Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017: Tăng cường giám sát môi trường, an toàn thực phẩm

27-07-2016 15:56 | Thời sự
google news

SKĐS - Đề nghị bổ sung chuyên đề giám sát về môi trường, đặc biệt là việc giám sát chuyên đề về việc phê duyệt các dự án đầu tư nước ngoài...

Đề nghị bổ sung chuyên đề giám sát về môi trường, đặc biệt là việc giám sát chuyên đề về việc phê duyệt các dự án đầu tư nước ngoài, trong đó một trong những trọng điểm là Formosa; thực hiện giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm;... là những nội dung được các đại biểu nêu lên trong phiên thảo luận về Dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017.

Đề nghị bổ sung chuyên đề giám sát về môi trường

Thảo luận chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017, nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội có chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật bảo vệ tài nguyên và môi trường. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, những năm gần đây, đặc biệt từ đầu năm đến nay, vấn đề môi trường là vấn đề hết sức bức xúc, trong đó cụm từ Formosa luôn được nhắc đi nhắc lại. “Những sự cố môi trường, có người gọi là thảm họa môi trường, đặc biệt là vụ Formosa Hà Tĩnh, làm cho cử tri rất băn khoăn, bức xúc. Có rất nhiều người là cán bộ công chức về hưu, cán bộ lão thành và cả cán bộ đương chức gặp tôi đề nghị, kiến nghị Quốc hội làm rõ vấn đề này. Có thể nói, mấy tháng qua, nhiều cử tri ăn không ngon, ngủ không yên, những người quan tâm đến vận mệnh của quốc gia hết sức băn khoăn lo lắng”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa chia sẻ.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh).

Trước sự những cố như vậy, nhưng khi đọc kỹ 4 nội dung chuyên đề của Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, ông “tìm mãi không thấy” cụm từ môi trường. Đại biểu đề nghị Quốc hội có sự điều chỉnh lại nội dung chuyên đề và có chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư trong nước, nước ngoài liên quan đến việc phòng chống vi phạm pháp luật bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) cho rằng đã có đủ tiêu chí, căn cứ để tiến hành giám sát về môi trường. Đại biểu nhấn mạnh vấn đề môi trường là một trong những vấn đề được lặp đi lặp lại nhiều lần về bức xúc của cử tri, của nhân dân theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi đến Quốc hội, đồng thời tập hợp các ý kiến mà trong báo cáo của Quốc hội gửi, của các cơ quan, ban, ngành thì hơn 50 ý kiến có đến 28 ý kiến đề xuất về việc môi trường.

Mất an toàn thực phẩm đã đến đỉnh điểm bức xúc của cộng đồng

Liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nhấn mạnh, vấn đề an toàn thực phẩm là vấn đề cử tri rất bức xúc vì hiện nay vấn đề mất an toàn thực phẩm đã đi đến đỉnh điểm bức xúc của cộng đồng. Tác động của việc thực phẩm không an toàn đã và đang tác động tiêu cực, hủy hoại chất lượng cuộc sống con người. Dù đã được Quốc hội khóa XII tổ chức giám sát tại Kỳ họp thứ 3, nhưng giám sát lại lần này cũng là điều kiện để Quốc hội đánh giá lại việc thực hiện của các cơ quan chức năng về các kiến nghị của Quốc hội khóa trước về vấn đề an toàn thực phẩm. Qua đó, Quốc hội kiểm nghiệm lại hệ thống pháp luật đã ban hành có phù hợp và đầy đủ để điều chỉnh về vấn đề an toàn thực phẩm chưa.  

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang).

Nêu lên các lý do chính để chọn lựa giám sát chuyên đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho biết, cuộc sống và sức khỏe của người dân đang bị đe dọa bởi ung thư và ngộ độc thực phẩm. Tất cả các khâu, các lĩnh vực từ sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu dùng đến bảo vệ sức khỏe đều đang có vấn đề khiến việc ngăn chặn thực phẩm bẩn chưa đạt hiệu quả. Quyền được sống trong môi trường trong lành, không bị đe dọa, cuộc sống, sức khỏe của mình và của cộng đồng được Hiến pháp bảo vệ đang bị xâm hại.

Về mặt quản lý nhà nước, hiện tại đang có 3 bộ chủ chốt là Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mặc dù 3 bộ đã có nhiều nỗ lực như Bộ Y tế đã có nhiều nỗ lực trong việc kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm nhưng vẫn còn nhiều bất cập, không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chung và công tác điều hành, phối hợp vẫn còn chưa có đầu mối chỉ đạo, chức năng, nhiệm vụ một số cơ quan, đơn vị còn chồng chéo và chưa đủ cụ thể, chưa rõ về thẩm quyền và trách nhiệm cá nhân. Bên cạnh đó, sự yếu kém của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, trong quá trình ngăn chặn thực phẩm bẩn từ sản xuất, chế biến, tiêu dùng cũng như trong bảo vệ sức khỏe. Do đó, đại biểu đề nghị, Giám sát chuyên đề này sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trên. Đồng thời, kết quả giám sát sẽ làm cơ sở để Quốc hội, Chính phủ đánh giá, tổng kết việc thực hiện Luật An toàn thực phẩm, từ đó làm cơ sở xem xét việc sửa đổi, bổ sung luật nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho lĩnh vực này.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIV, sáng 26/7, các ĐBQH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV với 93,52% đại biểu tán thành. Cụ thể, cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ gồm các Bộ: Quốc phòng; Công an; Ngoại giao; Nội vụ; Tư pháp; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công Thương; Y tế; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông Vận tải; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Lao động, Thương binh và Xã hội; Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo và 4 cơ quan ngang bộ gồm: Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cơ cấu tổ chức Chính phủ theo mô hình bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đã được giữ ổn định từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII đến nay, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Chính phủ đã thảo luận kỹ và thống nhất trình Quốc hội cho giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ như hai nhiệm kỳ qua.

Chiều ngày 26/7, đã có 485/489 đại biểu (tương đương 98,18% tổng số đại biểu Quốc hội) đồng ý chọn bầu ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Ngay sau đó, nghi thức tuyên thệ nhậm chức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được tiến hành. Trước đó, vào ngày 25/7, đã có 485 đại biểu bỏ phiếu tán thành (tương đương 98,18% tổng số đại biểu) bầu ông Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước.


Anh Tuấn - Hoàng Dương
Ý kiến của bạn