi mấy củ sắn luộc. Khách ăn xong, tự bỏ tiền vào cái ống tre cũng đặt ngay trên ghế.

Tôi đi đã nửa vòng trái đất rồi mà không thấy ở đâu có cửa hàng bán món ăn như thế. Chủ quán rất tin khách hàng. Khi chúng tôi chuẩn bị lên xe, thì bà chủ mới ra. Đó là một thiếu nữ, đang còn học lớp 12 trung học phổ thông. Đôi mắt đen láy. Cặp môi ướt đỏ. Bầu má chín ửng như một quả táo mèo. Thế rồi chẳng biết loạng quạng thế nào, mặc dù chưa ăn, bọn tôi cứ tấm tắc khen món cơm lam của cô bé. Tôi còn quả quyết đấy là món tuyệt nhất trong đời mà tôi được thưởng thức.

Cô bé có vẻ thích lắm: “Cơm em tự nấu đấy. Gạo nương mà. Nấu dễ lắm. Cứ cho gạo nếp với nước vào ống nứa, rồi bít lại, đốt trên bếp than...”. Cô bé thật thà giới thiệu. Còn tôi thì lặng lẽ ngắm cô bé. Hình như tôi còn khuyên cô bé nên đi thi hoa hậu, hay thi vào một trường múa nào đó. Cô bé bẽn lẽn: “Anh cứ động viên thế, chứ em xấu đui mà. Ở lớp em, em là con bé xấu xí nhất”.

Rồi sự việc qua đi. Vì dẫu sao, đó cũng chỉ là chuyện tào lao ở  dọc đường. Nào ngờ nửa tháng sau, tôi nhận được giấy mời lĩnh bưu phẩm. Chắc lại tập thơ của ai đó. Có đận, hầu như ngày nào, tôi cũng phải ra bưu điện nhận... thơ. Nhiều tập chỉ mới ở dạng bản thảo. Công việc bù đầu, tôi cứ lấn cấn mãi.

Đến lúc ra nhận thì hóa ra là cơm lam. Để lâu, cơm đã mốc xanh và bốc mùi chua loét. Ngoài gói cơm là một dòng chữ mềm mại “Gửi anh chút hương vị núi. Em gái miền sơn cước”.

Tôi bàng hoàng. Cô bé không ghi địa chỉ. Cũng không ghi tên. Hôm ấy, bọn tôi nói rất nhiều mà rồi lại quên không hỏi tên cô bé. Cũng không biết cô bé ở bản nào. Tôi muốn thư cho cô bé cảm ơn và cũng để xin lỗi, nhưng rồi chịu.

Làm sao có thể tìm được một người con gái không tên tuổi, không quê quán. Tất cả mọi thông tin đều rất mịt mờ. Bây giờ có thể cô bé đã tốt nghiệp đại học. Ước gì cô bé đã ra trường, đang là một bác sĩ hay một y tá chữa bệnh ở một bệnh viện nào đó trên những triền núi cao, hay chỉ đơn thuần là một bệnh nhân đang điều trị trong một bệnh viện vì một căn bệnh nào đó. Rồi trong lúc rỗi rãi, cô lật trang báo Sức khỏe&Đời sống, rồi gặp mấy dòng chữ muộn mằn này...

Tôi sẽ rất vui, nếu được cô trách thầm: “Ồ, cứ tưởng ai, hóa ra Trần Đăng Khoa. Trông mặt lão đần thối, ta cứ tưởng lão thật thà. Hóa ra lão cũng điêu. Già rồi mà vẫn còn điêu. Cứ tưởng trẻ con hư, hóa ra người già như lão cũng rất hư. Thôi, không thèm chấp. Ta tha cho lão già lẩm cẩm!”...


Nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA
Ý kiến của bạn